Kịch bản tăng trưởng rất cao được đặt ra: Quý II tăng 6,26%; quý III tăng 7,29% và quý IV tăng 7,49%. Chính phủ có giải pháp gì để kịch bản này thành hiện thực?
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017 đã diễn ra ngày 4/5 vừa qua. Bỏ qua một quý đầu năm có mức tăng trưởng không như mong đợi, Chính phủ đã hạ quyết tâm phải khiến con số mục tiêu 6,7% trở thành hiện thực bằng mọi cách.
Từ đó, Chính phủ đã vẽ nên một kịch bản tăng trưởng cho 3 quý cuối năm như sau: Quý II tăng trưởngphấn đấu đạt 6,26%; quý III tăng trưởng 7,29% và quý IV tăng trưởng 7,49%. Kịch bản tăng trưởng rất cao này đã thu hút sự tò mò của báo giới về những giải pháp nổi trội mà Chính phủ sẽ thực hiện để biến kịch bản này thành sự thật.
Theo đó, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã truyển đạt lại tinh thần của Chính phủ về 8 giải pháp trọng tâm đã được bàn thảo trong phiên họp Chính phủ. 8 giải pháp này trải dài ở nhiều vấn đề bao gồm cả kinh tế, xã hội, sắp xếp các đơn vị hành chính, xã hội hóa các đơn vị công lập, quản lý chi tiết kiệm trong thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ giao phó....
Tuy nhiên, trong các giải pháp này, vị Bộ trưởng nhấn mạnh vào 2 cái tên là 'Bộ Công Thương' và 'Bộ Nông Nghiệp' như những phần chính yếu nhất, đóng vai trò chìa khóa của tăng trưởng cao trong 3 quý tới.
Bộ Công Thương được giao nhiều trọng trách để kịch bản tăng trưởng rất cao thành sự thật
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã tiết lộ một loạt các nhiệm vụ mà Chính phủ sẽ giao phó cho Bộ Công Thương trong thời gian tới.
Trước hết, Bộ Công Thương sẽ được giao nhiệm vụ tăng cường khai thác thêm dầu thô (1 triệu tấn dầu). Còn nhớ, quý I sản lượng khai thác dầu thô giảm tới 14% và đây chính là một phần nguyên nhân làm tăng trưởng quý I thấp bởi lẽ theo lời ông Mai Tiến Dũng thì "đây là lĩnh vực rất quan trọng, đảm bảo cho tăng trưởng của cả nền kinh tế".
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng được Chính phủ giao cho phối hợp với các Bộ ngành khác để quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ.
Cụ thể, đó có thể kể đến là phối hợp với các bên khác xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ kém hiệu quả, đẩy thật nhanh tiến độ các công trình trọng điểm thuộc quản lý của Bộ Công Thương để các công trình này đi vào hoạt động sớm, từ đó thúc đẩy tăng trưởng của cả nền kinh tế. Đồng thời, đó cũng là các giải pháp về cung ứng điện, tập trung giúp các thương hiệu phát triển được thị trường trong nước mà Bộ Công Thương cần lưu tâm.
Tiết lộ thêm về 12 dự án kém hiệu quả, Bộ trưởng Dũng tiết lộ quan điểm xử lý 12 dự án này sẽ theo quan điểm xử lý kinh tế thị trường. Hiện, Thủ tướng đã thành lập một tổ công tác do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là tổ trưởng, cùng các cơ quan Bộ, ngành để giải quyết vụ việc các dự án này.
Nhắc lại về nông nghiệp
Trong phần trả lời về các giải pháp của mình, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng nhắc đến vấn đề nông nghiệp.
"Riêng đối với ngành nông nghiệp thì tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng đã rất quan tâm tới vấn đề tạo thị trường cho nông sản, phát triển sản xuất ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp".
Theo ông Dũng, trong thời gian tới, một loạt các chính sách nông nghiệp sẽ được đẩy mạnh hơn để giúp ngành này sớm trở lại với đà tăng trưởng. Theo đó, có thể kể đến là những chính sách về gói tín dụng 100.000 tỷ, các thủ tục đầu tư vào nông nghiệp, chính sách tích tụ ruộng đất hay các chỉ đạo khác nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao
Đồng thời, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ khác đàm phán với các nước, các doanh nghiệp trong khu vực và quốc tế để làm sao tìm ra nhiều đơn hàng xuất khẩu có giá trị cho bà con nông dân.
Vượng Lê
Theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét