Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Dự án thép Cà Ná: Tập đoàn Hoa Sen có tránh nổi những rủi ro khôn lường này?

Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen tại Cà Ná (Ninh Thuận) vừa được Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch ngành thép giai đoạn 2020 xét đến 2025.

Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen tại Cà Ná (Ninh Thuận) vừa được Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch ngành thép giai đoạn 2020 xét đến 2025, với tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ USD, công suất 16 triệu tấn/năm, đang khiến dư luận hết sức lo ngại.

Mặc cho Tập đoàn Hoa Sen cam kết, sẽ không để một giọt nước thải từ dự án chảy ra biển, xây dựng hệ thống xử lý khí thải, nước thải đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ tái sử dụng các chất thải, xây dựng hệ thống hồ điều hòa chứa nước và tạo cảnh quan sinh học cho khuôn viên dự án; thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hoạt động của các đơn vị được ủy thác xử lý chất thải...vẫn không xóa hết nghi ngờ trong lòng mọi người quan tâm.

Nỗi lo ô nhiễm môi trường

Để sản xuất được một tấn thép thô bằng công nghệ lò cao, sẽ phải thải ra hơn 585 ki lô gam chất thải rắn, trong đó có 455 ki lô gam xỉ. Đồng thời, mỗi tấn thép thô sản xuất còn tạo ra 3 mét khối nước thải độc hại.

Trong nước thải sản xuất thép, có chứa hỗn hợp kim loại nặng rất cao, rất nguy hại đến môi trường sống. Quy mô nhà máy càng lớn thì lượng nước thải độc hại càng nhiều.

Sản xuất một tấn thép thô thải ra 2,3 tấn CO2, cùng các loại khí CO, SO2, NOx, bụi và bụi kim loại... Nếu các loại khí thải này không được xử lý tốt, các hóa chất chứa trong đó sẽ gây ra mưa axít, cùng với bụi kim loại, sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng trong khu vực.

Dư luận lo lắng hoàn toàn có lý, bởi đã chứng kiến sự hủy hoại môi trường quá lớn từ dự án Thép của tập đoàn Formosa tại Hà Tĩnh. Nhiều người cho rằng dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen tại Cà Ná (Ninh Thuận) cũng có khả năng gây ô nhiễm môi trường.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Đúc Luyện kim Việt Nam cho biết, luyện thép theo công nghệ lò cao, đòi hỏi quặng sắt phải nghiền ra thành bột cùng với than, trộn với than coke rồi đốt trong lò ở nhiệt độ trên 2.000°C, tạo ra gang lỏng. Sau đó đưa gang lỏng vào lò và thổi khí oxy để đốt carbon thừa. "Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng phương pháp này tiêu thụ nhiều than và sinh ra xỉ, khí dioxyd carbon và nhiều bụi. Trong quặng sắt còn chứa nhiều hóa chất rất độc hại khác như chì, arsen (thạch tín), lưu huỳnh, phốt pho; cùng với đó, công đoạn luyện than coke cũng phát thải nhiều chất độc hại ra môi trường", ông Cường nói.

Ngoài nguyên liệu chính là quặng sắt, sản xuất thép còn sử dụng các nguyên liệu khác như vôi, nước và các chất phụ trợ như hợp kim, điện cực, khí trơ, vật liệu đầm lò. Quá trình sản xuất thép sinh ra các chất thải khí, rắn và tiếng ồn. Ngay cả nước làm mát, nếu không được tuần hoàn tuyệt đối, cũng phát thải độc hại ra môi trường.

Theo số liệu thống kê từ Hội Đúc Luyện kim Việt Nam, để sản xuất được một tấn thép thô bằng công nghệ lò cao, sẽ phải thải ra hơn 585 ki lô gam chất thải rắn, trong đó có 455 ki lô gam xỉ. Đồng thời, mỗi tấn thép thô sản xuất còn tạo ra 3 mét khối nước thải độc hại.

Trong nước thải sản xuất thép, có chứa hỗn hợp kim loại nặng rất cao, rất nguy hại đến môi trường sống. Quy mô nhà máy càng lớn thì lượng nước thải độc hại càng nhiều.

Lượng khí thải ra từ việc sản xuất một tấn thép thô có 2,3 tấn CO2, cùng các loại khí CO, SO2, NOx, bụi và bụi kim loại... Vì vậy, trong các vùng luyện kim, khí quyển bị nhiễm bẩn thường chiếm tỷ lệ gần 60%. Nếu các loại khí thải này không được xử lý tốt, các hóa chất chứa trong đó sẽ gây ra mưa axít, cùng với bụi kim loại, sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng trong khu vực. Nhìn chung, sản xuất thép là ngành công nghiệp không thân thiện với môi trường.

Nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm

Ngày nay, đã có nhiều tiến bộ trong công nghệ kiểm soát ô nhiễm từ sản xuất thép để không gây ảnh hưởng tới môi trường. Chẳng hạn với bụi do luyện thép thải ra, sẽ dùng máy lọc để lọc rồi tưới nước cho đọng xuống và thu gom, xử lý; hay nước thải phải xử lý theo quy trình khép kín đến khi trong lành rồi mới được thải ra môi trường. "Tuy nhiên, chi phí để xử lý rất tốn kém. Theo tính toán, để xử lý triệt để chất thải trước khi thải ra môi trường, sẽ làm cho giá thành mỗi tấn thép tăng từ 15%- 20%. Điều này sẽ khiến cho sức cạnh tranh giảm.

Nếu dự án sử dụng công nghệ Trung Quốc, sẽ giúp nhà đầu tư giảm chi phí đầu tư ban đầu, nhưng ô nhiễm môi trường nặng nề là khó tránh khỏi, bởi công nghệ Trung Quốc khá lạc hậu, tiêu chuẩn thấp. Nếu sử dụng công nghệ Nhật Bản, Mỹ thì chi phí đội lên rất cao, nhà đầu tư sẽ khó gánh nổi. Nhất là gặp phải thời điểm thép khủng hoảng thừa, giá giảm mạnh, thì chắc chắc sẽ thua lỗ, phá sản.

Kinh nghiệm tại các nước phát triển cho thấy, không khả thi khi xây dựng các nhà máy thép lớn tại 1 địa điểm với công suất trên 10 triệu tấn/năm. Việc xây dựng nhà máy thép có công suất 5 triệu tấn/năm cũng đã là một thách thức. Nếu đã xây dựng, đều phải được tiến hành bởi các tập đoàn sản xuất thép rất nổi tiếng và có công nghệ sản xuất thép từ hơn 50 năm. Sẽ rất rủi ro, nếu mong đợi các nhà đầu tư không có kinh nghiệm, trong sản xuất thép, đầu tư vào các siêu dự án thép, mà Formosa là 1 ví dụ, ông Phạm Chí Cường nói.

Nhiều ý kiến trong giới chuyên môn cũng cho rằng, xét về tiềm lực của Tập đoàn Hoa Sen, cho thấy không khả thi. Dự án lớn, nhưng tập đoàn này lại chưa có kinh nghiệm về sản xuất thép. Dự án có vốn đầu tư 10 tỷ USD, không biết Hoa Sen sẽ huy động vốn ra sao, trong khi vẫn đang nợ nần ngập đầu.

Tính đến ngày 30/06/2016, tổng nợ phải trả của Hoa Sen là 5.834 tỷ đồng, trong đó tính riêng các khoản vay nợ tài chính lên tới 4.638 tỷ đồng, chiếm tới 80% tổng nợ vay và chiếm gần 50% nguồn vốn. Đầu tư siêu dự án, nhưng không phát hành cổ phiếu tăng vốn, gánh nặng nợ vay của Tập đoàn Hoa Sen chắc chắn ngày càng lớn.

Ninh Thuận là địa phương có tiềm năng du lịch lớn, có thể thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế tên tuổi, đầu tư vào các Resort, khu vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp. Ngoài ra là nguồn lợi hải sản. Ninh Thuận là trung tâm sản xuất tôm giống lớn nhất cả nước. Chỉ với 1 dự án thép, có thể gây ra rủi ro lớn, giết chết các ngành kinh tế như du lịch, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản... và biến nơi đây trở thành "vùng đất chết" trong tương lai.

Theo Tuấn Hưng

Infonet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét