Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Những câu chuyện bên lề chiến dịch giải cứu thịt lợn

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không cung cấp số liệu chi tiết về lượng thịt lợn cần giải cứu nhưng các thông tin bên lề cho thấy số lượng thịt lợn đang thừa với quy mô thị trường trong nước nhưng lại yếu về chất lượng khi muốn xuất khẩu.

Nghề hoạn lợn cũng theo... phong trào

Sôi động. Tưng bừng. Cuộc giải cứu thịt lợn đã diễn ra như thế được hơn một tuần qua. Bằng những công văn hỏa tốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kêu gọi cả nước tiêu thụ thịt lợn để giúp đỡ nông dân. Cuộc khủng hoảng thịt lợn đã tạo ra một cột mốc mới của khủng hoảng nông sản.

Trước đó một vài năm, phong trào tái đàn đã được nông dân thi nhau thực hiện sau một thời gian dài giá lợn hơi tuột dốc. Làm kinh tế theo kiểu phong trào có lẽ là một đặc tính không chỉ ở nông dân. Thực tế, chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn được nhà nước cấp kinh phí cũng đang có những biểu hiện tương tự.

Hồi tháng 3/2017, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội (LĐTBXH) từng cho biết “có những xã đào tạo tập trung 600 người vào 1 nghề… hoạn lợn”. Sau khi phát hiện được sự việc này, ông Dung đã có ý kiến với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đơn vị phối hợp thực hiện chương trình) đánh giá rằng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên đến 65-70% nhưng chưa thực chất, “gặp gì đào tạo nấy, đánh trống ghi tên”.

Mặc dù vậy, theo Báo cáo kết quả thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2011 – 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), có tới 81% số người sau học nghề có thu nhập khá. Tuy nhiên, bản báo cáo không chỉ rõ việc nông phẩm được tiêu thụ ra sao để mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân.

Con số 81% người có thu nhập khá sau học nghề liệu có nói lên tính bền vững của chương trình? Liệu rằng trong số những cân thịt lợn được giải cứu kia có thành quả lao động của những người nông dân đã tốt nghiệp khóa học “hoạn lợn” như Bộ trưởng LĐTBXH từng thẳng thắn chia sẻ?

Thị trường xuất khẩu: Vì sao tắc?

Liên quan đến chiến dịch giải cứu thịt lợn, có một thông tin rất đáng chú ý. Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thịt lợn Việt Nam không thể xuất khẩu sang thị trường nước ngoài là do chất lượng mặt hàng này.

Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ Hong Kong và Malaysia có ký kết hiệp định về thú ý với Việt Nam, công nhận chất lượng kiểm dịch. Về chính ngạch, sản phẩm của Việt Nam mới chỉ có thể xuất khẩu vào hai thị trường này. Nhưng, họ chỉ nhập khẩu lợn sữa 20-30kg/con, với số lượng rất ít. Lượng xuất khẩu thịt lợn năm 2016 là 200.000 tấn. Đến năm 2017, hai thị trường này kiểm soát chặt hơn do Việt Nam chưa công bố hết một số dịch như tai xanh, nên số lượng giảm nhiều.

Về tiểu ngạch, sản phẩm thịt lợn Việt Nam hiện đang dựa vào thị trường Trung Quốc. Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết bốn tháng đầu năm 2017, nước này đã giảm lượng thịt lợn nhập khẩu từ nước ta xuống dưới 10% so với năm 2016 ngoái. Điều này ảnh hưởng đến tiêu thụ lợn và Bộ NNPTNT đang tiếp tục đàm phán.

Nhưng số lượng lợn tồn đọng do không thể xuất khẩu là bao nhiêu? Thứ trưởng Bộ NNPTNT không cung cấp số liệu chi tiết trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017. Thay vào đó, cam kết cân bằng cung – cầu thị trường thịt lợn trong 2-3 tháng được đại diện Bộ NNPTNT đưa ra cùng với 3 nhóm giải pháp trong trung và dài hạn.

Trước đó, Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo kinh tế quý I, trong đó có thống kê về số lợn trên cả nước. Theo đó, cả nước chỉ có 29 triệu con lợn. Con số này vẫn nằm trong giới hạn 35 triệu con thuộc Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chưa rõ số lượng lợn hiện nay đang thừa hay thiếu. Chỉ biết rằng chúng đang thừa với sức ăn và cũng đang thiếu về chất lượng.

Theo Vương Diệu Quân

Trí thức trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét