Thay vì huỷ bỏ hay bắt đầu lại từ đầu, 11 quốc gia TPP vẫn có thể hoàn thành hiệp định này.
Năm ngoái, Mỹ đặt bút ký vào Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương ( TPP ) nhưng sau đó lại tuyên bố rút khỏi TPP. 11 quốc gia còn lại đã tự đưa ra hạn chót cho bản thân phải quyết định nên huỷ bỏ hay tiếp tục TPP vào tháng 11 năm nay, thời điểm hội nghị APEC sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, có lẽ, họ không cần nhiều thời gian tới vậy. Rõ ràng, TPP là một hiệp định tích cực.
Khác với nhiều cảnh báo trước đây, sự vắng mặt của Mỹ không ảnh hưởng lớn đến mức toàn bộ hiệp định này sẽ bị phá hủy. Điều khoản của TPP quy định hiệp định sẽ chỉ có hiệu lực khi các quốc gia chiếm 85% GDP của 12 quốc gia thành viên phê chuẩn. Chỉ riêng Mỹ đã chiếm 60%, do đó nhiều người cho rằng Mỹ rút thì TPP cũng tan vỡ. Nhưng các quốc gia vẫn có thể lựa chọn sửa đổi điều khoản đó. Ngoài ra, những điều khoản khác liên quan tới Mỹ cũng cần sửa đổi hoặc loại bỏ. Nếu 11 quốc gia TPP còn lại mong muốn hiệp định này, họ hoàn toàn có thể làm được những điều trên.
Trên thực tế, ngoài một số lĩnh vực như dệt may, giày dép, nông nghiệp hay một số sản phẩm tự động, thị trường Mỹ khá cởi mở với các nhà xuất khẩu nước ngoài. Nếu không có Mỹ, mở rộng thương mại nội vùng sẽ không đem lại lợi ích lớn, nhưng TPP vẫn có tác động tích cực.
Ví dụ, TPP đòi hỏi cải cách cơ cấu nông nghiệp ở Nhật Bản. Nhật Bản hiểu rõ rằng những thay đổi này là cần thiết nếu muốn tăng năng suất cũng như nâng cao mức sống; tuy nhiên, về mặt chính trị, đây lại là thách thức. Và TPP có thể là một giải pháp cho vấn đề này.
Bên cạnh đó, ngoài thuế quan thấp hơn, TPP cũng đem lại nhiều lợi ích khác. TPP cung cấp một bộ quy tắc thiết lập tiêu chuẩn kinh doanh toàn cầu trong thế kỉ 21, bao gồm nhiều lĩnh vực như tài sản trí tuệ, thương mại số và bảo vệ môi trường.
Nếu TPP được tiến hành, tiềm năng phát triển của các nước thành viên sẽ được thúc đẩy. Hiện nay, Hàn Quốc và Indonesia đang có ý định tham gia TPP. Trong tương lai, các quốc gia nằm ngoài Vành đai Thái Bình Dương có thể sẽ áp dụng các quy tắc của TPP nhằm duy trì khả năng cạnh tranh.
Với kịch bản này, người thiệt hại duy nhất lại chính là Mỹ. Mỹ sẽ bỏ lỡ nhiều lợi ích thương mại, và thậm chí, có thể mất đi vị thế vốn có trong các cuộc đàm phán thương mại cùng Nhật Bản, Canada và Mexico trong tương lai. Một vài doanh nghiệp Mỹ có thể chuyển hoạt động sang các nước TPP nhằm tận dụng những lợi ích đã đạt được trong các đàm phán trước đây. Nếu kịch bản này thực sự xảy ra, thì có lẽ Mỹ sẽ đề nghị tái gia nhập TPP.
Malaysia đã đề xuất một phương hướng khác, đó là tái đàm phán hiệp định. Tuy nhiên, đây dường như không phải là một phương án khả thi. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho các quốc gia đã phê chuẩn TPP như Nhật Bản hay New Zealand, và sẽ kéo dài thời gian trì hoãn thực hiện TPP tới cuối năm nay.
Phương án có lợi nhất hiện nay là bảo toàn những gì đã đạt được và tiếp tục phát triển dựa trên cơ sở đó. Dù không thể đạt được thành công dự tính ban đầu, nhưng TPP vẫn có thể đem đến nhiều thành tựu đáng kể.
Theo Quỳnh Mai
Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét