Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ 2007 - 2008 đã làm thay đổi cục diện hệ thống ngân hàng Mỹ, buộc chính phủ phải có những bước đi chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.
Năm 2006, nước Mỹ đang trên đường phục hồi nền kinh tế sau cú sụp đổ của sàn Nasdaq hồi năm 2000 - 2001 và vụ tấn công khủng bố 11/9/2001. Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang ( FED ) lúc bấy giờ là Alan Greenspan cùng các đồng nghiệp đã quyết định cắt lãi suất cơ bản từ 3,5% xuống 1% - mức thấp nhất từ thập niên 90, trong khoảng thời gian giữa tháng 9/2001 và tháng 6/2003. Lãi suất thấp đã khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp đi vay để phục vụ chi tiêu. FED bắt đầu tăng lãi suất vào mùa hè năm 2004 nhưng với tốc độ chậm chạp, chỉ 0,25%.
Những yếu tố này đã tạo tiền đề cho sự bùng nổ trên thị trường nhà đất. Các gia đình nô nức vay tiền đi mua nhà; giới đầu cơ mua bất động sản để bán lại; những người thu nhập thấp hay các đối tượng có mức tín nhiệm thấp (tiềm ẩn rủi ro không có khả năng thanh toán nợ) kéo nhau đi vay nợ dưới chuẩn (không tài sản thế chấp). Đây là loại nợ có mức rủi ro cao song bù lại có mức lãi suất rất hấp dẫn với người cho vay.
Để giảm thiểu rủi ro, giới cho vay sử dụng công cụ chứng khoán hóa và phát hành các chứng khoán nợ dưới chuẩn. Bằng cách này, người cho vay không nhất thiết phải nắm giữ rủi ro tín dụng mà rủi ro này được chuyển sang cho người mua chứng khoán, và đây là cơ sở để các ngân hàng đầu tư tiếp tục bơm vốn vào hoạt động cho vay nợ dưới chuẩn. Dần dần, Phố Wall hình thành nên một thị trường chứng khoán nợ dưới chuẩn khổng lồ.
Nhu cầu tăng kéo theo giá nhà tăng, và người Mỹ tiếp tục đua nhau đi vay. Lãi suất tiết kiệm giảm xuống mức âm và thâm hụt thương mại của Mỹ tăng mạnh do vay nước ngoài tăng. Một số chuyên gia bắt đầu cảnh báo về nguy cơ bất ổn của nền kinh tế.
Tháng 2/2006, ông Ben Bernanke tiếp quản chiếc ghế Chủ tịch FED và cam kết tiếp nối các chính sách của người tiền nhiệm Greenspan. Tương tự như ông Greenspan, Chủ tịch Bernanke phản đối việc thắt chặt kiểm soát đối với các công cụ phái sinh và hoạt động cho vay dưới chuẩn.
Những đợt sóng đầu tiên
Bước sang năm 2007, giá nhà đất tại nhiều nơi trên nước Mỹ bắt đầu giảm. Giới quan sát một lần nữa lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra suy thoái song bị FED bác bỏ. Sự lạc quan của FED kéo dài trong suốt nhiều tháng sau đó, trong thời gian này 2 tổ chức cho vay nợ dưới chuẩn lớn, New Century Financial Corp. và American Home Mortgage, đệ đơn phá sản và tác động lan tới các tập đoàn Phố Wall tham gia đầu tư vào chứng khoán nợ dưới chuẩn. Dù vậy, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC - thuộc FED) vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất.
Ngày 9/8/2007, khủng hoảng leo lên mức đáng báo động sau khi BNP Paribas, một ngân hàng lớn của Pháp, phải tạm thời ngừng rút vốn của 3 quỹ đầu tư trực thuộc có nắm giữ chứng khoán nợ dưới chuẩn với lý do “mất toàn bộ tính thanh khoản tại một số khu vực của thị trường chứng khoán hóa Mỹ”.
Nói cách khác, giao dịch trong thị trường chứng khoán nợ dưới chuẩn đã ngưng trệ, đẩy nhiều thể chế tài chính vào tình trạng thiếu tiền mặt và thừa tài sản không bán được. Giá cổ phiếu tụt dốc ở 2 bờ Đại Tây Dương và Chủ tịch Bernanke có cuộc họp khẩn cấp với FOMC để thảo luận về việc hạ lãi suất chiết khấu - lãi suất FED cho các ngân hàng thương mại vay nóng thông qua chính sách cho vay khẩn cấp.
Cuối cùng, FED quyết định không thay đổi lãi suất chiết khấu 6,25% song thông báo tới các ngân hàng thương mại rằng cửa sổ chiết khấu đã mở nếu các ngân hàng này cần vốn. Nhưng chỉ 1 tuần sau đó, những diễn biến đáng ngại trên thị trường đã buộc FED cắt lãi suất chiết khấu xuống 5,75%.
Học thuyết Bernanke
Nhận ra rằng cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn đang đe dọa nghiêm trọng đến nhiều thể chế tài chính lớn và các chính sách hiện tại không đủ sức kiểm soát tình hình, Chủ tịch Bernanke họp mặt với nhiều nhân vật quan trọng của ngành tài chính. Câu hỏi được đặt ra là “Chuyện gì đang xảy ra và chúng ta cần làm gì?” và “Ta đang có công cụ gì và cần những công cụ gì?”.
Tất cả đều đồng ý rằng hệ thống tài chính đang đối mặt với một cuộc “khủng hoảng thanh khoản”. Các ngân hàng muốn bảo vệ nguồn vốn của mình đã ngừng mọi hoạt động cho vay. Nếu tình trạng này tiếp diễn, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ không thể vay mượn để chi tiêu và giữ nền kinh tế vận động.
Cuộc họp đặt ra giải pháp tiếp cận 2 mũi nhọn mà Giám đốc New York FED Tim Geithner sau đó gọi là Học thuyết Bernanke. Một mặt, để “phá băng” cho nền kinh tế, FED sẽ từ từ hạ lãi suất liên bang. Đây là bước đi tiêu chuẩn của FED song trong trường hợp này nó sẽ không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng niềm tin trong hệ thống tài chính.
Một giải pháp được đề xuất là đưa trở lại các biện pháp từng được sử dụng trong cuộc khủng hoảng thiên niên kỷ Y2K - khi những lo ngại về một sự cố Internet khiến hàng loạt thể chế tài chính bảo tồn nguồn vốn và FED đã phải phát triển một chuỗi sáng kiến để giữ thông suốt dòng tiền. Với giải pháp này, bắt đầu từ tháng 8/2007 và kéo dài suốt 15 tháng sau đó, thông qua các chương trình như T.A.F., T.S.L.F. và P.D.C.F., FED đã cho vay hàng nghìn tỷ USD tới hàng chục ngân hàng. Đây trở thành nội dung thứ 2 của Học thuyết Bernanke.
Nhưng bất chấp các nỗ lực trên, thị trường tín dụng vẫn không có mấy tiến triển. Ngày 4/1/2008, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo tỷ lệ thất nghiệp đã leo lên tới 5%, thêm nhiều ngân hàng công bố kết quả làm ăn thua lỗ. Nhiều nhà kinh tế cảnh báo nước Mỹ đang ở bên bờ vực suy thoái.
Ngày 29/1, FOMC họp và cắt lãi suất cơ bản thêm 0,5% xuống 3%. Chỉ trong vòng 1 tháng rưỡi, FED đã chuyển hướng đột ngột từ một chính sách cân bằng giữa chống lạm phát và giữ tăng trưởng kinh tế sang chính sách chống suy thoái. “Thay đổi quá lớn và quá nhanh như vậy là việc chưa từng có”, Frederic Mishkin, một cựu Thống đốc của FED, nhận định.
Theo Trần Ngọc
Tin Tức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét