Những dữ liệu mới nhất cho thấy 2/3 lục địa châu Phi đang biến thành sa mạc hay đất khô cằn.
Châu Phi - châu lục rộng thứ hai thế giới (sau châu Á) có 54 quốc gia trải trên diện tích 30 triệu km2, ở đó, 1,2 tỷ cư dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp và sản xuất thực phẩm, nay gần 3/4 đất khả canh đang xuống cấp ở nhiều mức độ khác nhau, hệ quả của nạn hạn hán nghiêm trọng kéo dài tại nhiều nơi, đặc biệt là vùng Sừng châu Phi và dải Sahel.
Theo Liên Hiệp Quốc, sự nghèo đói và những điều kiện khó khăn về kinh tế – xã hội là hậu quả khó tránh của nhiều người dân châu Phi sống lệ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ngày 28/7, Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) đã cảnh báo về việc 23 triệu người sống tại khu vực Nam châu Phi đang cần hỗ trợ ít nhất 109 triệu USD về hạt giống và dụng cụ, dịch vụ cần thiết về nông nghiệp để có thể chuẩn bị đất đai cho vụ mùa sắp tới.
Trong ngắn hạn và trung hạn, châu Phi chưa gặp những vấn đề nghiêm trọng, nhưng kể từ năm 2020, sẽ có từ 75 đến 250 triệu người tại châu lục này bị thiếu nước do thay đổi khí hậu. Cũng vào thời điểm trên, tại một số nước châu Phi, năng suất của những ngành nông nghiệp dựa vào nước mưa sẽ bị giảm đến 50%.
Từ ngày 15 đến 19/8/2016, chính phủ Namibia đã tổ chức Hội nghị châu Phi về hạn hán (ADC) tại thủ đô Windhoek với sự tham dự của khoảng 650 đại biểu, cuối cùng đã đưa ra bản công bố được nhiều chính phủ chấp nhận với những nét chính như sau:
– Thực thi khung quản lý rủi ro do hạn hán và đẩy mạnh khả năng hồi phục tại châu Phi.
– Đòi hỏi Ủy ban Liên minh châu Phi, với sự hỗ trợ của chính phủ Namibia, đảm bảo rằng khung quản lý kể trên phải được các thành viên của Liên minh châu Phi (AU) chấp thuận.
– Thiết lập một Mạng lưới châu Phi có tầm châu lục với những định chế có nhiệm vụ kiểm soát hạn hán và một Hệ thống Cảnh báo sớm; củng cố những hệ thống cảnh báo sớm tầm quốc gia, tiểu vùng và vùng đang hoạt động nhằm thông báo những thông tin về hạn hán và áp dụng các biện pháp nhằm làm dịu tình hình.
– Đề nghị các định chế tài chính quốc tế (IFIs), Ngân hàng Phát triển châu Phi, các đối tác song phương và phát triển, các cơ quan thuộc LHQ, các khu vực công và tư, các xã hội dân sự hãy quan tâm đến kết quả hội nghị về hạn hán ở châu Phi và hỗ trợ các nước thành viên thực hiện bản tuyên bố của ADC trên tầm mức lục địa, vùng, tiểu vùng và quốc gia.
Ba cơ quan hàng đầu của LHQ về thực phẩm là FAO, Quỹ quốc tế phát triển nông nghiệp (IFAD) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã công bố trong “Báo cáo phối hợp toàn cầu về an ninh lương thực năm 2015” là có đến 42,7% dân số Namibia bị thiếu ăn.
Bên ngoài biên giới Namibia, các cơ quan nhân đạo và phát triển ước lượng có trên 52 triệu người sống tại các nước Đông và Nam Phi đang ở trong tình trạng bất ổn về thực phẩm.
Theo LHCT
DNSG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét