Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Tạo ra cuộc cách mạng về chất cho hạt gạo Việt

Các Bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục đổi mới, với tư duy kiến tạo, toàn diện, từ nền tảng thể chế, chính sách, pháp luật đến cấu trúc vận hành; tạo ra cuộc cách mạng về chất, một tầm nhìn mới, đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để gạo Việt Nam đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng ở Châu Á và thế giới.

Chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được nêu trong Thông báo số 180/TB-VPCP.

Nước ta có tiềm năng lợi thế lớn về sản xuất lúa gạo, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long. Lúa gạo có vai trò không thể thay thế của nông nghiệp Việt Nam và cây lúa vẫn sẽ là sinh kế quan trọng của đa số nông dân. Phát triển sản xuất lúa gạo ở Việt Nam, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được khẳng định trong an ninh lương thực tầm quốc gia và quốc tế. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài.

Để lúa gạo đem lại giá trị gia tăng tốt nhất dựa trên việc đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn về dinh dưỡng và dược liệu. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục đổi mới, với tư duy kiến tạo, toàn diện, từ nền tảng thể chế, chính sách, pháp luật đến cấu trúc vận hành, phương thức quản trị và công nghệ sản xuất lúa gạo; tạo ra cuộc cách mạng về chất, một tầm nhìn mới, đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để gạo Việt Nam đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng ở Châu Á và thế giới, từ đó đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho người trồng lúa và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo.

Thúc đẩy mô hình cánh đồng lớn

Trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp cần khẩn trương điều chỉnh quy mô sản xuất lúa theo hướng mở rộng hạn điền phù hợp, giao quyền sử dụng đất lâu dài cho người trồng lúa; thúc đẩy phát triển mô hình cánh đồng lớn, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Hỗ trợ liên kết sản xuất hợp tác với các doanh nghiệp, phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị; từng bước giảm số lao động nông nghiệp, chuyển sang ngành nghề khác.

Đồng thời, rà soát quy hoạch sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh lúa theo hướng sử dụng linh hoạt đất trồng lúa phù hợp với mục tiêu an ninh lương thực, tình hình thị trường và biến đổi khí hậu; cho phép chuyển đổi linh hoạt những vùng, vụ trồng lúa kém hiệu quả, vùng bị nhiễm mặn sang nuôi tôm, trồng các loại cây khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn; cần tính toán nhu cầu trong nước, mức tăng trưởng hàng năm về nhu cầu của thế giới, khả năng vươn lên tự sản xuất của một số nước và khả năng vươn lên của gạo Việt Nam để có kế hoạch điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với từng giai đoạn.

Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam

Thủ tướng cũng yêu cầu phải đổi mới quản lý khoa học công nghệ trong nông nghiệp, có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu chọn lọc, lai tạo giống lúa năng suất, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường; nghiên cứu sản xuất lúa gạo hướng tới đa mục tiêu, không những đảm bảo an ninh lương thực mà còn phải đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo thông qua áp dụng cơ giới hóa, sử dụng vật tư nông nghiệp do Việt Nam sản xuất; ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sâu, bảo quản lúa gạo, giảm tổn thất sau thu hoạch; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, khắc phục tình trạng sử dụng bất hợp lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất.

Chú trọng xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi hiện đại phục vụ tưới tiêu, các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các công trình hạ tầng khác, hướng tới áp dụng cơ chế thị trường về giá nước trong sản xuất để tiết kiệm, sử dụng hiệu quả hơn.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, duy trì phát triển các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng các thị trường xuất khẩu gạo mới, tiềm năng; xây dựng hệ thống thông tin thị trường, kịp thời giải quyết các rào cản kỹ thuật với các nước liên quan; xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam và thương hiệu của doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh cả trên thị trường trong nước và thế giới; cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ các "nút thắt" về thể chế, tạo "sân chơi" bình đẳng giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Theo Phương Nhi

Chinhphu.vn

Đọc tiếp »

EVN không được huy động vốn để đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng

Nghị định số 10/2017/NĐ-CP của Chính phủ mới đây đã ban hành quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong đó yêu cầu EVN không được huy động vốn để đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, BĐS, tài chính.

Nghị định 10/2017/NĐ-CP cũng nêu rõ: EVN được quyền sử chủ động dụng vốn nhà nước đầu tư, các loại vốn khác, các quỹ do EVN quản lý vào các hoạt động kinh doanh được quy định trong Điều lệ tổ chức hoạt động của EVN; quản lý sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn có hiệu quả; báo cáo theo đúng quy định cho chủ sở hữu, Bộ Tài chính về việc doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, không đảm bảo khả năng thanh toán, không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ do chủ sở hữu giao hoặc trường hợp sai phạm khác để thực hiện giám sát theo quy định.

Việc đầu tư vốn ra ngoài EVN phải tuân thủ các quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tăng thu nhập và không làm thay đổi mục tiêu hoạt động của EVN.

EVN không được nhận đầu tư, góp vốn từ các công ty con của EVN (doanh nghiệp cấp II), từ các công ty con của doanh nghiệp cấp II (doanh nghiệp cấp III).

Theo Nam Dương

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Ngay trong tháng 4, NHNN sẽ chỉ đạo các NH cho vay gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao với lãi suất thấp

NHNN cho biết sẽ ban hành Quyết định hướng dẫn và chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành nguồn vốn để cho vay với lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường trong tháng 4/2017.

Liên quan đến gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chỉ đạo Chính phủ: Thực hiện chủ trương của Chính phủ về cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch NHNN cho biết đã đưa nội dung triển khai chương trình vào Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/1/2017 của Chính phủ và Chương trình hành động của ngành góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ.

Đồng thời tổ chức cuộc họp với các ngân hàng thương mại có dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn lớn để bàn về việc triển khai chương trình. Các ngân hàng thương mại đều ủng hộ chủ trương của Chính phủ và đã đăng ký số tiền hơn 100.000 tỷ đồng để cho vay các dự án có hiệu quả với lãi suất ưu đãi ở mức phù hợp.

Đây là chương trình không có sự hỗ trợ của Nhà nước nên việc cho vay phải đảm bảo đúng quy định, khách hàng có dự án hoạt động hiệu quả và có dự án/phương án sản xuất kinh doanh thuộc tiêu chí chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hiện nay, việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao gặp một số khó khăn cần tháo gỡ như vấn đề về tài sản bảo đảm, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp hoàn thiện các văn bản hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp phục vụ cho việc sản xuất công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới,.. để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.

Ngoài ra, việc đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao thường có giá trị lớn, thời gian thu hồi vốn dài vì vậy cần phải có định hướng phát triển nông nghiêp công nghệ cao, đánh giá và dự báo về thị trường mục tiêu để việc đầu tư tín dụng hiệu quả.

Theo Kim Tiền

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

NCIF dự báo: Kinh tế Việt Nam quý II tăng trưởng 5,6%, cả năm đạt 6,2% thấp hơn mục tiêu đề ra

Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), quý II/2017, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,6%, cả năm đạt 6,2%, thấp hơn mục tiêu 6,7% được Quốc hội thông qua.

Chia sẻ tại tọa đàm Dự báo kinh tế Quý II/2017 do Trung tâm Thông tin và dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (NCIF) tổ chức sáng 5/4, TS Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và dự báo cho biết, dựa vào mức tăng trưởng 5,1% quý I và các nền tảng kinh tế Việt Nam, NCIF đưa ra mức sự báo tăng trưởng GDP 5,6% cho quý II và 6,2% cho cả năm 2017, tương đương với năm 2016.

Cơ sở cho dự báo này là do trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng quý II thường hơn quý I từ 0,2 - 0,4 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục, theo đà phục hồi kinh tế thế giới. Cụ thể, niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp ổn định hơn, 51,2% doanh nghiệp Việt Nam tin rằng quý II sẽ có đơn hàng cao hơn quý I.

TS Đặng Đức Anh cho rằng, đầu tư khu vực tư nhân và FDI cũng sẽ khởi sắc trong quý II này. Công nghiệp chế biến chế tạo dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cao hơn trong Quý I. Tuy nhiên vị chuyên gia cũng lưu ý, nhìn lại kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công.

Đưa ra con số nhập siêu 1,9 tỷ USD quý I, ông Đặng Đức Anh biết việc nhập khẩu quá nhiều nguyên liệu sản xuất càng củng cố việc nền kinh tế phát triển thiếu bền vững với việc gia công là chủ yếu.

"Đây là sự yếu kém của nền kinh tế khi vẫn phải nhập nhiều nguyên phụ liệu, chứng tỏ công nghiệp phụ trợ rất kém", ông nói.

Ở góc độ lạc quan hơn,TS. Cấn Văn Lực lại cho rằng đây có thể là nền tảng phục vụ cho sản xuất của các quý tới, kéo theo sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam khả quan trong thời gian tới.

Vị chuyên gia này cũng đưa ra dự báo lạc quan hơn NCIF với mức tăng trưởng cả năm rơi vào khoảng 6,3% - 6,5%, phần nhiều nghiêng về khả năng tăng trưởng GDP đạt 6,3%.

“Mức tăng trưởng này cũng là mức chung của nhiều tổ chức kinh tế thế giới khi dự báo về tăng trưởng của Việt Nam”, ông Cấn Văn Lực cho biết.

Theo N.D

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Việt Nam xuất khẩu ôtô: Quyết định “ngược dòng” của Thành Công, Trường Hải

Có phải Thành Công và Trường Hải đang quá tự tin hay thích “chơi trò” đầu tư mạo hiểm?...

Thay vì thuận theo xu hướng nhập khẩu, hai doanh nghiệp trong nước là Thành Công và Trường Hải đã quyết định tập trung đầu tư vào nhà máy để sản xuất, với mục tiêu xuất khẩu ôtô ra thị trường quốc tế.

Xu hướng chung

Các cam kết hội nhập quốc tế, cụ thể như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với quy tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) hay gần hơn và cũng sát sườn hơn là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đang khiến cho các mức thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc giảm dần.

Đặc biệt là ATIGA, theo lộ trình, kể từ năm 2018, tức là còn chưa đầy một năm nữa, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước nội khối (Đông Nam Á) sẽ về mức 0%, mức thuế hiện hành của năm 2017 là 30%.

Việc giảm nhanh và thậm chí xóa bỏ thuế nhập khẩu đã và đang gây sức ép rất lớn lên ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Sau hơn hai thập niên hình thành và xoay sở với mục tiêu phát triển, công nghiệp ôtô trong nước vẫn chưa đạt được thành tựu nào thực sự đáng kể, ngoài các yếu tố như đóng thuế, giải quyết công ăn việc làm hay mạng lưới dịch vụ.

Xét về sản phẩm, ôtô sản xuất trong nước (CKD) vẫn có tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, thậm chí với vài doanh nghiệp gần như không có, giá thành sản xuất cao và theo đó giá bán lẻ cũng cao, dẫn đến khả năng cạnh tranh với ôtô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) ngày càng yếu.

Đối với các nhà quản lý, thuế nhập khẩu giảm và tiến tới xóa bỏ trong khu vực Đông Nam Á sẽ khiến cho nỗ lực biến công nghiệp ôtô thành một ngành mũi nhọn đã được xác định từ hơn 20 năm trước đổ sông đổ bể. Nhưng với các doanh nghiệp ôtô, nhất là các liên doanh và một số doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, điều đó không quan trọng. Bởi suy cho cùng, kết quả kinh doanh và lợi nhuận mới là mục tiêu cuối cùng.

Trước tình thế đó, không có lý do gì để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các liên doanh không gia tăng tỷ trọng xe nhập khẩu để tìm kiếm lợi nhuận thay vì tiếp tục loay hoay với bài toán sản xuất trong nước.

Tất nhiên, để chắc chân tại thị trường Việt Nam và để tiếp tục nhận các chính sách ưu đãi, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn giữ lại một số dòng sản phẩm có sản lượng lớn để sản xuất. Đây cũng là một lựa chọn hợp lý để các hãng xe tập trung tăng sản lượng cho số ít dòng xe, từ đó tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành nhằm tạo sức cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.

Điểm tựa ngược dòng

Tuy nhiên, Trường Hải và Thành Công lại là trường hợp nhiều khác biệt.

Thay vì lựa chọn tăng tỷ trọng xe nhập khẩu, hai doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước này lại lựa chọn sản xuất và thậm chí tăng mạnh đầu tư ở thời điểm mà chưa đầy một năm nữa, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô CBU từ ASEAN sẽ chính thức vể 0%.

Có phải Thành Công và Trường Hải đang quá tự tin hay thích “chơi trò” đầu tư mạo hiểm? Mạo hiểm là bởi thời gian để hai doanh nghiệp này đi đến đích trong kế hoạch của mình không còn nhiều nếu không nói là quá ngắn ngủi trước khi “cơn bão” ôtô CBU từ các nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia tràn về.

Nhưng trên thực tế, cả Thành Công và Trường Hải đều có những điểm tựa của mình để đưa ra quyết định đầu tư bị xem là đi ngược xu hướng.

Trong ngành ôtô Việt Nam hiện nay, Trường Hải đã được xếp vào hàng “đại gia”, một thế lực thực sự. Ngay từ khi mới bước vào ngành ôtô cách đây 20 năm, doanh nghiệp này đã lựa chọn con đường đi lên từ xe tải, xe bus. Đây chính là lĩnh vực sản xuất đã và vẫn đang giúp Trường Hải ăn nên làm ra và hiện nay, tiếp tục trở thành một điểm tựa vững chắc, tạo động lực để Trường Hải tập trung nhiều hơn cho mảng ôtô du lịch.

Dễ hình dung hơn, khi đã chắc chân ở thị trường xe tải và xe bus, thậm chí một số dòng sản phẩm hầu như không phải cạnh tranh như xe khách giường nằm, Trường Hải không chỉ không phải bận tậm nhiều đến hai lĩnh vực này nữa mà còn được chính hai lĩnh vực này “đỡ” cho những bước phát triển mới của mảng xe du lịch.

Trong một lần trao đổi với người viết, Chủ tịch Trường Hải, ông Trần Bá Dương cho biết sở dĩ ngoài lĩnh vực chính là ôtô, ông làm thêm cả bất động sản và hiện cũng đang tăng cường cho lĩnh vực nông nghiệp theo chiến lược phát triển thành tập đoàn đa ngành, trong đó các lĩnh vực sẽ bổ trợ cho nhau.

Việc tối ưu chuỗi giá trị từ sản xuất, vận chuyển đến phân phối và bán lẻ cũng chính là một “món bảo hiểm” cho tham vọng sản xuất và xuất khẩu xe du lịch của Trường Hải. Không hề ngẫu nhiên mà trong hai năm trở lại đây, Trường Hải có thể liên tiếp giảm giá đến mức gây sốc cho thị trường đối với các loại xe Kia và nhất là Mazda, từ đó tìm đến một điều kiện cần là đủ dung lượng thị trường, tiến tới đáp ứng điều kiện đủ là tăng tỷ lệ nội địa hóa lên ít nhất 40%. Có điều kiện cần và đủ, việc Trường Hải xuất khẩu ngược ôtô du lịch Mazda ra thị trường Đông Nam Á theo thuế suất 0% rõ ràng là một viễn cảnh không quá xa vời.

Hiện thực hóa tham vọng xuất khẩu ngược, ngay giữa tháng 3/2017, Trường Hải đã tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất ôtô Mazda mới với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, tổng công suất 100.000 xe/năm.

Tham vọng giống nhau nhưng con đường mà Thành Công đi lại có nhiều khác biệt. Trong hàng “ông lớn” của ngành ôtô Việt Nam hiện nay, Thành Công là cái tên non trẻ nhất. Sau khi tập đoàn Hyundai dừng hợp tác với Công ty Cổ phần Hyundai Việt Nam (HMV), năm 2009 tập đoàn Thành Công mới chính thức trở thành đối tác mới của hãng xe Hàn Quốc.

Ngay sau khi ra đời, cũng với thế mạnh doanh nghiệp đa ngành, trong đó có lĩnh vực cơ khí, Thành Công tập trung chia sẻ lợi nhuận giữa các lĩnh vực khác nhau và tiết kiệm chi phí tối đa để dồn lực tăng nhanh thị phần cho Hyundai. Đến nay, sau 8 năm phân phối và một phần tham gia lắp ráp, Hyundai do Thành Công sản xuất và phân phối đã trở thành thương hiệu ôtô du lịch lớn thứ hai tại Việt Nam.

Cuối tháng 3/2017, Thành Công chính thức lập liên doanh với tập đoàn Hyundai Hàn Quốc để tập trung cho mục tiêu sản xuất và xuất khẩu ra thị trường thế giới, gần nhất là thị trường khu vực Đông Nam Á.

Trên thực tế, hiện Thành Công cũng đã và đang lắp ráp hai mẫu xe Hyundai tại nhà máy Ninh Bình, bên cạnh việc nhập khẩu và phân phối 6 mẫu xe khác. Việc lập liên doanh mới với Hyundai như một đòn bẩy giúp Thành Công bật cao hơn trong mục tiêu xuất khẩu.

Theo kế hoạch, sau khi lập liên doanh mới, Hyundai Hàn Quốc sẽ chuyển giao công nghệ với những dây chuyền và máy móc hiện đại nhất cho Thành Công và cùng nhau xây dựng nhà máy mới để xuất khẩu.

Dự kiến sau khi hoàn thiện nhà máy mới, liên doanh Hyundai - Thành Công sẽ bắt tay vào sản xuất thêm hai mẫu xe mới là i10 và Tucson, bên cạnh 2 mẫu xe CKD hiện nay là Elantra và Santa Fe. Trong đó, mẫu xe cỡ nhỏ i10 đang được Hyundai Thành Công nhập khẩu từ Ấn Độ nằm trong nhóm xe bán chạy nhất thị trường.

Một điểm tựa khá vững chắc cho mục tiêu xuất khẩu của Hyundai - Thành Công là hiện nay, tại khu vực Đông Nam Á, Hyundai chỉ có nhà máy với công suất rất nhỏ đặt tại Indonesia và Malaysia. Đáng chú ý, cả hai nhà máy này đều được đầu tư bởi doanh nghiệp nội địa. Trong khi đó, liên doanh Hyundai - Thành Công gần như một ngoại lệ bởi rất hiếm khi tập đoàn ôtô Hàn Quốc thực hiện hình thức liên doanh với các doanh nghiệp tại mỗi thị trường khác nhau.

Tình thế của Trường Hải (Mazda) cũng gần như tương tự với Hyundai - Thành Công khi ở khu vực Đông Nam Á, hãng xe Nhật Bản cũng chỉ có một nhà máy nhỏ đặt tại Thái Lan theo hình thức chuyển giao công nghệ.

Theo Đức Thọ

VnEconomy

Đọc tiếp »

Cần chính sách tín dụng riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 90% tổng số doanh nghiệp nhưng dư nợ lại chỉ chiếm có 27%...

Sáng 5/4, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra dự án luật - Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ hai, có ý kiến cho rằng cần có cơ chế mạnh hơn để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Vì nội dung dự thảo luật còn chung chung, chưa khuyến khích được các tổ chức tín dụng cho vay vốn, khó khả thi trong thực tế.

Theo Uỷ ban Kinh tế, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng quy định trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ có cơ chế, biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa để phù hợp đặc điểm, tình hình của từng thời kỳ.

Quy định khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay doanh nghiệp dựa trên xếp hạng tín nhiệm và các biện pháp phù hợp khác cũng được bổ sung.

Ủy ban Kinh tế giải thích, nội dung này sẽ được hướng dẫn tại nghị định và do Chính phủ quyết định. Trong từng thời kỳ, tùy điều kiện ngân sách, Chính phủ sẽ quyết định các biện pháp, không làm ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ, tài khóa, tín dụng. Một số biện pháp đã thực hiện thời gian qua như tái cấp vốn (giống như gói tín dụng 30.000 tỷ hỗ trợ nhà ở), hỗ trợ cấp bù lãi suất (giống như đang áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp)...

Cơ quan thẩm tra cũng cho biết, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án thực sự đem lại hiệu quả nhưng không có tài sản bảo đảm, đáp ứng đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng thông qua hình thức cho vay tín chấp, ngoài việc tăng cường, củng cố chức năng, nhiệm vụ của quỹ bảo lãnh tín dụng, dự thảo luật còn giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức, cơ quan hữu quan cung cấp cơ sở dữ liệu thông tin về khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa để các tổ chức tín dụng và các tổ chức xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế nêu rõ, trên thực tế doanh nghiệp nhỏ và vừa thường khó tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng vì năng lực quản trị hạn chế, tài sản bảo đảm ít, phương án, dự án kinh doanh, vay vốn xây dựng không bài bản, hệ thống sổ sách tài chính, kế toán thiếu minh bạch, tiềm lực tài chính yếu, dễ bị rủi ro.

Do vậy, dự thảo luật mới nhất đã bổ sung quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng thông qua các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tư vấn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, nâng cao năng lực quản trị, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp.

Khẳng định hiện nay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn ách tắc, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nêu con số khu vực doanh nghiệp này chiếm đến 90% tổng số doanh nghiệp nhưng dư nợ lại chỉ chiếm có 27%.

Ông Vượt cho rằng trong bối cảnh nguồn lực khó khăn, nợ xấu, nợ công cao thì cần có chính sách tín dụng riêng và có bộ phận tín dụng riêng cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong khi tất cả các nguồn lực đều yếu, nếu dự thảo luật không quy định cụ thể thì các tổ chức tín dụng có thể cho vay cũng được, không cho vay cũng được - ông Vượt phát biểu.

Bên cạnh hỗ trợ tín dụng, nhiều hỗ trợ khác với doanh nghiệp cũng được cho là còn chung chung, thiếu cụ thể, khó khả thi.

Dự thảo luật quy định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là trách nhiệm của Nhà nước. Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, Nhà nước có trách nhiệm với cả nền kinh tế, với dân, và sự hỗ trợ với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đảm bảo cơ chế thị trường chứ không phải là không giới hạn.

Nhìn tổng thể dự án luật, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) nhận xét, dự thảo mới nhất đã khả thi hơn. Và điếm sáng của dự án luật chính là quy định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

Phản ánh ý kiến từ các doanh nhân, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Tô Hoài Nam nói, chính sách tại dự thảo luật là nhất quán và quy định về hỗ trợ rất rộng, tác động tích cực đến tất cả các khâu của doanh nghiệp.

Theo nghị trình, kỳ họp thứ ba tới đây Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Nguyễn Lê

VnEconomy

Đọc tiếp »

Luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội: Áp giá sàn vé máy bay là vi phạm Luật Cạnh tranh

Có thể khẳng định, nếu áp giá sàn vé máy bay là vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004.

Bởi, thứ nhất, trong Luật Cạnh tranh đã định nghĩa hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi của doanh nghiệp làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường, bao gồm hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền và tập trung kinh tế…

Việc Jetstar và Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn vé máy bay là một hành vi hạn chế cạnh tranh, hạn chế giá rẻ, không có lợi cho người tiêu dùng. Thứ hai, nếu áp giá sàn vé máy bay thì sẽ làm giảm đáng kể tính cạnh tranh giữa các hãng hàng không, đề xuất này chỉ có tác dụng bảo hộ cho một số hãng hàng không mà đi ngược lại nguyên tắc tôn trọng cạnh tranh bình đẳng trong Luật Cạnh tranh.

Hơn nữa, theo quy định về nguyên tắc quản lý giá trong Luật Giá năm 2012 thì Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Như vậy, trách nhiệm của Nhà nước là đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, giám sát chất lượng chứ không phải là quyết định giá bán của các hãng hàng không. Cạnh tranh chính là đòn bẩy để cải tiến chất lượng, người tiêu dùng sẽ được lợi so với việc áp giá sàn. Do đó, cần phải tôn trọng nguyên tắc cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.

Theo Huệ Linh

An Ninh Thủ Đô

Đọc tiếp »