Trong phiên làm việc chiều 29/5 kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, dự án Luật du lịch (sửa đổi) được các đại biểu quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Dự án luật này được kỳ vọng tạo nên cú hích thúc đẩy phát triển ngành du lịch.
Xếp hạng tự nguyện hay bắt buộc?
Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là việc xếp hạng cơ sở lưu trú. Có ý kiến đề nghị, đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú cần được thực hiện theo nguyên tắc bắt buộc. Việc thực hiện đăng ký xếp hạng theo nguyên tắc bắt buộc tạo thuận lợi cho công tác quản lý về chất lượng cơ sở lưu trú, tác động tích cực đến môi trường kinh doanh, góp phần bảo vệ và nâng cao uy tín ngành du lịch. Tuy nhiên, việc thực hiện theo nguyên tắc này còn mang nặng tính hành chính, can thiệp vào sự vận hành của hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú theo quy luật thị trường.
Một số ý kiến cho rằng, đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú cần được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng là nhu cầu, quyền lợi của doanh nghiệp. Việc đăng ký xếp hạng theo nguyên tắc tự nguyện thể hiện quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm hoạt động kinh doanh được vận hành theo quy luật thị trường, giảm thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc xếp hạng theo nguyên tắc này có thể gây khó khăn trong việc quản lý, thống kê, dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tự mạo nhận sao, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch.
Trước đây, trong Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, ban soạn dự án luật có đề xuất 2 phương án:
Phương án 1: Xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện. Việc xếp hạng các cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện tạo điều kiện thuận lợi, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm hoạt động kinh doanh được vận hành theo quy luật thị trường. Quy định này gắn liền với công tác hậu kiểm, nghiêm cấm hành vi tự công bố hạng sao, lợi dụng quy định mở, thông thoáng để trục lợi. Đồng thời, dự thảo bổ sung điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch phải đáp ứng quy chuẩn đối với loại cơ sở lưu trú do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Quy chuẩn này là điều kiện tối thiểu mà tất cả loại hình cơ sở lưu trú phải đáp ứng.
Tuy nhiên, việc xếp hạng cơ sở lưu trú theo nguyên tắc tự nguyện sẽ tiềm ẩn nguy cơ về chất lượng kinh doanh, doanh nghiệp tự mạo nhận sao, quảng cáo sai thứ hạng, gây khó khăn cho quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch.
Phương án 2: Xếp hạng cơ sở lưu trú theo nguyên tắc bắt buộc. Cơ sở lưu trú du lịch được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và xếp hạng tương xứng với điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ. Trên cơ sở đó, khách du lịch, các doanh nghiệp du lịch sẽ có căn cứ để lựa chọn cơ sở lưu trú phù hợp với nhu cầu. Cơ sở lưu trú du lịch có thể dùng chứng nhận này để phát triển thương hiệu, quảng bá rộng rãi trong các hoạt động xúc tiến du lịch. Vì vậy, việc thực hiện theo nguyên tắc này sẽ đảm bảo quyền lợi của khách du lịch, tạo thuận lợi cho công tác quản lý về chất lượng cơ sở lưu trú. Cùng với phương án này là quy định cơ sở lưu trú du lịch phải thẩm định lại sau ba năm xếp hạng.
Tuy nhiên, việc xếp hạng theo nguyên tắc bắt buộc còn mang nặng tính hành chính, can thiệp vào sự vận hành của hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú theo quy luật thị trường, cũng như tạo áp lực công việc cho cơ quan quản lý trong việc xét công nhận sao cho cơ sở lưu trú. Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và giảm bớt mặt hạn chế của phương án này, dự thảo quy định cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 tháng kể từ khi đi vào hoạt động gửi hồ sơ đăng ký công nhận hạng đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay vì 03 tháng như hiện nay.
Thường trực Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án 1. Đồng thời đòi hỏi phải nâng cao vai trò quản lý nhà nước, tăng cường công tác hậu kiểm.
Về vấn đề này, do còn có ý kiến khác nhau, nên trong buổi làm việc chiều này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 2 phương án như Dự thảo, xin đại biểu Quốc hội cho ý kiến.
Lo tình trạng "chạy sao"
Ủy viên ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thành Bình cho biết việc giao thẩm quyền xếp hạng cơ sở lưu trú cho tổ chức xã hội - nghề nghiệp cần có lộ trình, phù hợp với tình hình thực tiễn. Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp với tổ chức xã hội - nghề nghiệp về du lịch tổ chức thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương tỉnh Bắc Kạn băn khoăn trong việc xếp hạng cơ sở lưu trú dù bắt buộc hay tự nguyện cũng còn nhiều bất hợp lý. Đại biểu cho rằng ở một số nước họ tùy thuộc loại hình cơ sở lưu trú mà xếp hạng hay không, có nơi chỉ xếp hạng với khách sạn. Nếu giao việc xếp hạng cho Hiệp hội, đại biểu lo lắng không đủ năng lực, có thể tồn tại lợi ích nhóm… Đại biểu Phương đề nghị việc xếp hạng cơ sở lưu trú giao cho các tổ chức độc lập để cho khách quan. Nhà nước nên đóng vai trò trung gian để giải quyết các vấn đề phát sinh giữa các chủ thể.
Đại biểu Hoàng Thị Hoa đoàn Bắc Giang cho rằng cần để cho các cơ sở tự nguyện vì như thế sẽ đảm bảo cạnh tranh theo quy luật thị trường, tiết giảm được kinh phí, nhưng cần quy định các yêu cầu tối thiểu đối với các mức xếp hạng.
Đại biểu Đỗ Thị Lan đoàn Quảng Ninh cho rằng, đề nghị có quy định xếp hạng cả điểm du lịch chứ không chỉ có cơ sở lưu trú. Nơi nào có điểm du lịch hấp dẫn, sản phẩm tốt, có cơ sở hạ tầng tốt sẽ thu hút được khách đông hơn, giúp DN kinh doanh hiệu quả hơn. Đó cũng là cơ sở để các tỉnh, thành có động lực phát triển đối với du lịch hơn.
Đại biểu Vũ Thị Nguyệt tỉnh Hưng Yên đề nghị xếp hạng cơ sở lưu trú từ 1 sao đến 5 sao để khách hàng có cơ sở lựa chọn phù hợp. Đại biểu lo lắng việc "chạy sao", nên cần có hệ thống pháp luật đầy đủ, trình tự đơn giản nhưng chặt chẽ, không gây mất thời gian, khó khăn cho các cơ sở.
Thảo Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét