Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Phó thủ tướng nêu lý do chỉ 1% doanh nghiệp rót tiền vào nông nghiệp

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, nhiều doanh nghiệp nói rằng họ không cần tiền hỗ trợ của Nhà nước khi đầu tư vào nông nghiệp...

“Hàng loạt những bất cập, hạn chế khiến doanh nghiệp chưa thể đầu tư mạnh vào nông nghiệp, nông thông, trong đó rõ nhất là chúng ta còn lúng túng khi triển khai chủ trương tích tụ ruộng đất và thêm vào đó là chính sách dồn điền đổi thửa, tạo lập một thị trường chuyển nhượng đất đai, khiến nhiều doanh nghiệp không có diện tích đất đủ lớn để đầu tư sản xuất”.

Kết luận trên được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra khi chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, cho biết sau 3 năm thực hiện Nghị định 210/2013 của Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chỉ thu hút được 64 dự án ở 23, tỉnh, thành phố, trong đó phần nhiều là các dự án đăng ký thêm.

Ngoài ra, Nghị định quy định nhà nước hỗ trợ vốn nhưng trong bối cảnh ngân sách khó khăn nên vốn bố trí cho 64 dự án này sau mỗi năm bị bớt đi một nửa.

Theo cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Nghị định mới tập trung vào các vấn đề: mở rộng diện doanh nghiệp, dự án được Nhà nước hỗ trợ; phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; bổ sung cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong các giai đoạn phát triển thị trường, làm thương hiệu, hỗ trợ sản phẩm có lợi thế; cải cách thủ tục hành chính và cơ chế về nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin, số liệu cả nước chỉ có 1% tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và chiếm khoảng gần 3% tổng số vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh.

Về nguyên nhân của thực trạng này, ông Huệ cho rằng đầu tiên là vướng mắc về đất đai. Tiếp đến là do chính quyền địa phương dễ thay đổi về quy hoạch sử dụng đất, gây ra rủi ro rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài của doanh nghiệp.

Thêm một nguyên nhân nữa chính sách bảo hiểm nông nghiệp không hiệu quả khiến ngân hàng không thể cho doanh nghiệp vay vốn.

Theo Phó thủ tướng, muốn kêu gọi doanh nghiệp đầu tư thì Nhà nước phải có các giải pháp về cơ chế, pháp lý hỗ trợ cho đầu ra của sản phẩm bằng cách phát triển thị trường buôn bán, sàn giao dịch nông sản, tạo sự yên tâm của các nhà đầu tư.

“Nhiều doanh nghiệp nói họ không cần tiền hỗ trợ của Nhà nước; quan trọng phải là phải có hành lang pháp lý, cơ chế vững chắc để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và trong khu vực này nảy nở ngày càng nhiều hơn”, Phó thủ tướng nói.

Do đó, Phó thủ tướng đề nghị đổi tên dự thảo thành Nghị định về phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn thay vì chỉ có khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khi nhiều gia trại, trang trại, hợp tác xã có năng lực sản xuất lớn nhưng chưa phát triển thành doanh nghiệp. Thêm vào đó, cơ quan soạn thảo cần đặt vấn đề khởi nghiệp trong nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Về một số quy định về hỗ trợ vốn của dự thảo Nghị định, Phó thủ tướng nêu quan điểm: “Nhà nước bỏ ra ít thôi, hoặc không bỏ thêm ra mà chỉ có thể là bớt thu từ thuế, hỗ trợ tín dụng, đất đai”.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu cơ quan soạn thảo hoàn thiện lại dự thảo Nghị định, lưu ý việc cập nhật các nội dung của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (dự kiến được Quốc hội thảo luận, thông qua tại Kỳ họp thứ 3) và các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 về thể chế kinh tế thị trường.

Trong đó, coi trọng các nội dung về tạo thuận lợi thương mại, mở rộng đối tượng điều chỉnh, quy định công bố công khai quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, các chính sách liên quan tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…

Theo Nguyên Hà

Vneconomy

Đọc tiếp »

Nông nghiệp Việt Nam sẽ vẫn cần những cuộc giải cứu

Dưa hấu và thịt lợn mới được ghi tên trong danh sách nông sản cần giải cứu. Tuy không phải giải pháp triệt để, nhưng đây sẽ vẫn là hiện tượng cần được hoan nghênh trước khi có những cuộc giải cứu trong tư duy làm nông nghiệp.

Ba lần người nông dân cô đơn

Năm nào cũng vậy, các vụ giải cứu luôn được tổ chức mỗi khi nông dân gặp khó khăn. Mấy hôm nay cần giải cứu thịt lợn, sắp tới có thể là vải thiều. Trước đó, xã hội đã từng giải cứu thanh long, ớt, hành tím,... Xót xa hơn, trâu bò cũng được huy động vào cuộc giải cứu dưa hấu, chuối. Còn sữa tươi đành gửi nơi ruộng đồng, lối ngõ.

Không nắm được nhu cầu thị trường, sản xuất theo phong trào, nhẹ dạ trước tin đồn,... là những nguyên nhân nhanh chóng được đưa ra. Dù vậy, mọi cố gắng tìm ra giải pháp dường như đều thất bại. Không phải vì nông dân không biết những điều trên. Có lẽ do họ đã 3 lần đơn độc.

Kinh nghiệm về nông nghiệp đã luôn cho lời khuyên đúng đắn. Hơn cả sách, đó là những người bạn ngàn đời của nông dân Việt Nam. Nhưng khí hậu đã thay đổi. Kinh nghiệm không còn có thể cho biết trước đợt mưa, con nước. Người bạn lâu năm kia cũng chịu bất lực trước thiên tai, dịch bệnh. Người nông dân có một lần cô đơn.

Một vài nông hộ nghĩ khác và làm khác. Giống cây, con mới được sử dụng. Học tập điển hình tiên tiến nhanh chóng trở thành phong trào. Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 nêu rõ số lượng 35 triệu con lợn. Nhưng thời điểm này, chiến dịch giải cứu lợn đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xúc tiến, dù Tổng cục Thống kê cho biết cả nước mới chỉ có 29 triệu con. Chưa rõ chiến lược sai hay thống kê chưa sát, chỉ thấy sự cô đơn vẫn vây lấy người nông dân.

Sẽ thật thiếu công bằng khi cho rằng việc sản xuất nhiều đến mức cần giải cứu hoặc đổ bỏ không có lỗi của người làm nông. Nhưng người nông dân có chính quyền cơ sở, hiệp hội giúp sức bảo vệ. Họ đã làm gì hay đang khiến nông dân thêm một lần cô đơn?

Tích tụ, tập trung và ý tưởng ngân hàng ruộng đất

Để thành công trong nông nghiệp, không thể chỉ đơn độc. Ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, người đứng đầu Chính phủ cho biết đã có lời giải cho bài toán nông nghiệp Việt Nam. Liên kết 5 nhà (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng) và tích tụ, tập trung ruộng đất được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, coi đây là yếu tố đột phá để phát triển nông nghiệp.

Thực tế, tích tụ và tập trung là hai khái niệm khác nhau. Theo TS. Nguyễn Đức Thành, tích tụ ruộng đất là sự tăng thêm về quy mô diện tích đất thông qua mua bán, trao đổi. Trong khi đó, tập trung ruộng đất cũng đưa đến kết quả làm gia tăng quy mô diện tích đất nhưng do người chủ của các thửa đất tự nguyện hợp nhất.

Phương pháp mà nhiều tỉnh áp dụng hiện nay là tập trung ruộng đất. Chính quyền tỉnh Thái Bình đứng ra ký hợp đồng thuê đất với từng người hộ dân, rồi cho doanh nghiệp thuê lại mảnh đất lớn đó để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp ở Lâm Đồng hợp tác với các hộ nông dân để sản xuất theo quy trình chung, mà không thay đổi quyền sử dụng đất của mỗi hộ dân cũng là hình thức tập trung ruộng đất.

Sở dĩ phương pháp tích tụ ruộng đất không phát triển là do quy định về hạn điền. Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, tư duy “người cày có ruộng” chính là lực cản khiến nhà quản lý chưa thể thay đổi hạn điền. Liệu rằng địa chủ mới có xuất hiện nếu hạn điền được nới rộng? Tính “công bằng” sẽ được bảo đảm như thế nào khi một vài nông dân trót bán và không còn thửa ruộng để canh tác.

Bên cạnh đó, đa số nông dân Việt Nam muốn giữ lại cho mình một mảnh ruộng. Họ ly hương nhưng không ly nông và vẫn giữ đất nông nghiệp, coi đó như cuốn “sổ bảo hiểm” cho gia đình. Chuyện người nông dân chuyển sang làm việc trong các nhà máy công nghiệp và bị xa thải khi tròn 35 tuổi là một thực tế. Câu hỏi mưu sinh bằng cách nào khi không còn đất cũng chính là lý do khiến người nông dân quyết giữ mảnh ruộng nhỏ.

Mặc dù vậy, nếu nhiều nông dân có thể chấp nhận cho “vay đất” như ở Thái Bình, việc thành lập “ngân hàng ruộng rất” sẽ là giải pháp cho tình trạng đất đai được sử dụng thiếu hiệu quả. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trọng Thủy vấn đề dồn điền đổi thửa phải được giải quyết trước. Bởi lẽ ngân hàng sẽ không dám thuê đất khi mỗi nông hộ có tới 3-5 mảnh ruộng nhỏ lẻ.

Tìm một lối thoát cho điệp khúc giải cứu nông sản, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng ruộng đất lớn mới chỉ là tiền đề. Trong liên kết “5 nhà” mà Thủ tướng nhấn mạnh, doanh nghiệp được xác định là thành phần đi đầu trong việc đưa nông nghiệp sản xuất hàng hóa hội nhập kinh tế thị trường thế giới và Việt Nam. Với đất có diện tích lớn, nhà doanh nghiệp sẽ đầu tư, sản xuất ra nhiều nông sản chất lượng cao, giá thành hạ. Nông sản khi đó sẽ có đầu ra, doanh nghiệp nhập được nguyên liệu tốt. Thương hiệu nông sản cũng bắt đầu từ đây.

Tất nhiên, sẽ vẫn cần nhiều cuộc “giải cứu” trước khi làm được như thế. Người quản lý cần được giải cứu khỏi ám ảnh về tư duy người cày có ruộng. Nông dân cần được giải cứu khỏi suy nghĩ găm giữ đất đai với nhiều thửa ruộng phân tán. Và cần nhiều cuộc giải cứu nữa cho những ai tung tin đồn gây nhiễu loạn nhân tâm.

Đổi mới nông nghiệp bắt đầu từ cuộc giải cứu này!

Theo Vương Diệu Quân

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Tiến sĩ Trần Đình Thiên chỉ ra lợi thế Việt Nam đang sở hữu như Nhật Bản, Hàn Quốc từng có để 'đi tắt đón đầu' trong cách mạng công nghiệp 4.0

Người Việt Nam đồng thời cũng có lợi thế mà ít người dân đất nước nào có được, đó là đặc điểm về sự sáng tạo.

Trong buổi Diễn đàn Cách mạng Công nghiệp 4.0 tổ chức bởi Bộ Công Thương tuần vừa qua, chúng tôi đã có dịp trao đổi với nhiều chuyên gia về 'Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4' - cụm từ đã được nhắc đến nhiều trên mặt báo thời gian qua - cũng như những gì mà Việt Nam cần chuẩn bị cho công cuộc đón đầu.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cho rằng Việt Nam đang có lợi thế của người đi sau, giống như Nhật Bản, Hàn Quốc cách đây 40 - 50 năm, hay như Singapore, UAE mới đây, từ đó mà có thể đón đầu trong cuộc cách mạng này.

Một cách hình ảnh, Tiến sĩ Trần Đình Thiên so sánh việc đi tắt đón đầu giống như việc người ta xây đô thị ở những khu đất trống, không phải giải tỏa đền bù nên sẽ dễ hơn. Còn ở những chỗ đất 'thơm ngon' mà nhà đã xây nên hết, chi phí chuyển đổi sẽ là rất cao.

Người Việt Nam đồng thời cũng có lợi thế mà ít người dân đất nước nào có được, đó là đặc điểm về sự sáng tạo. Tuy nhiên, sự sáng tạo này được tiến sĩ Thiên gọi là sự 'khác người' - sáng tạo chưa được đặt vào khuôn khổ nên vẫn chưa thể phát huy được giá trị của mình.

"Từ xưa đến nay chúng ta vẫn được đánh giá là thông minh. Người Việt nổi tiếng làm nhiều việc cứ khác người, chọn việc khác người mà làm, cứ “lọ mọ” đi tìm những cái khác người để mày mò sáng tạo. Nhưng trong hoàn cảnh thiếu điều kiện, thiếu cơ sở nên sáng tạo đưa ra toàn những thứ ít xài được" - ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 lần này, sự sáng tạo khác người trên lại bất ngờ nổi lên như một lợi thế lớn. Theo vị tiến sĩ,trong 10 cái 'khác người' ở trên mà chúng ta chọn, khuyến khích và bồi dường được 1 cái 'khác thường thành được 1 sự sáng tạo thôi thì đã là điều rất đáng quý rồi.

Tất nhiên, sau tất cả thì sự sáng tạo này mới chỉ là yếu tố nguyên liệu đầu vào. Điều khó khăn nhất đối với Việt Nam trước cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt vào đôi tay là cần tạo ra những bước đột phá chưa từng có: "một tầm nhìn vượt trội, những con người khác thường đến mức phi thường".

Một tầm nhìn vượt trội, những con người phi thường đó được gói gọn trong một chữ mà tiến sĩ Trần Đình Thiên nhắc đế là 'điên rồ': "Tôi cho rằng chúng ta cần một chút 'điên rồ' trong cuộc cách mạng này thì mới mong đạt được thành công".

"Chỉ có sự điên rồ này thì tính sáng tạo của người Việt Nam mới được phát huy hết. Khi đó, sự 'khác người' mới có đất sống, chứ không chỉ là toàn tạo ra những thứ không xài được".

Trao đổi với ông Damian Kassabgi - Giám đốc Chính sách công khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Uber, vị đại diện cho doanh nghiệp là tiêu biểu trong thời công nghiệp 4.0 cũng tỏ ra đồng ý với quan điểm của ông Thiên.

Ông này lấy ví dụ về một văn hóa đặc trưng của công ty Uber mang tên hustle (nghĩa đen: khiến người khác di chuyển nhanh hơn, nghĩa bóng: cố gắng hết mình để thuyết phục ai đó) để mô tả cho những gì mà người Việt cần làm trong cuộc cách mạng công nghiệp ở phía trước:

"Đó là thứ văn hóa mà bạn sẽ làm mọi cách để đạt được mục tiêu như hustle để thuyết phục tài xế tham gia vào Uber, hustle để làm công ty tăng trưởng nhanh nhất có thể. CEO của Uber là Travis Kalanick cũng từng nói rằng "nếu bạn không có sự hustle ở trong mình, bạn sẽ khó mà kiểm được một người cùng chiến tuyến làm việc hết mình bên cạnh" - ông Kassabgi mô tả.

"Điều tương tự với những gì Việt Nam cần làm trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phía trước. Điều đó giống như văn hóa hustle ở Uber" - vị này kết thúc.

Vượng Lê

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Cửa hàng cầm đồ 'nhan nhản' khắp cả nước và con số giật mình về tín dụng đen trong nền kinh tế

"70% tín dụng trong nền kinh tế là tín dụng đen chỉ là con số dự đoán. Chúng tôi chỉ dám công bố con số này để đỡ gây sốc cho dư luận" - luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ

Hôm nay, tại buổi tạo đàm tổ chức bởi Viện Quản trị Kinh Doanh, Đại học Kinh tế và có nội dung về thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam, các chuyên gia đã công bố một số liệu giật mình về tín dụng đen tại Việt Nam: 70% lượng tín dụng trong nền kinh tế là tín dụng đen.

“Đây chỉ là số liệu dự đoán, tuy nhiên nhiều người khẳng định con số còn có thể cao hơn như vậy nhiều. Chúng tôi chỉ dám ước tính số 70% để đỡ gây sốc cho dư luận” – Luật sư Trương Thanh Đức trả lời phỏng vấn.

Tín dụng đen được định nghĩa là các khoản vay phi chính thức trong nền kinh tế. Các vị chuyên gia trong buổi tọa đàm chia thành nhiều nhóm, ví dụ như nhóm tín dụng theo kiểu xã hội đen như trong vụ án Huyền Như chiếm đoạt tới gần 5.000 tỷ trong hệ thống ngân hàng, hay nhóm tín dụng theo kiểu cầm đồ tại các cửa hàng cầm đồ.

Dù là nhóm nào thì các khoản tín dụng đen đều có chung đặc điểm là những khoản vay rất rủi ro: Người đi vay phải chịu lãi suất rất cao, người cho vay phải chấp nhận không đòi được tiền, còn nền kinh tế sẽ tổn thất nặng nề nếu những khoản vay đó có giá trị rất lớn. Luật sư Trương Thành Đức nói với chúng tôi:

“Số cửa hàng cầm đồ của cả nước này thì không biết là có đến bao nhiêu vạn. Theo thống kê, một con phố tại Hà Nội cũng có thể có tới 30 tiệm cầm đồ. Cả thành phố Hà Nội này, dư nợ cầm đồ sẽ chắc chắn lớn hơn toàn bộ dư nợ tài chính. Đó là còn chưa nhắc đến ở vùng sâu vùng xa, cả hợp pháp và bất hợp pháp”.

Còn đối với vay theo kiểu ‘xã hội đen’ như vụ án Huyền Như, vị này lấy ví dụ rằng riêng vụ án này thì tòa đã kết luận người phạm tội phải nộp lại tới 9.000 tỷ đồng. Những trường hợp tín dụng kiểu như vậy có thể vẫn tồn tại trong nền kinh tế và sẽ làm nhân số tín dụng đen lên rất nhiều.

Tổng thể cả nền kinh tế thì chỉ có 7 phần là ‘trên mặt nước’ còn 3 phần vẫn còn ‘dưới tảng băng’. Vì thế, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng con số thực sự của tín dụng đen có thể vượt xa hơn mức 70% rất nhiều.

“Quy mô đó (cùa tín dụng đen – PV) chúng ta không thể kiểm soát. Với nền kinh tế thì chúng ta vẫn đang dự đoán là có tới 30% là kinh tế ngầm. Riêng cho vay tín dụng đen thì chúng tôi nói là 70% vẫn là ít, còn con số thực thậm chí có thể lớn hơn nữa”.

Để đối phó với tín dụng đen trong nền kinh tế gây rủi ro cho cả người vay và người cho vay, ngay từ năm ngoái, một cuộc họp kín của ngân hàng nhà nước với các bên liên quan đã được tổ chức nhằm mục đích xây dựng nên hành lang pháp lý liên quan đến vay tiêu dùng giảm bớt tín dụng đen, làm minh bạch thị trường tín dụng.

Theo đó, đã có một vài quy định mới được áp dụng từ ngày 11/1/2017 vừa qua. Tuy nhiên, theo luật sư Trương Thanh Đức, chúng chưa thể có những tác động đáng kể do đây mới là những quy định liên quan đến siết lại, cấp phép, quản trị, tuân thủ các điều kiện an toàn về quản trị…của tổ chức cho vay tiêu dùng hay tổ chức tài chính.

Còn về hợp đồng tín dụng và mảng nghiệp vụ thẩm định khoản vay thì gần như chưa có sự thay đổi lớn. Thậm chí giờ đây, cũng do quy định thay đổi mà vay tiêu dùng còn dễ dàng, lỏng lẻo hơn trước, dễ tạo nên các loại hình tín dụng đen hoặc các khoảng vay rủi ro cao.

"Trước đây, người vay cần chứng minh mục đích sử dụng vốn, khả năng trả nợ. Bây giờ, anh chỉ cần mang hóa đơn thanh toán điện thoại ra, người ta thấy anh này chi trả 1 triệu/tháng thì cho vay tới 5 triệu là điều quá bình thường”.

Vượng Lê

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Bộ Công Thương: Phá sản doanh nghiệp thua lỗ không đủ điều kiện cổ phần hóa

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam được yêu cầu phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ để khẩn trương hoàn thiện đề án, báo cáo Bộ Công Thương trước ngày 20/5.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ban hành Chỉ thị số 05/CT-BCT về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2017 - 2020.

Về việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước xây dựng kế hoạch, lộ trình sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước trong giai đoạn 2017 - 2020, báo cáo Bộ Công Thương phê duyệt trong tháng 5/2017 theo thẩm quyền hoặc thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với 4 Tập đoàn phải trình đề án tái cơ cấu gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ( PVN ), Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN ), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ( TKV ), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), yêu cầu phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ để khẩn trương hoàn thiện đề án, báo cáo Bộ Công Thương trước ngày 20/5/2017.

Tổ chức triển khai công tác cổ phần hóa các đơn vị thành viên theo đúng kế hoạch và tiến độ đã được phê duyệt; tuân thủ các quy định hiện hành về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần. Đối với những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, tồn đọng tài chính kéo dài, không đủ điều kiện thực hiện cổ phần hóa phải kiên quyết thực hiện sắp xếp, sáp nhập hoặc phá sản theo quy định của Nhà nước.

Chỉ thị cũng cho biết, tăng cường công tác quản lý kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không có hiệu quả, hiệu quả thấp; có cơ chế kiểm soát phù hợp trong việc mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp, tránh lợi ích nhóm, thất thoát vốn và tài sản nhà nước.

Bên cạnh đó, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; xử lý nghiêm lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện hoặc thực hiện kém hiệu quả việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Theo Tâm An

Diễn Đàn Đầu Tư

Đọc tiếp »

Lợi nhuận đầu tư bất động sản tại châu Á - Thái Bình Dương tăng 6,2%

Theo ghi nhận của CBRE, trong quý I/2017, lợi nhuận đầu tư bất động sản của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng 6,2% so với cùng kì năm ngoái nhờ vào tâm lí tự tin của nhà đầu tư dù tăng trưởng giao dịch không đáng kể so với cùng kì năm ngoái.

Ông Henry Chin, Trưởng Bộ phận Nghiên Cứu CBRE châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Trong khu vực, hiệu suất đầu tư có sự phân cấp theo từng thị trường khác nhau. Thị trường Singapore và Nhật Bản ghi nhận hoạt động đầu tư sôi động nhất. Nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội “phản chu kì” tại Singapore, và ba giao dịch dự án văn phòng lớn đã được các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thành công trong quý này. Tại Nhật Bản, các nhà đầu tư có nhiều nhu cầu tìm kiếm các tài sản với lợi nhuận cao hơn tại các thành phố ngoại ô Tokyo, đặc biệt có thể kể đến Yokohama trong quý này".

Trong khi đó, lợi nhuận đầu tư trong quý tại Úc giảm mạnh. Đây được cho là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm trong giao dịch. Tương tự, lợi nhuận đầu tư trong quý tại Trung Quốc cũng giảm với giá trị giao dịch dưới 250 triệu USD. Các nhà đầu tư đã tìm đến các giao dịch nhỏ hơn tại Trung Quốc, bao gồm các tòa nhà văn phòng nằm ở khu vực ngoài trung tâm tại các thành phố cấp 1.

Theo CBRE, với sự kiểm soát chặt chẽ hơn về dòng vốn đầu tư, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã chậm lại với ít giao dịch giá trị lớn. Một số nhà đầu tư Trung Quốc đã chọn tham gia vào những giao dịch trị giá thấp hơn. Đầu tư ra nước ngoài từ Hồng Kông và Bắc Mỹ đã khởi sắc. Một số quỹ đầu tư bất động sản đã tận dụng vốn để đầu tư tại Nhật Bản, trong khi hai công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông đã mua lại một số tòa nhà văn phòng tại Singapore.

Đối với phân khúc văn phòng, các dự án cao cấp lớn sắp hoàn thiện tại Trung Quốc và Singapore, cùng những ưu đãi cao tại Úc và Seoul dẫn đến việc khách thuê chú trọng vào chất lượng và giá trị khi chuyển văn phòng. Các hoạt động cho thuê được chi phối bởi các ngành công nghệ, truyền thông, viễn thông và các tổ chức tài chính trong nước.

Tại thị trường bán lẻ trong khu vực, tổng quan tình hình cho thuê đã cải thiện. Tuy nhiên, phần lớn các nhà bán lẻ tại châu Á - Thái Bình Dương vẫn cẩn trọng và bày tỏ nhu cầu lớn hơn trước các cơ hội với mức giá hợp lý. Tại Trung Quốc, thị trường hàng cao cấp ghi nhận mức tăng trưởng một con số do sự tiêu thụ hàng cao cấp chủ yếu được gói gọn trong thị trường nội địa.

Nhìn chung, trong quý I/2017, CBRE ghi nhận một số điểm nhấn cụ thể của thị trường bất động sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương:

Giá thuê văn phòng hạng A tại Tokyo hiện đang đạt đến mức cao đỉnh điểm, nhưng việc giá thuê tại Sydney và Melbourne tiếp tục tăng và giá thuê tại Singapore sụt giảm nhẹ đã khiến mức tăng trưởng giá thuê văn phòng trong khu vực duy trì ở mức tăng ổn định 0,6 % theo quý.

Phần lớn các thị trường văn phòng tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ thu hút khách thuê trong năm 2017. Tại Hồng Kông, giá thuê dự báo của khu vực trung tâm đã được điều chỉnh tăng lên do nhu cầu cải thiện từ các công ty Trung Quốc đại lục. Giá thuê tại Singapore dự đoán sẽ tăng vào thời điểm cuối năm 2017 với nhiều dự án mới đang được triển khai.

Giá thuê bán lẻ trung bình tăng 0,6% so với quý trước, ảnh hưởng bởi Tokyo và tốc độ suy giảm chậm lại tại Hồng Kông.

Ngành hàng ăn uống vẫn chi phối nguồn cầu của thị trường bán lẻ, với các nhãn hiệu nội địa độc lập đang ngày càng năng động hơn. Các ngành hàng hoạt động sôi nổi khác bao gồm vật dụng gia đình, dụng cụ thể thao và câu lạc bộ giải trí.

Giá thuê kho bãi tăng khoảng 0,2 % so với quý trước do tăng trưởng giá thuê tại các thành phố cấp 1 của Trung Quốc và khu vực Thái Bình Dương.

Tại Seoul, sự phát triển của ngành kinh doanh thực phẩm tươi sống trực tuyến đang thúc đẩy nhu cầu về kho vận, trong khi đó tại Singapore đang có nhu cầu về diện tích chứa chất bán dẫn.

Theo Kiều Châu

Diễn Đàn Đầu Tư

Đọc tiếp »

AVR kêu gọi các doanh nghiệp bán lẻ “giải cứu” giá thịt lợn

Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (đã có thư ngỏ kêu gọi các doanh nghiệp hội viên đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn...

Trước thực trạng nguồn cung lợn hơi đã vượt xa nhu cầu tiêu dùng trong nước, dẫn tới giá thịt lợn hơi lao dốc, chỉ còn khoảng 20.000 đồng/kg, gây thua lỗ nặng cho người chăn nuôi và khó khăn trong việc tiêu thụ, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đã có thư ngỏ kêu gọi các doanh nghiệp hội viên đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch AVR kêu gọi các doanh nghiệp hội viên chung tay tháo gỡ những khó khăn trước mắt của ngành hàng này.

Thứ nhất, toàn thể các doanh nghiệp hội viên kinh doanh/chế biến thực phẩm có kế hoạch chủ động, tăng cường thu mua, tổ chức giết mổ cấp đông thịt lợn, dự trữ cho các tháng sắp tới.

Thứ hai, các doanh nghiệp hội viên ưu tiên tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong nước, triển khai chương trình khuyến mãi, giảm giá đối với các sản phẩm thịt lợn trên toàn quốc để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước có tiềm năng.

Thứ ba, doanh nghiệp hội viên có các giải pháp và phương án phối hợp với các trang trại, cơ sở chăn nuôi và cơ sở giết mổ để giảm bớt khâu trung gian, giảm giá thành và giảm giá bán sản phẩm thịt lợn.

Thứ tư, chú trọng, tăng cường công tác bảo quản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thứ năm, thường xuyên cập nhật giá theo tình hình biến động của thị trường và linh hoạt điều chỉnh tương ứng để có thể tiêu thụ lượng lớn thịt lợn, giúp bảo vệ lợi ích người chăn nuôi cũng như đảm bảo giá bán ra là tốt nhất, có lợi nhất cho người tiêu dùng.

Cuối cùng, bà Loan cũng kêu gọi các doanh nghiệp hội viên chủ động, tích cực tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến, đưa ra giải pháp trước mắt cũng như lâu dài đối với ngành chăn nuôi.

“AVR rất mong nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp hội viên với ngành chăn nuôi trong giai đoạn khó khăn hiện nay, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống bán lẻ Việt Nam có uy tín tại thị trường nội địa nói riêng và góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung", bà Đinh Thị Mỹ Loan nhấn mạnh.

Theo Kiều Linh

VnEconomy

Đọc tiếp »