Thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á có khả năng tăng trưởng gấp đôi trong 5 năm tới và Việt Nam sẽ trở thành thị trường lớn nhất vào 2020.
Doanh thu từ thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng trong ASEAN có thể tăng với tốc độ 17,7% mỗi năm – từ mức 11,2 tỷ USD vào năm 2015 lên 25,2 tỷ USD trong năm 2020 - theo một báo cáo của hãng tư vấn kinh doanh Frost & Sullivan ở Mỹ.
“Mức độ phổ biến nhanh chóng của thiết bị số ở Đông Nam Á sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thương mại điện tử trong khu vực này”, Cris Duy Tran, nhà tư vấn hàng đầu thuộc chi nhánh châu Á – Thái Bình Dương của Frost & Sullivan, phát biểu trong một cuộc họp báo.
Frost & Sullivan tìm hiểu 6 thị trường thương mại điện tử chính trong ASEAN - gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam. Hãng dự đoán Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất để trở thành thị trường thương mại điện tử lớn nhất khu vực Đông Nam Á vào năm 2020.
Đông Nam Á vẫn thua Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử do một số thách thức - như cơ sở hạ tầng cho hoạt động vận tải chưa phát triển, tỷ lệ người dân dùng thẻ tín dụng thấp. Thị phần của thương mại điện tử trong tổng doanh thu bán lẻ ở Đông Nam Á đạt mức thấp hơn 2,5%, trong khi tỷ lệ ấy ở Trung Quốc là 12,1%.
"Chúng tôi tin rằng Đông Nam Á sẽ theo quỹ đạo đi lên tương tự Trung Quốc", báo cáo dự đoán.
Tuy nhiên, nhiều thách thức vẫn tồn tại. Một trong số chúng là lợi nhuận thấp. Foodpanda, trang bán thực phẩm trực tuyến do hãng Rocket Internet ở Đức hậu thuẫn, ngừng hoạt động ở Việt Nam vào năm 2015. Groupon đã rời khỏi Thái Lan và Philippines.
Xoay chuyển mức lợi nhuận là việc khó trong thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng vì mọi thị trường ở Đông Nam Á đều vận hành khác nhau. "Mọi thứ cần phải được điều chỉnh để đáp ứng thị hiếu riêng biệt của khách hàng trong từng thị trường", Tran nói với Nikkei Asian Review.
Báo cáo của Frost & Sullivan cho rằng những cơ hội hấp dẫn nằm trong thương mại điện tử chuyên biệt (hay ngang hàng). Hãng đề cập tới Carousell ở Singapore và Tokopedia ở Indonesia - 2 chợ điện tử trên thiết bị di động cho phép người tiêu dùng giao dịch với nhau. Đây là 2 ví dụ về những doanh nghiệp đang phát triển nhờ chiến lược mạnh mẽ trên thiết bị di động.
Giới phân tích chưa thể biết doanh nghiệp nào sẽ trở thành "ông lớn" trong thương mại điện tử ở Đông Nam Á. "Hiện tại không ai thực thống trị thị trường Đông Nam Á. Ngoài Alibaba, vài công ty thương mại điện tử Trung Quốc cũng muốn gia nhập thị trường ở đây", Tran khẳng định.
Theo Quân Vũ
Zing
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét