Tại Hội thảo chuyên ngành Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực ô tô Việt Nam ngày 7/9, một câu hỏi được đặt ra là: “Việt Nam có nên tiếp tục phát triển ngành công nghiệp ô tô?” khi mà ngay cả Campuchia cũng đã sản xuất được ô tô điện giá 5.000 USD.
Việt Nam nên có công nghiệp ô tô
Bà Nguyễn Xuân Thúy, đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công nghiệp - Bộ Công Thương cho rằng nghiên cứu mới nhất của Viện này cho thấy công nghiệp ô tô tại Việt Nam tạo ra khoảng 80.000 việc làm trực tiếp, nộp ngân sách khoảng 1 tỷ USD/năm, tạo động lực phát triển khoa học công nghệ và đổi mới, tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển các ngành công nghiệp khác; cân bằng cán cân thương mại, thay thế nhập khẩu.
"Việt Nam nên tiếp tục phát triển ngành công nghiệp ô tô vì trên thế giới đây là ngành công nghiệp 10% (10% GDP, việc làm và xuất khẩu). Đồng thời nó cũng tạo động lực phát triển khoa học công nghệ và đổi mới; tạo hiệu ứng lan tỏa cho các ngành công nghiệp có liên quan phát triển như: cơ khí, hóa chất, nhựa – cao su, điên – điện tử…; góp phần cân bằng cán cân thương mại, thay thế nhập khẩu", bà Thúy nói.
Ngoài ra, xét về quy mô thị trường, Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất tốt bởi với dân số 90 triệu dân, tầng lớp trung lưu tăng, thu nhập bình quân đầu người ngày càng được nâng cao, ở mức 2.111 USD năm 2015 và dự kiến sẽ đạt 3.000 USD vào năm 2020… Việt Nam là một thị trường tiêu thụ tiềm năng. Cộng với đó là tiềm năng xuất khẩu với thị trường các đối tác FTAs (AEC, TPP, EVFTA).
Về phát triển ngành sản xuất linh phụ kiện ô tô, tiềm năng của Việt nam cũng được đánh giá cao bởi có năng lực kỹ thuật tích lũy được trong việc là nhà sản xuất linh kiện xe máy. Các nhà sản xuất phụ tùng, động cơ xe máy có thể chuyển đổi sang sản xuất phụ tùng, động cơ ô tô.
Cần tăng dung lượng thị trường
Giáo sư Kobayashi Hideo - Đại học Waseda Nhật Bản cho rằng ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam có số lượng xe ô tô sản xuất, số lượng xe tiêu thụ thấp nhất ASEAN. Trong khi một trong những yếu tố cần nhất là phải có quy mô thị trường đủ lớn để phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho sự phát triển của ngành.
Hiện dẫn đầu khu vực ASEAN là Thái Lan với năng lực sản xuất mỗi năm hơn 1,9 triệu chiếc, thứ hai là Indonesia sản xuất hơn 1 triệu chiếc mỗi năm và đứng thứ 3 là Malaysia với khả năng sản xuất 800.000 chiếc/năm. Philippines và Việt Nam gần như tương đồng nhau, đang ở trong giai đoạn bắt đầu có sự phát triển với lượng xe xuất xưởng khoảng 250.000 chiếc/năm.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến dẫn đến ngành sản xuất linh phụ kiện ô tô không phát triển và chi phí sản xuất ô tô của Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với tại các nước ASEAN kể trên. Bên cạnh đó, hầu hết các nước ASEAN kí hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản trước Việt Nam nên mức thuế cắt giảm thuế NK linh kiện từ Nhật Bản vào các nước này đã giảm hết, trong khi đó Việt Nam mới đang thực hiện lộ trình cắt giảm, nên các DN vẫn còn chịu mức thuế NK linh kiện ở mức cao.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này theo Giáo sư Kobayashi Hideo do Việt Nam chưa có lịch sử phát triển ngành công nghiệp ô tô, mới chỉ bắt đầu từ những năm 1990- Việt Nam bắt đầu sản xuất xe máy với 5 triệu chiếc/năm, nay đã tăng lên mấy chục nghìn chiếc/năm.
Trong khi đó, những năm này là thời kì toàn bộ các nước ASEAN chuyển đổi từ công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu sang công nghiệp hóa hướng xuất khẩu, nên không có cơ hội cho phát triển ngành sản xuất phụ kiện. Như vậy, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vừa phải phát triển trong nước lại vừa phải tìm giải pháp cạnh tranh với xe nhập khẩu từ các nước khác.
Chuyển từ sản xuất linh kiện xe máy sang ô tô
Bên cạnh đó, ngành sản xuất linh phụ kiện ô tô của Việt Nam lại bắt đầu từ sản xuất linh phụ kiện xe máy. Theo thống kê, từ giai đoạn 1986-1999, khi Việt Nam đổi mới và tham gia vào ASEAN, Việt Nam có 33 DN, các DN chủ yếu sản xuất linh kiện CKD. Giai đoạn 2 (năm 2000-2002), xe máy Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam làm tăng lượng xe tiêu thụ từ 5.000 chiếc/năm lên 15.000 chiếc/năm.
Giai đoạn 3 (2003-nay) số lượng DN sản xuất linh kiện xe máy và ô tô tăng lên nhanh chóng với 162 DN, nhưng vẫn còn rất non trẻ. Số lượng DN có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất linh phụ kiện ô tô có khoảng 80 DN, trong đó chủ lực là các DN có vốn đầu tư từ Đài Loan, với 43 DN; Hàn Quốc 10 DN... chủ yếu là DN đang lắp ráp xe máy, với 50 DN, các DN này đang có xu hướng cung cấp cả linh phụ kiện cho ô tô. Riêng đối với các DN Nhật Bản chủ yếu cung cấp linh phụ kiện cho ô tô.
Theo các chuyên gia, các DN sản xuất linh phụ kiện ô tô tại Việt Nam có năng lực kĩ thuật tích lũy trong việc sản xuất linh kiện xe máy, có DN sản xuất được động cơ xe máy, nhưng vậy các DN hoàn toàn có khả năng chuyển sang sản xuất và cung phụ tùng cho ô tô.
Chính vì thế, cần tạo điều kiện để các nhà sản xuất linh kiện xe máy chuyển dịch sang sản xuất linh kiện cho cả xe máy và ô tô. Tuy nhiên, ngành sản xuất linh phụ kiện ô tô cần phải khắc phục những hạn chế, như: vấn đề về kỹ thuật, xây dựng cơ chế đào tạo nhằm nâng cao kỹ thuật đo lường, kỹ năng quản lý chất lượng, quản lý sản xuất. Về vấn đề kinh doanh, việc chuyển đổi sang lĩnh vực ô tô trên cơ sở phát huy nền sản xuất linh phụ kiện xe máy là điều kiện lợi thế của Việt Nam cần phát triển.
Các nước phát triển thị trường ô tô nhờ phát triển thị trường. Hiện nay, Cộng đồng kinh tế ASEAN đã được thành lập, Việt Nam cần phải suy nghĩ cân nhắc với nhiều thử thách, trong đó có việc giảm thuế xe nhập khẩu nguyên chiếc và thuế linh phụ kiện lắp ráp ô tô sau năm 2018.
Theo Duy Khánh
NDH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét