Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Tiếng nói chung của các đại biểu Quốc hội: Không dùng ngân sách xử lý nợ xấu

Các đại biểu cho rằng việc xử lý nợ xấu phải nhìn tận gốc vấn đề là xử lý vướng mắc của cả nền kinh tế chứ không riêng gì ngân hàng, song không được dùng ngân sách để xử lý nợ xấu.

Tại buổi thảo luận tại tổ chiều nay (26/5), đa số các đại biểu Quốc hội đều ủng hộ việc ban hành một Nghị quyết xử lý nợ xấu ở thời điểm hiện nay là rất cần thiết, thậm chí có ý kiến còn đánh giá là quá chậm so với nhu cầu thực tiễn. Và đáng chú ý, hầu hết các đại biểu cùng nêu quan điểm không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu.

Cụ thể, đại biểu Ngô Minh Châu, đoàn TP. Hồ Chí Minh đề xuất việc xử lý nợ xấu chỉ áp dụng trong một thời gian nhất định, đó là với khoản nợ từ năm 2016 trở về trước trong khoảng 5 năm và Nghị định cũng sẽ có hiệu lực trong khoảng 5 năm. Đối tượng áp dụng đề nghị quy định phù hợp với phạm vi áp dụng, tức là không mở rộng với toàn bộ các TCTD.

Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, đề nghị bổ sung nguyên tắc không xử lý nợ xấu bằng ngân sách và bổ sung nguyên tắc xử lý nghiêm trách nhiệm người/tổ chức gây ra nợ xấu.

Nhất trí việc ban hành Nghị quyết để xử lý nợ xấu nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh ý kiến không dùng ngân sách xử lý nợ xấu và cho rằng đây là nguyên tắc trụ cột để xử lý nợ xấu. Đại biểu cũng đồng ý với Ủy ban kinh tế Quốc hội rằng không miễn phí và lệ phí trong việc chuyển nhượng các tài sản, vì phí và lệ phí chính là ngân sách của Quốc gia.

Đồng tình với các quan điểm trên, Đại biểu Mai Hồng Hải, đoàn Hải Phòng đề nghị không dùng ngân sách xử lý nợ xấu và phải quy trách nhiệm cá nhân/tổ chức gây ra nợ xấu. Hai nguyên tắc này, theo đại biểu, trong dự thảo chưa được thể hiện rõ.

Đại biểu cũng băn khoăn về điều 15 liên quan đến thuế và phí, đại biểu thống nhất với Ủy ban kinh tế rằng không miễn phí, thuế liên quan nợ xấu, vì như thế vô hình chúng ta đưa nguyên tắc không sử dụng tiền ngân sách xử lý nợ xấu mà lại miễn phí thuế thì mâu thuẫn nhau vì phí và thuế đều là ngân sách.

Còn theo ý kiến của đại biểu Đinh Văn Nhã đoàn đại biểu Phú Yên, thông lệ của một số quốc gia có bội thu ngân sách, họ dùng ngân sách để giải quyết nợ xấu nhằm ổn định hệ thống kinh tế và ổn định hệ thống ngân hàng.

Ở Việt Nam nếu như dùng cơ chế để xử lý nợ xấu sẽ dẫn đến phải trả giá vì trái với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên chúng ta khi không thể dùng ngân sách thì nên dùng đến cơ chế. Trong dự thảo nghị định có nhiều quy định trái với quy định hiện hành, nhưng chúng ta phải chấp nhận trong một giai đoạn là 5 năm để xử lý cho xong. Đây là bài toán thực tế phải xử lý để đạt được mục tiêu cuối cùng.

Theo Mai Ngọc

Trí thức trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét