Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm đạt 1 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu cà phê tháng 3 năm 2017 ước đạt 162 nghìn tấn với giá trị đạt 365 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm 2017 ước đạt 449 nghìn tấn và 1 tỷ USD.

Cũng theo báo cáo, giá cà phê xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2017 đạt 2.262 USD/tấn, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu cà phê trong 2 tháng đầu năm 2017 tăng mạnh là: Bỉ (gấp 2,3 lần), Hàn Quốc (79,3%), Hoa Kỳ (60%), Angieri (50,1%), Tây Ban Nha (33,6%), Đức (28,8%), Anh (27,4%), Nhật Bản (21%) và Italia(20,2%). Trong đó, Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2017 với thị phần lần lượt là 17% và 15,6%.

Về thị trường cà phê trong nước, giá biến động tăng trong tháng 3/2017 theo xu hướng tăng của thị trường cà phê thế giới. So với cuối tháng 2/2017, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 2.000 – 2.200 đ/kg lên mức 46.000 – 46.900 đ/kg.

Bộ NN&PTNT cho rằng giá cà phê tăng do nguồn cung cà phê Robusta tiếp tục bị thắt chặt trong ngắn hạn. Tuy giá điều chỉnh tăng nhưng sức bán tại thị trường nội địa Việt Nam hầu như không đáng kể. Bên bán còn chần chừ với kỳ vọng giá còn tăng.

Trong 3 tháng đầu năm 2016, giá cà phê trong nước tăng với mức tăng 1.600 – 2.100 đ/kg. Thị trường được hỗ trợ bởi thời tiết khô hạn tại Brazil làm giảm sản lượng Robusta. Bên cạnh đó, nguồn cung cà phê Robusta bị thắt chặt do vụ thu hoạch không được như kỳ vọng tại Indonesia kết hợp với sự sụt giảm sản lượng tại Việt Nam.

Theo Minh Anh

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Tháng 3, giá ô tô con nhập khẩu giảm gần 100 triệu đồng/xe

So với tháng 2, lượng xe nhập về Việt Nam đã tăng hơn 5.000 chiếc, giá bình quân khai báo nhập khẩu giảm hơn 93 triệu đồng mỗi xe.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê ước tính trong tháng 3 cả nước nhập khẩu hơn 13.000 ô tô nguyên chiếc, tổng giá trị nhập khẩu đạt 150 triệu USD. Giá bình quân xe con là 263 triệu đồng.

Trong khi đó, tháng 2/2017, Việt Nam chỉ nhập hơn 8.000 chiếc, trị giá 158 triệu USD. Trong đó có 4.078 xe con, chiếm hơn 50% lượng nhập, tương đương 63,7 triệu USD. Giá bình quân xe ô tô nhập vào khoảng 450 triệu đồng/xe; riêng xe con có giá bình quân là 356 triệu đồng/xe.

Tháng 3 năm ngoái, lượng xe nhập về là 8.500 chiếc, kim ngạch 208 triệu USD; xe con là 2.900 chiếc, kim ngạch 53 triệu USD. Giá xe bình quân là 557 triệu đồng, xe con là 416 triệu đồng/xe.

So sánh với hiện tại, lượng xe nhập đã tăng 4.500 chiếc với mức giá giảm hơn 294 triệu đồng/xe.

Còn so với cùng kỳ năm 2015, với lượng xe nhập tháng 3 đạt 10.000 chiếc, kim ngạch 267 triệu USD, trong đó xe con là 3.009 chiếc, kim ngạch 36,2 triệu USD. Giá xe bình quân là 608 triệu đồng/xe, trong đó xe con là 274 triệu đồng/xe.

Như vậy, lượng xe nhập thời điểm hiện nay đã tăng hơn 3.000 chiếc, giá khai báo xe bình quân đã giảm hơn 340 triệu đồng/chiếc.

Phía Tổng cục Hải quan cho biết, thị trường ô tô nhập khẩu hiện có sự thay đổi lớn từ nhập khẩu xe tải chuyển sang nhập khẩu xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi trở xuống. Nếu như năm 2015 và nửa năm 2016, lượng nhập xe tải chiếm từ 50% đến hơn 40% thì từ giữa năm 2016 đến nay, lượng xe tải đã giảm rất mạnh, phần lớn thị trường xe hơi nhập khẩu thuộc về xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi trở xuống.

Cụ thể, tính riêng nửa đầu tháng 3, trong số hơn 6.348 xe nguyên chiếc nhập về, có hơn 4.800 xe con, chiếm 75% lượng xe nhập. Cộng dồn đến hết ngày 15/3, trong số hơn 21.000 chiếc xe nhập, 66% lượng nhập là xe con dưới 9 chỗ ngồi trở xuống.

Lượng xe nhập khẩu tăng, giá giảm nhanh là do tốc độ tiêu thụ xe hơi của Việt Nam đang tăng trưởng lớn bởi thu nhập đầu người Việt Nam tăng lên và xu hướng tiêu dùng xe hơi đang phát triển.

Bên cạnh đó, mức giá xe giảm được cho là ảnh hưởng của thuế nhập khẩu xe hơi từ các ước ASEAN, trong đó 2 nước có lượng xe nhập vào Việt Nam lớn nhất là Thái Lan, Indonesia đã giảm từ 40% năm 2016 xuống còn 30% vào năm 2017 và 0% vào năm 2018 theo cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa của ASEAN.

Ngoài ra, mức giá giảm cũng do ảnh hưởng thuế tiêu thụ đặc biệt điều chỉnh, đối với dòng xe dung tích thấp dưới 2.0L nhập khẩu vào Việt Nam đã giảm từ 45% xuống còn 40% từ tháng 7/2016 và giảm 5% vào những năm tiếp theo.

Những lý do này đã khiến các nhà nhập khẩu tăng cường nhập xe dung tích nhỏ vào Việt Nam, hạn chế các dòng xe dung tích lớn, thuế cao, khiến mức giá xe bình quân cũng giảm trông thấy.

Theo Nam Dương

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Một 'chiêu' kiểm soát: Lộ khoản thuế bị thất thu ngàn tỷ

Nhờ chiêu dán tem niêm phòng đồng hồ đo xăng, số lượng xăng dầu tiêu thụ và số thuế bảo vệ môi trường đã tăng vọt từ 10-20% so với trước. Điều này cho thấy, trước đây đã thất thu một lượng thuế khá lớn do kiểm soát không tốt.

Đây là một trong những kết quả tích cực trong công tác phòng chống thất thu ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực quản lý thuế xăng dầu.

Tại cuộc họp báo về vấn đề này chiều, 31/3, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay, kể từ khi áp dụng giải pháp dán tem niêm phong đồng hồ đo đếm lượng xăng dầu tiêu thụ tại từng cột xăng, các số liệu về thuế tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng dầu như thuế bảo vệ môi trường đã tăng khả quan.

Ví dụ như tại Nghệ An, sau khi hoàn thành việc dán tem vào tháng 11/2015, số lượng xăng, dầu tiêu thụ và số thuế bảo vệ môi trường năm 2016 bình quân đã tăng khoảng hơn 20%. Đây là địa phương có 449 doanh nghiệp là đại lý, tổng đại lý và 514 cửa hàng xăng dầu, với 1.501 cột bơm xăng đã được dán tem niêm phong đồng hồ.

Tại Quảng Ninh, sau khi hoàn thành dán tem vào cuối tháng 11/2016, sản lượng tiêu thụ xăng dầu và số thuế bảo vệ môi trường cũng đã tăng bình quân tháng so với trước thời điểm dán tem khoảng xấp xỉ 15%. Đây là tỉnh có 178 cửa hàng bán xăng với 495 cột bơm xăng được dán tem.

Tương tự, tại các tỉnh có số lượng cửa hàng xăng dầu lớn như Thái Bình, Bình Định, doanh số tiêu thụ xăng dầu và thuế bảo vệ môi trường đều tăng 14%, ở Lâm Đồng đã tăng 10% so với trước thời điểm dán tem.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế chia sẻ, việc dán tem niêm phong các đồng hồ tổng đo đếm xăng vẫn còn là giải pháp thủ công. Tuy nhiên, đây vẫn là cách thức hữu hiệu trong thời điểm hiện nay để kiểm soát việc gian lận trong kê khai thuế VAT và sử dụng hoá đơn thuế xăng dầu.

Theo ông Phụng, khi dán tem ở cột bơm xăng, sẽ tránh được việc lợi dụng thói quen của người dân mua xăng không lấy hoá đơn, lấy lượng xăng dầu đã bán này, dồn lại để làm hoá đơn, rồi lấy hoá đơn hôm qua gắn với ngày hôm nay.

"Về lâu dài, tham vọng của ngành thuế là kết nối đồng bộ phần mềm xuất hoá đơn xăng dầu xác thực với cơ quan thuế, dữ liệu bán xăng hàng ngày được "chạy" thẳng về cơ quan thuế. Tuy nhiên, với 23 đầu mối hiện nay, muốn triển khai được phải có tiềm lực tốt, cả về kỹ thuật, tài chính", ông Phụng cho hay.

Giải pháp trên xuất phát từ sáng kiến chống gian lận thuế xăng dầu do Cục thuế Nghệ An đề ra và tiên phong thực hiện.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm Luật Phòng chống tham nhũng của Bộ Tài chính hồi tháng 1/2016, ông Lê Hà Dũng, Phó cục trưởng Cục thuế Nghệ An đã từng ước tính, cả tỉnh có khoảng 500 - 600 ngàn xe máy. Với tiêu thụ trung bình 10 lít xăng/tháng, ước tiền mua xăng của số xe máy trên phải là 1.200 tỷ đồng. Nhưng theo khai báo của các doanh nghiệp, chỉ có 100 tỷ đồng tiền mua xăng là không có hoá đơn, vậy thì 1.100 tỷ đồng tiền bán xăng thì hoá đơn đã đi đâu?

Từ đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo toàn ngành thuế phải nhanh chóng nghiên cứu và nhân rộng mô hình kiểm soát chống thất thu ngân sách đối với thuế xăng dầu trên toàn quốc.

Theo báo cáo tổng hợp của Tổng cục Thuế tới thời điểm 30/3, cả nước đã có 46 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% việc dán tem niêm phong tại các cột bơm xăng, 2 tỉnh là Đắk Nông, An Giang đang trong quá trình triển khai. Tổng số cột xăng đã được dán tem là 30.121 cột, chiếm 60% so với tổng số 50.000 cột bơm xăng của cả nước.

Theo Phạm Huyền

Vietnamnet

Đọc tiếp »

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

Đây là lý do khiến việc tăng trưởng GDP quý I thấp nhất 3 năm không đáng lo ngại

Việc tăng trưởng GDP quý I/2017 thấp nhất 3 năm gần đây là do chủ động cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô. Chính phủ vẫn kiên định thực hiện mục tiêu tăng trưởng do Quốc hội đề ra và quan tâm đến tính bền vững của tăng trưởng.

Trong cuộc Họp báo chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều nay, Đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư đã giải thích việc tăng trưởng GDP Quý I không cao nhưng xét về bản chất tăng trưởng là hợp lý. Theo đó, tăng trưởng GDP Quý I thấp nhất trong 3 năm gần đây là do sự chủ động giảm khai thác dầu thô của Chính phủ.

Cụ thể, nếu sản lượng khai thác bằng mức năm ngoái thì tăng trưởng quý I sẽ đạt 5,95% - cao hơn năm quý I năm 2016. Do chủ động giảm khai thác dầu khí từ mức 15 triệu tấn về 12,8 triệu tấn nên tăng trưởng quý I có sự chậm lại. Chỉ đạo của Thủ tướng là phải tăng trưởng bền vững, nên ngành khai khoáng giảm 9% sản lượng so với năm trước.

Bên cạnh đó, CPI quý I có bước tăng mạnh cũng là sự chủ động của Chính phủ khi thực hiện lộ trình tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục vào tháng 3.

“Như vậy, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, cân đối lớn được bảo đảm và có sự kiểm soát” – đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết.

Điểm sáng trong quý I là niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Điều đó thể hiện ở số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao, FDI cũng đạt mức kỷ lục. Theo đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư, độ trễ của 2 yếu tố này sẽ giúp kinh tế tăng trưởng cao hơn trong các quý tiếp theo.

Chính phủ kiên quyết thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2017 mà Quốc hội đề ra. Những giải pháp trong thời gian tới được đề ra là tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thực hiện nghiêm nghị quyết 35 và 19, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư (quý I chỉ đạt 12,2%).

Theo Vương Diệu Quân

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Bộ Tài chính bác đề xuất "Taxi truyền thống nộp thuế như Grab, Uber"

Bộ Tài chính chiều ngày 3/4 bác đề xuất taxi truyền thống được nộp thuế như Grab, Uber của Hiệp hội Taxi TP. HCM.

Bộ Tài chính chiều ngày 3-4 đã thông tin về ý kiến cho rằng “taxi truyền thống đang phải chịu khá nhiều loại thuế, phí với mức thuế suất chênh lệch khá xa so với Grab, Uber” của Hiệp hội taxi TP. HCM.

Trong văn bản phản hồi, Bộ Tài chính cho hay, ý kiến trên là chưa có cơ sở. Tuy nhiên, Bộ này cũng cho hay đang chỉ đạo rà soát trường họp có dấu hiệu rủi ro gian lận về thuế, cơ quan thuế sẽ thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Hiệp hội đã kiến nghị cho doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống được áp dụng cách tính doanh thu tính thuế như đã hướng dẫn đối với Uber, Grab hoặc cho taxi truyền thống nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) với thuế suất 5% thay vì 10% như hiện nay.

Trước kiến nghị này, Bộ Tài chính cho hay, theo Luật Thuế GTGT, doanh nghiệp kinh doanh vận tải (trong đó có vận tải taxi) nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì nộp thuế GTGT theo tỷ lệ % trên doanh thu là 3%, thuế GTGT của các chi phí đầu vào (như chi phí văn phòng, sửa chữa, mua sắm tài sản cô định...) không được khấu trừ.

Nếu doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế GTGT, doanh nghiệp áp dụng thuế suất thuế GTGT đối với dịch vụ vận tải là 10%, thuế GTGT phải nộp bằng thuế GTGT đầu ra trừ thuế GTGT đầu vào, được khấu trừ thuế GTGT của các chi phí đầu vào (như chi phí văn phòng, sửa chữa, mua tài sản cố định...).

Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, thuế suất thuế GTGT dần được quy vê áp dụng thống nhất 10%, thuế suất 5% chỉ áp dụng đối với hàng hóa thiết yếu và thuế suất 0% áp dụng đối với hàng xuất khẩu. Vì vậy, Bộ Tài chính khẳng định, kiến nghị “cho taxi truyền thống nộp thuế GTGT với thuế suất 5%” là không có cơ sở.

Về các loại thuế phí đối với Grab, Uber, Bộ khẳng định việc xác định doanh thu tính thuế của Uber và Grab là phù hợp với quy định của pháp luật về thuế hiện hành. Toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải đều phải kê khai, nộp thuế. Đối với từng tốchức, cá nhân kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh chia sẻ doanh thu có nghĩa vụ nộp thuế trên phần doanh thu được chia theo thỏa thuận hợp tác.

Nếu xác định doanh thu tính thuế của Uber, Grab là 100% doanh thu vận tải thu được từ khách hàng sẽ dẫn đến việc đánh thuế trùng và không hợp lý, vì trong số 100% doanh thu vận tải thu được từ khách hàng, Uber chỉ được hưởng 20% doanh thu vận tải; phần còn lại 80% doanh thu vận tải được chia cho tổ chức, cá nhân hợp tác với Uber theo thỏa thuận hợp đồng hợp tác kinh doanh và tổ chức, cá nhân này phải kê khai, nộp thuế theo quy định đối với phần doanh thu được hưởng.

Theo C.Sơn

Báo giao thông

Đọc tiếp »

Tạo ra cuộc cách mạng về chất cho hạt gạo Việt

Các Bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục đổi mới, với tư duy kiến tạo, toàn diện, từ nền tảng thể chế, chính sách, pháp luật đến cấu trúc vận hành; tạo ra cuộc cách mạng về chất, một tầm nhìn mới, đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để gạo Việt Nam đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng ở Châu Á và thế giới.

Chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được nêu trong Thông báo số 180/TB-VPCP.

Nước ta có tiềm năng lợi thế lớn về sản xuất lúa gạo, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long. Lúa gạo có vai trò không thể thay thế của nông nghiệp Việt Nam và cây lúa vẫn sẽ là sinh kế quan trọng của đa số nông dân. Phát triển sản xuất lúa gạo ở Việt Nam, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được khẳng định trong an ninh lương thực tầm quốc gia và quốc tế. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài.

Để lúa gạo đem lại giá trị gia tăng tốt nhất dựa trên việc đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn về dinh dưỡng và dược liệu. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục đổi mới, với tư duy kiến tạo, toàn diện, từ nền tảng thể chế, chính sách, pháp luật đến cấu trúc vận hành, phương thức quản trị và công nghệ sản xuất lúa gạo; tạo ra cuộc cách mạng về chất, một tầm nhìn mới, đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để gạo Việt Nam đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng ở Châu Á và thế giới, từ đó đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho người trồng lúa và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo.

Thúc đẩy mô hình cánh đồng lớn

Trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp cần khẩn trương điều chỉnh quy mô sản xuất lúa theo hướng mở rộng hạn điền phù hợp, giao quyền sử dụng đất lâu dài cho người trồng lúa; thúc đẩy phát triển mô hình cánh đồng lớn, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Hỗ trợ liên kết sản xuất hợp tác với các doanh nghiệp, phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị; từng bước giảm số lao động nông nghiệp, chuyển sang ngành nghề khác.

Đồng thời, rà soát quy hoạch sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh lúa theo hướng sử dụng linh hoạt đất trồng lúa phù hợp với mục tiêu an ninh lương thực, tình hình thị trường và biến đổi khí hậu; cho phép chuyển đổi linh hoạt những vùng, vụ trồng lúa kém hiệu quả, vùng bị nhiễm mặn sang nuôi tôm, trồng các loại cây khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn; cần tính toán nhu cầu trong nước, mức tăng trưởng hàng năm về nhu cầu của thế giới, khả năng vươn lên tự sản xuất của một số nước và khả năng vươn lên của gạo Việt Nam để có kế hoạch điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với từng giai đoạn.

Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam

Thủ tướng cũng yêu cầu phải đổi mới quản lý khoa học công nghệ trong nông nghiệp, có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu chọn lọc, lai tạo giống lúa năng suất, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường; nghiên cứu sản xuất lúa gạo hướng tới đa mục tiêu, không những đảm bảo an ninh lương thực mà còn phải đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo thông qua áp dụng cơ giới hóa, sử dụng vật tư nông nghiệp do Việt Nam sản xuất; ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sâu, bảo quản lúa gạo, giảm tổn thất sau thu hoạch; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, khắc phục tình trạng sử dụng bất hợp lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất.

Chú trọng xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi hiện đại phục vụ tưới tiêu, các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các công trình hạ tầng khác, hướng tới áp dụng cơ chế thị trường về giá nước trong sản xuất để tiết kiệm, sử dụng hiệu quả hơn.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, duy trì phát triển các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng các thị trường xuất khẩu gạo mới, tiềm năng; xây dựng hệ thống thông tin thị trường, kịp thời giải quyết các rào cản kỹ thuật với các nước liên quan; xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam và thương hiệu của doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh cả trên thị trường trong nước và thế giới; cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ các "nút thắt" về thể chế, tạo "sân chơi" bình đẳng giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Theo Phương Nhi

Chinhphu.vn

Đọc tiếp »

EVN không được huy động vốn để đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng

Nghị định số 10/2017/NĐ-CP của Chính phủ mới đây đã ban hành quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong đó yêu cầu EVN không được huy động vốn để đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, BĐS, tài chính.

Nghị định 10/2017/NĐ-CP cũng nêu rõ: EVN được quyền sử chủ động dụng vốn nhà nước đầu tư, các loại vốn khác, các quỹ do EVN quản lý vào các hoạt động kinh doanh được quy định trong Điều lệ tổ chức hoạt động của EVN; quản lý sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn có hiệu quả; báo cáo theo đúng quy định cho chủ sở hữu, Bộ Tài chính về việc doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, không đảm bảo khả năng thanh toán, không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ do chủ sở hữu giao hoặc trường hợp sai phạm khác để thực hiện giám sát theo quy định.

Việc đầu tư vốn ra ngoài EVN phải tuân thủ các quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tăng thu nhập và không làm thay đổi mục tiêu hoạt động của EVN.

EVN không được nhận đầu tư, góp vốn từ các công ty con của EVN (doanh nghiệp cấp II), từ các công ty con của doanh nghiệp cấp II (doanh nghiệp cấp III).

Theo Nam Dương

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »