Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Chủ tịch Vietinbank: Nợ xấu khó bán vì ít người mua, chủ yếu vẫn là đi thu nợ

Thực trạng bất cập về việc xử lý nợ xấu được vị Chủ tịch Vietinbank nhắc đến trong ngày thứ 5 của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.

Một vấn đề được coi là 'điểm nghẽn' với nền kinh tế Việt Nam mấy năm gần đây chính là khối nợ xấu trị giá tới hàng trăm nghìn tỷ vẫn chưa được xử lý.

Nói là 'điểm nghẽn' là bởi, hàng trăm nghìn tỷ nợ xấu này đang chặn giữa dòng vốn chảy trong nền kinh tế. Trong ngày làm việc thứ 5 của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV, vấn đề này cũng đã được mang ra bàn thảo.

Trong đó, đáng chú ý có ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch của Vietinbank là ông Nguyễn Văn Thắng. Qua lời vị này, thực trạng có phần bất cập của việc xử lý nợ xấu trong nền kinh tế được thể hiện, ngay cả khi Chính phủ đã cho công ty quản lý tài sản VAMC đi vào hoạt động được gần 4 năm.

"Hiện nay thực trạng nợ xấu theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì tính phần nợ xấu và phần nợ bán cho VAMC thì là 5,8%, cộng với nợ tiềm ẩn nữa thì đâu đó là trên 10% tổng dư nợ cho vay.

Trong thống kê này, chúng ta chưa tính đến một số rất lớn các khoản nợ xấu mà các Ngân hàng đã dùng tài chính, dùng lợi nhuận tạo ra để xử lý và đưa ra ngoại bảng. Con số này cũng rất lớn" - ông Thắng nói.

Như vậy, tuy rằng cả hệ thống ngân hàng đã rất tích cực xử lý nợ suốt từ thởi điểm 2011 đến giờ nhưng tỷ lệ nợ xấu hãy còn khá cao. Năm 2013, Chính phủ đã cho thành lập Công ty quản lý tài sản VAMC để xử lý nợ xấu nhưng có vẻ như hiệu quả vẫn chưa được như kỳ vọng.

Nguyên nhân sâu xa được ông Thắng chỉ ra là do chúng ta đã quên mất một nguyên tắc cơ bản là nếu coi nợ xấu là một loại hàng hóa thì nó cần một thị trường và trong thị trường thì phải có người mua, người bán và hàng hóa.

Vấn đề về 'thiếu hàng hóa' trên thị trường mua bán nợ nêu trên được vị Chủ tịch Vietinbank chỉ rõ:

"Hiện nay, chúng ta có thị trường nhưng thứ nhất là hàng hóa thì rất nghèo nàn. Những hàng hóa mà người mua quan tâm, ví dụ những khoản nợ gắn với bất động sản, nợ gắn với quyền sử dụng đất thì chưa giao dịch được, bởi vì người mua nếu mua lại nợ cũng không được thừa hưởng quyền nhận những tài sản gắn với nợ xấu, cũng như không có quyền xử lý những tài sản đó. Suốt thời gian vừa qua, chúng ta chỉ bán được những khoản nợ gắn với động sản mà thôi".

Một vấn đề nữa được ông Thắng chỉ ra là thị trường đang rất thiếu người mua. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì chỉ những tổ chức, cá nhân được cấp chức năng kinh doanh, mua bán nợ thì mới được tham gia mua bán nợ.

Vì thế, trên thị trường hiện chỉ có 2 đơn vị tham gia mua bán các khoản nợ xấu là Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam DATC - đơn vị tích cực nhất trên thị trường trong thời gian qua và VAMC. Đặc biệt, VAMC vẫn chưa đủ nguồn lực và cơ chế để mua nợ theo thị trường, hiện chủ yếu mới chỉ mua theo chỉ định, tạm thời nhận nợ xấu của các Ngân hàng thương mại.

Số người mua nợ trên thị trường còn một vài các tổ chức nhỏ lẻ. Tuy nhiên, nói chung, nguồn lực tổng cộng vẫn còn rất nhỏ lẻ để ôm trọn khối nợ xấu trong nền kinh tế.

"Do vậy, tình trạng trên thị trường là rất khó bán, không tìm được người mua, ít người mua. Thứ hai là thương lượng cũng rất khó vì nhiều khi bên Ngân hàng không thể đàm phán được giá vì DATC tự thiết lập giá theo kiểu 'anh bán thì bán mà không bán thì thôi'" - ông Thắng bộc bạch.

Vì thế, suốt thời gian qua, thực tế việc xử lý nợ xấu chủ yếu vẫn là do các Ngân hàng thương mại tự xử lý. Con số trên 50.000 tỷ hiện xử lý được vẫn được thực hiện bằng một chu trình rất cũ là đôn đốc, động viên khách hàng trả nợ, xử lý các tài sản đảm bảo theo cách cũ là khởi kiện ra tòa.Nói cách khác, suốt 4 năm ra đời của VAMC, về cơ bản việc xử lý nợ xấu vẫn là 'bình cũ rượu mới'.

"Số 50.000 tỷ nợ xấu xử lý được là rất nhỏ, chúng ta đã hầu như không bán được mấy nợ xấu, chủ yếu là đi thu nợ. Thực tế cũng chỉ có các tổ chức tín dụng làm việc này chứ VAMC không hề tham gia" - Đại biểu Nguyễn Văn Thắng nói.

Điều đáng lo ngại hơn, theo chia sẻ của ông Thắng là kể từ thời điểm năm 2011, khi mà hệ thống tài chính quyết định xử lý khối nợ xấu giữa lúc chất lượng hoạt động của các ngân hàng lên mức báo động đến nay, số nợ xấu vẫn được tiếp tục phát sinh.

Vì tất cả những lý do trên, một Nghị quyết mới được thông qua về việc xử lý nợ xấu sẽ là cần thiết, giúp cho tình trạng xử lý khối nợ trong nền kinh tế được triệt để một cách thực sự.

Vũ Minh

Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét