Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Cuộc gặp Thủ tướng với doanh nghiệp: Hàng loạt kiến nghị trước “giờ G”

Dự kiến ngày 15/5 tới đây Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 sẽ diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Trước khi cuộc gặp diễn ra đã có hàng loạt kiến nghị được gửi tới.

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ , dự kiến ngày 15/5 tới đây Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 sẽ diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Đây là cuộc gặp được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, là nơi các doanh nghiệp, doanh nhân được trình bày các khó khăn, vướng mắc, cũng như các kiến nghị, đề xuất trực tiếp tới Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Hội nghị cũng sẽ sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đề xuất những giải pháp để thực hiện có hiệu quả hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết.

Trước khi cuộc gặp chính thức diễn ra, đã có khoảng gần 500 kiến nghị của hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp gửi về Văn phòng Chính phủ và Phòng Thương mại và công nghiệp VCCI. Các kiến nghị sẽ được chuyển tới các bộ ngành, cơ quan theo thẩm quyền giao nghiên cứu xử lý, sai đó VCCI sẽ tổng hợp lại báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trao đổi với BizLIVE, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch Công ty Thuỷ sản Thuận Phước Lĩnh cho rằng cuộc găp của Thủ tướng đối với cộng đồng doanh nghiệp cho thấy sự nỗ lực rất nhiều trong việc thực hiện lời hứa xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ.

Tuy nhiên, theo ông Lĩnh, mặc dù có nhiều nỗ lực xong điều mong muốn nhất của doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh đó là giảm chi phí thì vẫn còn chưa thực hiện được.

“Giá sản xuất các mặt hàng của chúng ta vẫn còn cao và kém cạnh tranh quá. Giá nguyên liệu đắt, chi phí sản xuất lớn, chi phí vận chuyển cao. Một container từ Hải Phòng vào TP.HCM còn đắt hơn Đà Nẵng đi Nhật Bản. Lãi suất ngân hàng thì rất cao so với trong khu vực...”, ông Lĩnh nói.

Vị chủ doanh nghiệp này mong rằng sau cuộc gặp của Thủ tướng sẽ là sự xắn tay thực sự của tất cả các bộ ngành, chính quyền địa phương trong việc giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Cũng gửi kiến nghị tới cuộc gặp, đại diện Nhóm công tác Công nghiệp ô tô, xe máy (VBF) cho biết, mặc dù ô tô là ngành nghề có điều kiện chính thức từ tháng 7/2017 tới đây nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa có điều kiện cụ thể nào cho doanh nghiệp được đưa ra.

“Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải nên phối hợp với các bộ ngành và doanh nghiệp có liên quan để thiết lập điều kiện kinh doanh cần thiết, khả thi và minh bạch càng sớm càng tốt”, nhóm công tác của VBF kiến nghị.

Còn Nhóm công tác du lịch (VBF) kiến nghị Chính phủ tiếp tục xem xét miễn visa cho công dân các nước là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.

Cũng liên quan đến vấn đề du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ xem xét tiếp tục miễn visa cho công dân 5 nước Tây âu (Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ý) và Belarusia trong 5 năm (từ 2017-2022).

Ngoài ra xem xét miễn visa cho một số quốc gia khác như Ấn Độ, Úc, Canada và một số các nước ở Đông Âu.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng việc triển khai visa điện tử là tạo điều kiện cho công dân 40 quốc gia khi xin vào Việt Nam. Nhưng điều đó là không đủ. Đối với tất cả quốc gia, việc miễn visa luôn là vũ khí cạnh tranh để thu hút khách.

Trong khi đó, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá kiến nghị xem xét giải quyết khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính. Theo hiệp hội này, thời gian qua thủ tục hành chính đã được cải thiện, tuy nhiên khi doanh nghiệp đến giải quyết các thủ tục liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, chấp thuận chủ trương đầu tư, tiếp cận đất đai… thì vẫn còn tình trạng kéo dài, gây khó cho doanh nghiệp.

“Bên cạnh đó một số cán bộ công chức có thái độ chưa đúng mực khi làm việc với doanh nghiệp, mặt khác một số cán bộ khi thực hiện phần việc mình phụ trách cho thấy hiểu biết còn hạn chế, thiếu thực tế, cứng nhắc nên những khó khăn tồn đọng của doanh nghiệp không được giải quyết kịp thời, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá cho biết.

Còn Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị Chính phủ, bộ ngành đề xuất Quốc hội sớm ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật về xử lý nợ xấu.

Ngoài ra, hiệp hội này cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu thành lập các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ sáng kiến khởi nghiệp, tạo cơ chế cho sự phát triển của doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư, hình thành các vươn ươm khởi nghiệp để hỗ trợ các ý tưởng kinh doanh từ khi nghiên cứu đến lúc thực hiện hoá…

Theo N.Mạnh

Bizlive

Đọc tiếp »

Tin không vui với các nước có lợi thế nhân công giá rẻ: Robot đã lần đầu may trọn vẹn được một chiếc áo mà không cần con người giúp đỡ

Viễn cảnh robot có thể thay thế hoàn toàn con người đã xảy ra trong ngành may mặc, ngành mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu nhờ nguồn nhân công dồi dào

Ở lĩnh vực may mặc, sự tự động hóa trong nhiều khâu làm việc đã được áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, việc nếu có một robot có thể may trọn vẹn một chiếc áo thì có lẽ, đó vẫn có thể coi là một thành tựu khoa học cũng như là một dấu mốc "đáng sợ" cho những con người thật đang làm trong công nghiệp này.

Và điều đó đã thực sự xảy ra. Mới đây, trang tin Technology Review đã giới thiệu về Sewbo - một startup chỉ có vỏn vẹn đúng ‘một nhân viên duy nhất’: một con robot. Ở đây, anh Jonathan Zornow với ứng dụng công nghệ robot của mình đã có thể may hoàn chỉnh một chiếc áo bằng máy may công nghiệp mà không có bất cứ sự can thiệp nào của con người.

Cụ thể, để giúp robot hoàn thành quá trình may tự động, anh Zornow đã tìm ra cách thức giúp làm cứng vải may để hình dáng sản phẩm được định hình trong quá trình đưa vào máy may công nghiệp dưới sự vận hành của cánh tay robot.

Đối với các nhà sản xuất trong lĩnh vực may mặc, giờ đây họ đã có thể sử dụng công nghệ này để thiết kế và từ đó sản xuất hàng loạt với một mẫu quần áo mới chỉ trong đúng một ngày. So về yếu tố nhân công và thời gian bỏ ra thì rõ ràng công nghệ mới có một lợi thế vượt trội so với cách làm truyền thống.

Trước khi lập Sewbo, anh Zornow đã từng là một nhà phát triển web. Anh đảm nhiệm một số công việc có liên quan tới các dự án kỹ thuật in 3D được sử dụng trong ngành công nghiệp dệt may. Trong quá trình làm việc này, việc tìm ra miếng vải cứng hơn đã được giải quyết: khi nhúng vải vào dung dịch polymer, miếng vải sẽ cứng hơn và giúp robot có thể ‘cầm’ lên một cách dễ dàng.

Zornow đã cải tiến để các cánh tay robot cũng sẽ được ‘huấn luyện’ để lặp lại liên tục một động tác và người dùng chỉ cần gỡ cánh tay robot này ra để hướng dẫn nó một chuỗi các động tác mới khi cần. Trong thí nghiệm của mình, anh Zornow cũng đã chỉ thực hiện quá trình may một chiếc áo phông, tuy nhiên robot này hoàn toàn có thể được đào tạo để may các sản phẩm khác.

Sau đó, anh đã sử dụng một thiết bị hàn siêu âm để gắn các mảnh vải với nhau trước khi đưa vào máy may để khâu chúng lại. Một sản phẩm may mặc sau khi hoàn thành sẽ được nhúng vào nước loại bỏ chất polymer đã được tẩm nhằm làm cứng sợi vải.

Để hoạt động chỉn chu, công nghệ may tự động này cần một máy may công nghiệp phù hợp, và một cánh tay robot do hãng Universal Robots sản xuất, Tổng trị giá đầu tư ban đầu sẽ vào khoảng 35.000 USD.

Nếu ai sử dụng chiếc máy, chủ nhân của chiếc cũng cảnh báo rằng dù chất polymer làm cứng vải có thể sử dụng lại được, việc quá lạm dụng vào nước và hóa chất có thể gây ảnh hưởng đến con người. Đồng thời, việc dùng lại có thể tốn thêm thời gian di chuyển cho quá trình sản xuất.

Việc một robot có thể tự may một chiếc áo mà không cần bất cứ sự hỗ trợ nào từ con người này thực sự là nỗi lo với ngành công nghiệp may mặc, với hàng chục triệu lao động trên thế giới.

Đặc biệt, các quốc gia có may mặc là mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhờ vào lợi thế nhân công giá rẻ có lẽ sẽ phải đứng ngồi không yên nhất, Các quốc gia đó có Myanmar, Lào và cả Việt Nam.

Robot tự may một chiếc áo

-

Vượng Lê

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2017

Sẽ truy thu tiền lương trốn đóng BHXH, quy định hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo của Thanh tra ngành GTVT, đơn vị sử dụng NSNN được đăng ký rút tiền mặt qua mạng... là những chính sách mới có hiệu lực kể từ ngày 01/04/2017.

Xác định dự toán chi phí khảo sát xây dựng

Thông tư 01/2017/TT-BXD hướng dẫn xác định và quản lý chi phí khảo sát xây dựng, có hiệu lực từ ngày 1/4/2017.

Theo đó quy định 02 phương pháp xác định dự toán chi phí khảo sát xây dựng gồm:Xác định theo khối lượng và đơn giá khảo sát xây dựng; Xác định theo khối lượng hao phí vật liệu, nhiên liệu; nhân công; máy và thiết bị khảo sát và bảng giá tương ứng.

Tùy theo yêu cầu kỹ thuật, điều kiện cụ thể, khi thực hiện các công tác khảo sát xây dựng của từng công trình, dự án mà áp dụng 01 trong 02 phương pháp trên.

Đơn vị sử dụng NSNN được đăng ký rút tiền mặt qua mạng

Theo Thông tư số 13/2017/TT-BTC, đối với các khoản thu ngân sách Nhà nước bằng tiền mặt phát sinh tại Kho bạc Nhà nước thì thực hiện theo quy định hiện hành.

Trường hợp khoản thu ngân sách bằng tiền mặt phát sinh tại các đơn vị giao dịch thì đơn vị có trách nhiệm số tiền mặt đã thu vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc tài khoản Kho bạc Nhà nước mở tại ngân hàng thương mại.

Đối với khoản thu khác phát sinh tại Kho bạc Nhà nước thì người nộp tiền lập chứng từ để nộp tiền vào tài khoản của mình tại Kho bạc Nhà nước.

Thông tư cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động dịch vụ và thu phí bằng tiền mặt được để lại một phần hoặc toàn bộ mở tài khoản chuyên thu tại ngân hàng thương mại và ủy nhiệm cho ngân hàng thương mại thu hộ. Thông tư số 13/2017/TT-BTC có hiệu lực ngày 1/4/2017.

Hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo của Thanh tra ngành GTVT

Ngày 24/01/2017, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 01/2017/TT-BNV về phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với chức danh Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội nghiệp vụ thanh tra ngành Giao thông vận tải.

Theo đó, hệ số phụ cấp cho Đội trưởng, Phó Đội trưởng tại các đơn vị cụ thể như sau:

- Đội Thanh tra – An toàn của Cục Quản lý đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Đội trưởng là 0,50 và Phó Đội trưởng là 0,30.

- Đội Thanh tra – An toàn của Cục Đường sắt Việt Nam hoặc của Chi cục thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam: Đội trưởng là 0,40 và Phó Đội trưởng là 0,25.

- Đội nghiệp vụ thuộc Thanh tra Sở GTVT thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh: Đội trưởng là 0,30 và Phó Đội trưởng là 0,20.

- Đội nghiệp vụ thuộc Thanh tra Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại: Đội trưởng là 0,20 và Phó Đội trưởng là 0,10.Thông tư 01/2017/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 01/4/2017.

Sẽ truy thu tiền lương trốn đóng BHXH

Ngày 16/02/2017 Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 37/2017/TT-BQP hướng dẫn quản lý thu, chi bảo hiểm xã hội bắt buộc trong Bộ Quốc phòng. Theo đó:

Từ ngày 2/4/2017, sẽ truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động, người sử dụng lao động trong trường hợp sau: Điều chỉnh tăng tiền lương tháng đã đóng BHXH cho NLĐ; Đóng bù thời gian chưa đóng của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; Trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của NLĐ.

Không tính lãi chậm đóng đối với số tiền truy thu trường hợp điều chỉnh tăng tiền lương và đóng bù thời gian chưa đóng.

Chi tối đa 500.000 đồng/hồ sơ cho CBCC xử lý hồ sơ VPHC

Theo Thông tư 19/2017/TT-BTC về quyết toán kinh phí ngân sách cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính (VPHC) có hiệu lực từ ngày 15/4/2017.

Theo đó, cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt VPHC có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng được hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/hồ sơ.

Ngoài ra, Thông tư còn hướng dẫn thêm một số khoản chi có tính chất đặc thù trong theo dõi thi hành pháp luật xử lý VPHC như:

- Chi tổ chức cuộc thi, hội thi công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý VPHC theo quy định tại Thông tư liên tịch 14/2014/TTLT-BTC-BTP ;

- Chi mua, thuê trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý VPHC theo quy định tại Quyết định 58/2015/QĐ-TTg;

- Chi công bố kết quả xử lý hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Quy định mới về tiền lương, phụ cấp của công nhân, viên chức quốc phòng

Ngày 24/02/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 19/2017/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với công nhân quốc phòng và phụ cấp thâm niên đối với viên chức quốc phòng có hiệu lực từ 15/4/2017.

Theo đó, chế độ tiền lương đối với công nhân quốc phòng được quy định như sau:

Mức lương thực hiện bằng hệ số lương nhân với mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ.

Hệ số lương được quy định chi tiết tại Bảng lương ban hành kèm theo Nghị định; trong đó, phân thành ba loại A, B, C với 4 nhóm đối tượng, 10 bậc lương, hệ số cao nhất lên đến 6.65 và thấp nhất là 2.70.

Ngoài ra, quy định các loại phụ cấp, trợ cấp đối với công nhân quốc phòng như sau:

Phụ cấp thâm niên vượt khung; Phụ cấp khu vực phụ cấp đặc biệt; Phụ cấp độc hại nguy hiểm; Phụ cấp trách nhiệm công việc; Phụ cấp công vụ; Phụ cấp, trợ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Từ năm 2020, bắt buộc dán nhãn năng lượng đối với xe gắn máy

Đây là nội dung được quy định tại Quyết định 04/2017/QĐ-TTg về danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.

Theo đó, nhóm phương tiện giao thông vận tải (GTVT) phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu gồm: Xe mô tô, xe gắn máy;Xe ô tô con loại 9 chỗ trở xuống (Hiện nay chỉ yêu cầu dán nhãn đối với ô tô con từ 7 chỗ trở xuống).

Lộ trình thực hiện dán nhãn năng lượng đối với nhóm phương tiện GTVT (sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới) được quy định như sau:

- Thực hiện dán nhãn năng lượng tự nguyện đối với: Xe mô tô, xe gắn máy đến hết 31/12/2019; Xe ô tô con loại trên 7 chỗ đến 9 chỗ đến hết ngày 31/12/2017;

- Thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với: Xe mô tô, xe gắn máy từ ngày 01/01/2020;Xe ô tô con loại 7 chỗ trở xuống; Xe ô tô con trên 7 chỗ đến 9 chỗ từ ngày 01/01/2018.

Quyết định 04/2017/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 25/4/2017.

Theo Hồng Vân

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

4 quốc gia này có gì mà được coi là siêu hình mẫu khiến tất cả các nước trên thế giới muốn học tập?

Các nước Bắc Âu luôn đứng đầu tất cả các danh sách thống kê, từ mức độ cạnh tranh của nền kinh tế đến mức độ hạnh phúc hay sức khỏe. Họ đã tránh được cả sự cứng nhắc của các nền kinh tế Nam Âu lẫn tình trạng chênh lệch giàu nghèo mà Mỹ mắc phải.

Những quốc gia nhỏ bé thường đi tiên phong về cải cách. Cuối những năm 1980, người Anh dẫn đầu nhờ “chủ nghĩa Thatcher” và phong trào tư nhân hóa. Đảo quốc Singapore lâu nay vẫn là hình mẫu cho nhiều nhà cải cách. Và giờ đây, các quốc gia Bắc Âu sẽ đảm nhận vai trò này.

Thụy Điển , Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan, 4 quốc gia Bắc Âu này đều đang làm khá tốt. Nếu được lựa chọn nơi sinh ra, chắc hẳn nhiều người sẽ muốn là một người Viking. Các nước Bắc Âu luôn đứng đầu tất cả các danh sách thống kê, từ mức độ cạnh tranh của nền kinh tế đến mức độ hạnh phúc hay sức khỏe. Họ đã tránh được cả sự cứng nhắc của các nền kinh tế Nam Âu lẫn tình trạng chênh lệch giàu nghèo mà Mỹ mắc phải.

Trong công thức thành công của các nước Bắc Âu có một chút may mắn về thời điểm: họ đã khéo léo thoát được khủng hoảng nợ trong những năm 1990. Tuy nhiên, có một lý do khác thú vị hơn. Và, đối với các chính trị gia trên khắp thế giới (đặc biệt là những nước phương Tây nặng nợ), các nước Bắc Âu đem đến nhiều bài học hữu ích cho quá trình cải cách khu vực công.

Từ "Pippi tất dài" đến hệ thống trường tư

Trong những năm 1970 và 1980, cũng giống như các nước khác, Bắc Âu dựa vào nguồn thu thuế để chi tiêu. Năm 1993, chi tiêu công của Thụy Điển lên tới 67% GDP. Astrid Lindgren, tác giả của bộ truyện Pippi tất dài, phải chịu mức thuế thu nhập hơn 100%. Rõ ràng mô hình này không hiệu quả: từ vị trí giàu thứ 4 thế giới năm 1970, đến năm 1993 Thụy Điển tụt xuống vị trí số 14.

Kể từ đó đến nay, Bắc Âu đã thay đổi. Tỷ trọng chi tiêu công trong GDP Thụy Điển đã giảm khoảng 18%, xuống mức thấp hơn Pháp và sẽ sớm thấp hơn Anh. Thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 22%, thấp hơn nhiều so với Mỹ. Các nước Bắc Âu tập trung cân đối ngân sách bằng cách cải cách hệ thống lương hưu. Trong khi Mỹ thâm hụt ngân sách 7%, Thụy Điển chỉ thâm hụt 0,3% GDP.

Người Bắc Âu khá thực dụng. Miễn là hệ thống dịch vụ công cộng hoạt động tốt, họ không quan tâm ai là người cung cấp chúng. Đan Mạch và Na Uy cho phép các công ty tư nhân điều hành hệ thống bệnh viện công. Thụy Điển có hệ thống giáo dục độc nhất vô nhị trong đó các trường tư kinh doanh vì lợi nhuận cạnh tranh sòng phẳng với trường công.

Các chính trị gia phương Tây muốn phát triển công nghệ và tăng tính minh bạch. Bắc Âu cũng vậy. Tất cả các trường học và bệnh viện bất kể công hay tư đều được đánh giá. Thụy Điển cho phép mọi công dân tiếp cận với các con số thống kê chính thức. Các chính trị gia sẽ mắc phải bê bối lớn nếu như bị phát hiện không đi xe đạp mà dùng xe limousine. Quê hương của Skype và Spotify cũng tiên phong trong lĩnh vực chính phủ điện tử: người dân có thể nộp thuế chỉ bằng 1 tin nhắn SMS.

Người Bắc Âu chứng minh rằng hoàn toàn có thể kết hợp chủ nghĩa tư bản với nhà nước lớn. 30% lao động làm trong khu vực công (so với mức trung bình 15% của các nước thuộc nhóm OECD). Họ là những người ủng hộ thị trường tự do sẽ không nhúng tay giải cứu các công ty mang tính biểu tượng. Thụy Điển đã để Saab phá sản và Volvo thì đã bán mình cho 1 công ty Trung Quốc.

Thứ mà người Bắc Âu coi trọng là những giá trị dài hạn. Na Uy có quỹ đầu tư quốc gia 600 tỷ USD luôn cố gắng tìm kiếm những khoản đầu tư sinh lợi. Đan Mạch có hệ thống cho phép các chủ sử dụng lao động sa thải nhân viên dễ dàng hơn nhưng bên cạnh đó những người thất nghiệp được hỗ trợ rất tốt. Ở Phần Lan thì có hệ thống quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động hiệu quả.

Không có gì là hoàn hảo

Tuy nhiên, mô hình các nước Bắc Âu không thực sự hoàn hảo. Mức thuế chưa đủ hấp dẫn để giữ chân các doanh nhân trẻ. Ở London tràn ngập những người Thụy Điển trẻ tuổi tài năng. Ở Bắc Âu cũng có quá nhiều người (đặc biệt là người nhập cư) lười biếng sống dựa vào trợ cấp. Những áp lực đã buộc các nước phải cắt giảm chi tiêu (ví dụ như môi trường cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt) sẽ ngày càng lớn và đòi hỏi sự thay đổi.

Dẫu vậy, ở thời điểm hiện tại, đây vẫn là mô hình mà các nước phải học tập. Khi Thủ tướng Đức Angela Merkel vạch ra sự thật rằng EU chiếm 7% dân số thế giới nhưng số tiền chi cho phúc lợi xã hội chiếm một nửa, bà nên nhìn sang các nước Bắc Âu. Na Uy vẫn là hình mẫu về an sinh xã hội mà Trung Quốc muốn noi theo.

Bài học lớn nhất, hữu ích nhất từ các nước Bắc Âu không phải về tư tưởng mà là về thực tiễn. Họ xây dựng Chính phủ lớn nhưng đó là Chính phủ làm việc hiệu quả. Người Thụy Điển nhiệt tình nộp thuế hơn người Mỹ bởi đổi lại họ sẽ được nhận dịch vụ giáo dục và y tế miễn phí.

Các nước Bắc Âu đã chứng minh rằng bạn có thể kết hợp giữa cơ chế thị trường với an sinh xã hội để đạt hiệu quả cao nhất. Bạn có thể đặt nền móng vững chắc cho các chương trình an sinh xã hội để người gia không rơi vào cảnh “ăn bám” con cháu. Bí quyết là các nước phải sẵn sàng loại bỏ tham nhũng và lợi ích nhóm, cũng như sẵn sàng bỏ qua những tư tưởng bảo thủ. Dù vẫn có khiếm khuyết, trong nhiều năm nữa Bắc Âu vẫn là mô hình mà thế giới ca ngợi và học theo.

Theo Thu Hương

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Việt Nam tuột mất 1 tỷ USD từ Apple

Sau khi đánh giá Việt Nam và Ấn Độ, Apple đã lựa chọn Ấn Độ để xây dựng dự án công nghệ có vốn đầu tư 1 tỷ USD. Đó là thông tin vừa được chia sẻ tại buổi họp báo về bất động sản công nghiệp.

Ông Đặng Văn Quang, đại diện JLL tại Việt Nam, chia sẻ, đây là thông tin rất buồn. Năm ngoái, Apple , tập đoàn công nghệ của Mỹ, đã tìm kiếm khu vực châu Á để phát triển dự án nhà máy sản xuất trị giá khoảng 1 tỷ USD. Sau khi đánh giá các nước trong khu vực, Apple đã có 2 sự lựa chọn là Việt Nam và Ấn Độ. Tuy nhiên, vì một số lý do đáng tiếc, đại gia công nghệ này đã lựa chọn Ấn Độ.

“Nếu như ai đấy thu hút được Apple vào, ngoài dự án 1 tỷ USD, còn đóng góp rất lớn như thuế, công ăn việc làm,... quan trọng hơn cả là mang lại thương hiệu cho quốc gia đó về mặt phát triển bất động sản công nghiệp”, ông Quang đánh giá.

Theo ông Quang, dự án này chỉ khoảng 1 tỷ USD, nhỏ hơn so với Samsung, nhưng nếu như đón được Apple vào sẽ là tiền đề cho rất nhiều doanh nghiệp tương tự đầu tư vào Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ là hai nước đang có lợi thế trong việc đầu tư các dự án công nghệ cao. Tuy nhiên, Ấn Độ có nhiều ưu đãi và hạ tầng phát triển nên được đánh giá cao hơn so với Việt Nam. Trong lĩnh vực công nghê, Samsung đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với tổng số vốn lên tới hàng tỷ USD.

Liên quan tới bất động sản công nghiệp, theo JLL tại Việt Nam, quý I/2017, Việt Nam đã thu hút được 7,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016. Theo khảo sát của JLL, vốn FDI chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 6,5 tỷ USD, chiếm tới 84,9% tổng FDI vào Việt Nam. Hoạt động kinh doanh bất động sản thu hút khoảng 344 triệu USD, chiếm 4,5% tổng vốn FDI.

Dòng vốn FDI vào công nghiệp và bất động sản tiếp tục tăng cũng là yếu tố thuận lợi để phát triển và thu hút hoạt động đầu tư vào các khu công nghiệp.

Theo đánh giá của JLL, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp được dự kiến sẽ gia tăng đáng kể nhờ vào nhu cầu tăng mạnh về các loại hình bất động sản công nghiệp của các nhà đầu tư nội địa và nước ngoài do làn sóng dịch chuyển của các khu công nghiệp, đặc biệt là Trung Quốc.

Ngoài ra, tín hiệu tích cực khác đã xuất hiện ở thị trường này là một số lượng đáng kể các khu công nghiệp xanh với công nghệ kỹ thuật hiện đại, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong thời gian tới.

Theo Duy Anh

Vietnamnet

Đọc tiếp »

Lấn cấn gói vay 100 ngàn tỷ cho nông nghiệp: Doanh nghiệp lo không dễ “xơi”

Các doanh nghiệp (DN) làm nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) xác định: 100 nghìn tỷ đồng là gói vay thương mại, chứ không phải Nhà nước cho không, ngân hàng phải chịu rủi ro, nên chắc chắn không dễ “xơi”. Ngân hàng muốn cho vay an toàn buộc phải tính toán, cho vay “đúng người, đúng việc”, có hiệu quả.

Không dễ “xơi”

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP Nafoods (Nghệ An) - một trong những nhà sản xuất, xuất khẩu sản phẩm chanh leo hàng đầu châu Á cho rằng, để làm NNCNC, đặc biệt trong ngành hàng rau quả, cần có diện tích đất đủ lớn. Nafoods đang thực hiện vùng liên kết trồng nguyên liệu khoảng 400 ha; chưa kể phần liên kết ở Lào hơn 1.000 ha…

Tuy nhiên, theo ông Hùng, vấn đề ở chỗ, nếu DN có đất và đất đó đi thuê, dân vẫn nắm sổ đỏ, liệu ngân hàng khi đánh giá, ngoài tài sản trên đất, họ có cho tín chấp phần đất mà DN thuê? “Đã là dự án công nghệ cao, đánh giá khả thi, được phê duyệt dự án rồi thì cần thông thoáng hơn cho DN, chấp nhận phương thức tín chấp. Cái cần gỡ là chỗ này”- ông Hùng nói.

Ông Hùng cho rằng, nếu bắt buộc DN phải có sổ đỏ một diện tích rất lớn cho sản xuất, sẽ hiếm DN nào đáp ứng được. Mặt khác, hiện với đất nông nghiệp, ngân hàng thường chỉ đánh giá tài sản trên đất, chứ không tính phần đất vào đánh giá cho vay. “Trên thực tế, để lấy được phần đất sản xuất đó, DN đã bỏ tiền ra rất nhiều, nhưng ngân hàng không đánh giá. DN nếu thuê được 20 năm, cũng là một dạng pháp lý, cam kết làm ăn của DN, nên ngân hàng cần “cởi” chỗ này”- ông Hùng kiến nghị.

Nói về gói tín dụng 100 nghìn tỷ trên, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Việt Úc - một trong những DN đi đầu trong lĩnh vực tôm giống công nghệ cao ở Việt Nam cho rằng, đây là cơ hội để tăng giá trị xuất khẩu tôm nước ta từ hơn 3 tỷ USD lên 10 tỷ USD trong thời gian tới.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Việt Úc, việc nhà nước có thể hỗ trợ DN lãi suất qua hệ thống ngân hàng thương mại là cần thiết. “Để đẩy ngành tôm lên một tầm cao mới, không thể tay không bắt giặc mà phải đầu tư. Nếu làm giỏi, một đồng vốn được bốn đồng lời, nhưng trước hết cũng phải có đồng vốn đã để tận dụng cơ hội”- ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, dẫu nhu cầu vốn rất cao, nhưng DN không thể mong đợi quá được. Với ngân hàng, nếu cứ cho DN vay ồ ạt, mất vốn ai chịu? Do vậy, cần có cơ chế đánh giá công bằng và minh bạch, hạn chế khâu trung gian, tránh việc cho vay không đúng đối tượng.

“Nguồn vốn 100 nghìn tỷ đó, không phải là vốn xã hội để ban cho nhiều người. Chẳng hạn, mục tiêu là đưa ngành tôm từ hơn 3 tỷ USD lên 10 tỷ USD, phải chọn DN có khả năng sử dụng tốt vốn vay để phát triển ngành, chứ không nên nghĩ chia nhỏ, rải rác vốn, làm công tác xã hội, để mấy ông nhỏ làm sao cũng được thì không ổn”- ông Tuấn phân tích.

Ngân hàng sẵn sàng hay còn ngại?

Phát biểu trong cuộc họp tuần qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý về gói vay trên với rất nhiều việc cần làm rõ, như: Khâu nghiên cứu, sản xuất, triển khai tiêu thụ, đối tượng cho vay, được hưởng gói vay thế nào? Phó Thủ tướng cũng lưu ý, dù gói vay này lãi suất thấp hơn thông thường, nhưng ở đây không có sự bao cấp của Nhà nước. Việc các ngân hàng cho vay trung, dài hạn bao nhiêu năm thì tuỳ, nhưng vấn đề phải công khai, minh bạch.

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, hiện các NHTM đã đăng kí sơ bộ hơn 100 nghìn tỷ đồng. Mức lãi suất thấp hơn 0,5-1%/năm so với lãi suất thông thường hiện nay. “Trước mắt chúng tôi sẽ lo trình sửa đổi Nghị định 55 về cho vay nông nghiệp, nông thôn, trong đó lưu ý đến các đặc thù cho vay NNCNC”, Phó Thống đốc Tiến nói.

Tổng giám đốc Agribank - ông Tiết Văn Thành cho biết, Agribank đã cam kết 50.000 tỷ đồng cho NNCNC ngân hàng tự cân đối được, mà không cần hỗ trợ của nhà nước, với lãi suất giảm khoảng 1,5%. Tuy nhiên ông Thành lưu ý, vướng mắc là quy hoạch địa phương, tiểu vùng, cây, con, ngành nghề chưa rõ, nên manh mún và mang tính tự phát rất nhiều. Hiện chỉ có Củ Chi (TPHCM), Đắk Lắk, Lâm Đồng có quy hoạch một phần.

Thực tế, sản xuất NNCNC giá trị lớn, diện tích rộng. DN khi tính toán thì mua bán theo giá thị trường, nhưng khi ngân hàng định giá cho vay, thì tính theo giá nhà nước do UBND các tỉnh quy định, nên giá trị đất - tài sản đảm bảo thấp, mức vay không cao.

Theo ông Thành, vốn đầu tư nhà lưới, kính, trang thiết bị khác rất lớn, nên khi có rủi ro chỉ bán sắt vụn rẻ mạt. Tuy nhiên, dù khó khăn nhưng Agribank vẫn xem xét lựa chọn phối hợp với từng địa phương để triển khai mang lại kết quả nhất định.

Trong khi đó, ông Phan Đức Tú, Tổng Giám đốc BIDV nói rằng, ngân hàng này sẽ đi theo hướng “chọn” người vay, có tư cách pháp nhân, phương án kinh doanh có hiệu quả. Về người vay, phải có năng lực tài chính, sản xuất kinh doanh, người có năng lực, kinh doanh thật sự. Phương thức cho vay sẽ triển khai phù hợp đối tượng, là vay ngắn, trung hay dài hạn.

“Chúng tôi cho vay các công đoạn, cho vay theo chuỗi hoặc cắt khúc ra. DN có thể kết hợp chuỗi, DN chỉ làm một công đoạn, ví dụ nghiên cứu khoa học…”, ông Tú nói.

Theo bà Đinh Thị Thái, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, hiện cho vay nông nghiệp của Vietcombank đã lên tới 48.200 tỷ đồng.

“Vietcombank vừa cho vay 500 tỷ đồng dự án trứng gà sạch cách đây hơn 1 tháng, các dự án công nghệ cao chúng tôi đều chủ động tìm kiếm khách vay”- bà Thái nói. Đại diện nhiều NHTM lo ngại, cho vay lãi suất thấp trong khi rủi ro cao, nên ngân hàng ủng hộ, nhưng cần có cơ chế xử lý hỗ trợ.

“Những DN đàng hoàng, làm ăn tốt, ngân hàng sẽ tự tìm đến, và có thể lãi vay của họ thấp hơn lãi suất thị trường. Như vậy, nhà nước không cần hỗ trợ, DN cũng tiếp cận được vốn rẻ hơn. Bản chất của ngân hàng khi cho vay là đi bán rủi ro, rủi ro anh thấp thì lãi suất thấp, rủi ro cao thì chi phí lãi vay của anh cũng khác”

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Úc

Theo Phạm Anh - Khánh Huyền

Tiền phong

Đọc tiếp »

Căn bệnh Hà Lan trong nền kinh tế Việt Nam: Ngành nông nghiệp có mắc "lời nguyền"?

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (thành viên Liên minh Nông nghiệp) cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam cũng có thể đang mắc “căn bệnh Hà Lan”. Thực tế, ngành nông nghiệp vẫn đang loay hoay tìm hướng phát triển, dù một số mặt hàng có sản lượng đứng đầu thế giới.

“Căn bệnh Hà Lan” là gì?

Năm 1959, Hà Lan phát hiện ra mỏ khí thiên nhiên có trữ lượng lớn. Xuất khẩu đã tăng vọt sau khi Hà Lan quyết định bán đi nguồn tài nguyên này. Lượng lớn ngoại tệ đã về với Hà Lan sau những lô hàng đầu tiên. Tuy nhiên, điều này lại khiến đồng Guilder (nội tệ Hà Lan khi đó) mạnh lên. Các lĩnh vực khác của nền kinh tế trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Đầu tư doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng.

Hà Lan buộc phải giữ mức lãi suất thấp nhằm kìm hãm sự tăng giá quá nhanh của đồng nội tệ. Đồng thời, Chính phủ Hà Lan cũng tăng đầu tư vào nhiều lĩnh vực để vực dậy các ngành sản xuất. Nhưng Chính phủ Hà Lan đã không sử dụng tốt nguồn tiền thu về. Nhiều lĩnh vực đầu tư kém hiệu quả vẫn liên tục được rót vốn. Hệ quả là khu vực chế tạo bị suy giảm nặng nề, nhiều nhà đầu tư rời bỏ Hà Lan, hạn chế tiềm năng kinh tế trong tương lai.

Thuật ngữ “căn bệnh Hà Lan” được đặt ra năm 1977. Đó là tên gọi một loại nguy cơ kinh tế xảy ra khi đẩy mạnh xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên dẫn tới làm suy giảm ngành công nghiệp chế tạo - một hiện tượng giảm công nghiệp hóa. Đôi khi, thuật ngữ “căn bệnh Hà Lan” được dùng để chỉ nguy cơ xảy ra khi sự phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài dẫn tới suy giảm của nguồn lực trong nước.

Việt Nam có thể đang mắc “căn bệnh Hà Lan”

Nhiều dấu hỏi về “căn bệnh Hà Lan” đã được đặt ra trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp rất nhiều khó khăn, kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong bài viết “Kinh tế Việt Nam vì đâu nên nỗi?” đăng trên Vneconomy năm 2013, ông Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đã cho rằng Việt Nam bị nhiễm “căn bệnh Hà Lan”.

Trong khi dòng vốn FDI ồ ạt đổ vào nền kinh tế Việt Nam, thì khu vực trong nước đã từ bỏ việc tận dụng lợi thế để tập trung sản xuất kinh doanh và chuyển sang đầu cơ tài sản. Theo ông Huỳnh Thế Du, chính "căn bệnh Hà Lan" đã làm tổn hại nghiêm trọng sức cạnh tranh của khu vực sản xuất, hơn 50 ngàn doanh nghiệp phá sản trong năm 2012.

Mới đây, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - TS Lê Xuân Nghĩa đã bày tỏ quan điểm từ bỏ giấc mơ “cường quốc công nghiệp”. Theo ông Nghĩa, Việt Nam nên có định hướng để trở thành một cường quốc về du lịch, nông phẩm và nông phẩm chế biến. Bởi vì, thắng cảnh và nông sản nhiệt đới vẫn là lợi thế lâu nay của Việt Nam được bạn bè quốc tế công nhận.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (thành viên Liên minh Nông nghiệp) cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam cũng có thể đang mắc “căn bệnh Hà Lan”. Thực tế, ngành nông nghiệp vẫn đang loay hoay tìm hướng phát triển, dù một số mặt hàng có sản lượng đứng đầu thế giới.

“Sự màu mỡ hàng trăm năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long đã cứu dân tộc mình khỏi đói khổ. Nhưng nó cũng là một lời nguyền của những nước có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Những nơi có quá nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi thì không thể phát triển được các tố chất khác của con người về trí óc, kỹ năng” – ông Thành nói.

Người Anh, người Nhật hay người Do Thái không có tài nguyên nên họ buộc phải phát triển chính bản thân mình. Nếu mỗi người chúng ta nhẹ nhàng cải tạo theo hướng nâng cao trí tuệ ngay từ bây giờ, ông Thành nghĩ rằng Việt Nam cũng sẽ không đến nỗi kém trong tương lai.

Theo Vương Diệu Quân

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »