Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Người tiêu dùng Việt cho rằng bị xâm hại quyền lợi thì phải kêu cứu ở... Hội nông dân?

Có hơn 56% người tiêu dùng phàn nàn từng bị xâm phạm quyền lợi trong khoảng thời gian từ năm 2011-2015. Tuy nhiên, vai trò của hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn quá mờ nhạt đến mức đa phần mọi người đều không biết phải kêu cứu ở đâu.

Đây là kết quả khảo sát nhận thức người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam mà Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương - công bố mới đây.

Kết quả khảo sát cho thấy có đến 56% người tiêu dùng thừa nhận đã từng bị xâm phạm quyền lợi khi mua hàng trong 5 năm qua.

Những nhóm hàng hóa, dịch vụ được nhiều người tiêu dùng phản ánh đã từng bị xâm phạm quyền lợi trong thời gian qua là Thực phẩm, nước giải khát (19,69%), Đồ điện tử gia dụng (13,05%), Hàng hoá tiêu dùng thường ngày khác (12,88%), Điện thoại, viễn thông (9,17%), Thời trang, trang sức (6,57%), Du lịch, nhà hàng (5,6%), Máy tính, kết nối Internet (5,37%), Y tế, chăm sóc sức khỏe (5,2 %).

Điều này thể hiện đúng thực trạng thị trường tiêu dùng, cũng như các khiếu nại chủ yếu của người tiêu dùng hiện nay, trong đó vấn đề về thực phẩm không an toàn, mất vệ sinh, chất lượng, chế độ bảo hành đồ điện tử gia dụng, điện thoại, dịch vụ viễn thông,...đang gây nhiều bức xức cho người tiêu dùng.

Mặc dù có tới 56% người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi, gần một nửa trong số họ lại chọn giải pháp im lặng, bỏ qua vụ việc vì cho rằng giá trị tranh chấp nhỏ, thủ tục khiếu nại rườm rà, phức tạp, không biết đến cơ quan, tổ chức hỗ trợ giải quyết khiếu nại.

Khi được hỏi “Trong quá trình mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ và xảy ra tranh chấp với tổ chức, cá nhân kinh doanh, thì thường chọn phương án nào?”, có tới 44% số người được hỏi chọn phương án im lặng và bỏ qua vụ việc; 20% chọn phương án Yêu cầu hỗ trợ từ Cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; 36% thực hiện việc Khiếu nại đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra có hơn 70% số người được hỏi cho rằng đã từng nghe, biết Luật Bảo vệ người tiêu dùng và biết quyền cơ bản của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hơn một nửa trong số này không biết chính xác cơ quan, đơn vị nào bảo vệ quyền lợi khi bị xâm phạm, thậm chí một số người cho rằng cơ quan bảo vệ quyền lợi của họ là Hội Nông dân Việt Nam.

Khảo sát được thực hiện bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp 3.000 người tại 12 tỉnh, thành phố trong cả nước vào tháng 3 và tháng 4 năm 2016. Đối tượng được khảo sát là người tiêu dùng nói chung ở Việt Nam, được chia làm các nhóm: Công chức, viên chức; chủ công ty, doanh nghiệp; nhân viên công ty; học sinh, sinh viên; nội trợ; và các đối tượng khác.

Bình An

Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét