Việc đặt ra các quy định như Giấy ủy quyền (Thông tư 20) hay Giấy chứng nhận chất lượng hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng của nhà sản xuất (dự thảo thông tư mới) đã trao quyền quá lớn cho các tập đoàn đa quốc gia mà bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam. VCCI đề nghị bỏ quy định trên tại Dự thảo Thông tư của Bộ Giao thông Vận tải.
Liên quan đến dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu của Bộ Giao thông Vận tải – nhằm thay thế Thông tư 20 (*) – trước đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị bỏ quy định yêu cầu Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với mọi phương thức kiểm tra gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, việc yêu cầu thêm Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với mọi phương thức kiểm tra gây khó khăn, thậm chí đến mức không thể đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xe thông qua phân phối.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, chỉ xe nhập trực tiếp từ nhà máy sản xuất mới có thể có bản chính giấy tờ này đưa về Việt Nam, còn các xe nhập khẩu qua bên phân phối trung gian thì không thể có.
Nhà phân phối buộc phải giữ lại bản chính của giấy tờ trên nhằm mục đích hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu.
Do đó, quy định trên của Dự thảo sẽ chỉ cho các doanh nghiệp nhập từ các nhà sản xuất mà loại bỏ các doanh nghiệp nhập xe qua nhà phân phối. Như vậy, quy trình này tác động không khác gì so với quy định Giấy ủy quyền chính hãng của nhà sản xuất như Thông tư 20.
VCCI nêu thực tế, đối với nhà sản xuất, việc quyết định giá bán của sản phẩm có sự khác biệt ở các vùng, các nước có thể mang lại lợi nhuận lớn. Cùng một dòng xe có thể bán nơi này cao, nơi kia thấp nhằm thu lợi nhuận.
Ví như dòng xe A đang bán chậm hoặcc hờ thanh lý tại thị trường X nên nhà sản xuất quyết định giảm giá thật sâu, trong khi cũng chính dòng xe A ở thị trường Y lại được ưa chuộng, nên nhà sản xuất sẽ nâng giá cao lên. Khi nhìn thấy sự chênh lệch giá đó, sẽ có những thương nhân nhỏ mang hàng từ thị trường X bán tại thị trường Y, gọi là nhập khẩu song song.
Các nhà sản xuất không thích điều này và tìm mọi cách ngăn cản. Theo quy định tại Điều 125 của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, nhập khẩu song song mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và hạn chế độc quyền.
Do đó, nhập khẩu song song được coi là vũ khhí Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong nước chống lại việc thu lợi bằng cách quyết định giá chênh lệch cho từng thị trường của các tập đoàn đa quốc gia.
Với lý lẽ trên, VCCI khẳng định: "Việc đặt ra các quy định như Giấy ủy quyền (trong Thông tư 20) hay Giấy chứng nhận chất lượng hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng của nhà sản xuất (dự thảo Thông tư của Bộ GTVT) đã trao quyền quá lớn cho các tập đoàn đa quốc gia mà bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam.
VCCI đề nghị bỏ quy định trên tại Dự thảo Thông tư của Bộ GTVT.
Bên cạnh đó, VCCI cũng cho rằng, quy định về công tác kiểm tra hậu kiểm trong Dự thảo hiện còn chung chung và trao quá nhiều quyền tùy nghi cho cơ quan kiểm tra.
“Điều này có thể tạo nguy cơ nhũng nhiễu, tiêu cực và bất bình đẳng trong áp dụng pháp luật giữa các đơn vị khác nhau”, VCCI lo ngại.
Vì vậy, VCCI đề nghị làm rõ các nội dung như Trường hợp nào được tiến hành hậu kiểm? Xử lý trường hợp kiểm tra phát hiện sai phạm thế nào? Trường hợp nào bị thu hồi giấy chứng nhận, trường hợp nào thì phải khắc phục, triệu hồi? Thẩm quyền quyết định thuộc về cơ quan kiểm tra hay Bộ GTVT? Toàn bộ quá trình trên có được công khai hay không?...
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét