Dự kiến ngày 15/5 tới đây Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 sẽ diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Trước khi cuộc gặp diễn ra đã có hàng loạt kiến nghị được gửi tới.
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ , dự kiến ngày 15/5 tới đây Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 sẽ diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Đây là cuộc gặp được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, là nơi các doanh nghiệp, doanh nhân được trình bày các khó khăn, vướng mắc, cũng như các kiến nghị, đề xuất trực tiếp tới Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Hội nghị cũng sẽ sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đề xuất những giải pháp để thực hiện có hiệu quả hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết.
Trước khi cuộc gặp chính thức diễn ra, đã có khoảng gần 500 kiến nghị của hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp gửi về Văn phòng Chính phủ và Phòng Thương mại và công nghiệp VCCI. Các kiến nghị sẽ được chuyển tới các bộ ngành, cơ quan theo thẩm quyền giao nghiên cứu xử lý, sai đó VCCI sẽ tổng hợp lại báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trao đổi với BizLIVE, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch Công ty Thuỷ sản Thuận Phước Lĩnh cho rằng cuộc găp của Thủ tướng đối với cộng đồng doanh nghiệp cho thấy sự nỗ lực rất nhiều trong việc thực hiện lời hứa xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ.
Tuy nhiên, theo ông Lĩnh, mặc dù có nhiều nỗ lực xong điều mong muốn nhất của doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh đó là giảm chi phí thì vẫn còn chưa thực hiện được.
“Giá sản xuất các mặt hàng của chúng ta vẫn còn cao và kém cạnh tranh quá. Giá nguyên liệu đắt, chi phí sản xuất lớn, chi phí vận chuyển cao. Một container từ Hải Phòng vào TP.HCM còn đắt hơn Đà Nẵng đi Nhật Bản. Lãi suất ngân hàng thì rất cao so với trong khu vực...”, ông Lĩnh nói.
Vị chủ doanh nghiệp này mong rằng sau cuộc gặp của Thủ tướng sẽ là sự xắn tay thực sự của tất cả các bộ ngành, chính quyền địa phương trong việc giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Cũng gửi kiến nghị tới cuộc gặp, đại diện Nhóm công tác Công nghiệp ô tô, xe máy (VBF) cho biết, mặc dù ô tô là ngành nghề có điều kiện chính thức từ tháng 7/2017 tới đây nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa có điều kiện cụ thể nào cho doanh nghiệp được đưa ra.
“Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải nên phối hợp với các bộ ngành và doanh nghiệp có liên quan để thiết lập điều kiện kinh doanh cần thiết, khả thi và minh bạch càng sớm càng tốt”, nhóm công tác của VBF kiến nghị.
Còn Nhóm công tác du lịch (VBF) kiến nghị Chính phủ tiếp tục xem xét miễn visa cho công dân các nước là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.
Cũng liên quan đến vấn đề du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ xem xét tiếp tục miễn visa cho công dân 5 nước Tây âu (Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ý) và Belarusia trong 5 năm (từ 2017-2022).
Ngoài ra xem xét miễn visa cho một số quốc gia khác như Ấn Độ, Úc, Canada và một số các nước ở Đông Âu.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng việc triển khai visa điện tử là tạo điều kiện cho công dân 40 quốc gia khi xin vào Việt Nam. Nhưng điều đó là không đủ. Đối với tất cả quốc gia, việc miễn visa luôn là vũ khí cạnh tranh để thu hút khách.
Trong khi đó, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá kiến nghị xem xét giải quyết khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính. Theo hiệp hội này, thời gian qua thủ tục hành chính đã được cải thiện, tuy nhiên khi doanh nghiệp đến giải quyết các thủ tục liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, chấp thuận chủ trương đầu tư, tiếp cận đất đai… thì vẫn còn tình trạng kéo dài, gây khó cho doanh nghiệp.
“Bên cạnh đó một số cán bộ công chức có thái độ chưa đúng mực khi làm việc với doanh nghiệp, mặt khác một số cán bộ khi thực hiện phần việc mình phụ trách cho thấy hiểu biết còn hạn chế, thiếu thực tế, cứng nhắc nên những khó khăn tồn đọng của doanh nghiệp không được giải quyết kịp thời, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá cho biết.
Còn Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị Chính phủ, bộ ngành đề xuất Quốc hội sớm ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật về xử lý nợ xấu.
Ngoài ra, hiệp hội này cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu thành lập các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ sáng kiến khởi nghiệp, tạo cơ chế cho sự phát triển của doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư, hình thành các vươn ươm khởi nghiệp để hỗ trợ các ý tưởng kinh doanh từ khi nghiên cứu đến lúc thực hiện hoá…
Theo N.Mạnh
Bizlive