Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

300 năm lịch sử các NHTW: Bản vị vàng ra đời như thế nào?

Nhắc đến lịch sử và vai trò của các NHTW không thể không nhắc đến chế độ bản vị vàng.

Nước Anh bắt đầu áp dụng chế độ bản vị vàng vào khoảng thế kỷ 18 khi quy định các tờ giấy bạc do NHTW Anh (BoE) phát hành có thể được quy đổi ra vàng nếu người dân muốn thế.

Như vậy BoE đã cam kết sẽ duy trì giá trị của các tờ tiền giấy. Rộng hơn, BoE đảm bảo sự ổn định của đồng bảng. Một mặt, giá trị thực của các tài sản của chủ nợ (như trái phiếu và các khoản nợ) được giữ nguyên, mặt khác người đi vay cũng sẽ không phải chứng kiến các khoản nợ phình to.

Chế độ bản vị vàng bị tạm ngừng trong các cuộc chiến tranh do các khoản nợ của chính phủ và lạm phát tăng mạnh. Sau đó Nghị viện Anh khôi phục nó vào 1819, mặc dù chỉ bằng cách miễn cưỡng ép buộc nền kinh tế rơi vào thời kỳ giảm phát và suy thoái. Suốt phần còn lại của thế kỷ 19, chế độ bản vị vàng lại được duy trì.

Điều này giúp giá cả ổn định, nhưng hệ quả là BoE phải tăng lãi suất để thu hút dòng vốn từ nước ngoài bất cứ khi nào lượng vàng dự trữ bắt đầu suy giảm. Do đó, gánh nặng điều chỉnh nền kinh tế lại đổ lên vai người lao động thông qua mức lương thấp và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Không ngạc nhiên khi thứ tự ưu tiên của Chính phủ Anh là như vậy khi mà quyền bỏ phiếu chỉ giới hạn trong những ông chủ sở hữu nhiều đất đai.

Thế kỷ 19 cũng chứng kiến sự nổi lên của 1 trách nhiệm khác mà các NHTW phải chịu: quản lý khủng hoảng. Các cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra thường xuyên mà trong đó người cho vay mất niềm tin vào các ngân hàng tư nhân. Kéo theo đó là hoạt động thương mại bị ảnh hưởng vì các thương nhân mất khả năng thanh toán. Trong cơn hoảng loạn năm 1825, nền kinh tế Anh được miêu tả là “chỉ còn 24 giờ nữa sẽ quay về thời hàng đổi hàng”. Sau cuộc khủng hoảng này, BoE được coi là “người cho vay cuối cùng”. Walter Bagehot, biên tập viên của tờ The Economist, đã định nghĩa nhiệm vụ này trong cuốn sách “Lombard Street” (xuất bản năm 1873) như sau: NHTW nên cho các ngân hàng gặp khó khăn vay tiền, đổi lại những ngân hàng này phải cung cấp được tài sản đảm bảo và phải trả lãi cao.

Tuy nhiên ý tưởng này không được chấp nhận rộng rãi. Một cựu Thống đốc của BoE từng gọi đây là “khái niệm ranh ma nhất được đưa vào thế giới tiền tệ hay ngân hàng”. Nhiệm vụ này cũng có khả năng xung đột với các vai trò khác của các NHTW. Mở rộng cho vay trong khủng hoảng cũng đồng nghĩa với mở rộng cung tiền, trong khi NHTW buộc phải giới hạn cung tiền để bảo vệ sự ổn định của đồng nội tệ.

Khi các quốc gia khác theo chân Anh thực hiện công nghiệp hóa trong thế kỷ 19, họ cũng sao chép mô hình NHTW và chế độ bản vị vàng của Anh. Đó cũng là điều mà nước Đức đã làm sau khi thống nhất năm 1871.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Alexander Hamilton, Bộ trưởng Tài chính Mỹ đầu tiên, rất ngưỡng mộ hệ thống tài chính của nước Anh và muốn áp dụng trên quê nhà. Tuy nhiên NHTW lại chính là một trong những chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử 50 năm đầu tiên của nước Mỹ. NHTW mà Hamilton xây dựng theo mô hình BoE tồn tại được 20 năm, cho tới khi giấy phép hoạt động hết hạn năm 1811. Ngân hàng thứ 2 ra đời vào năm 1816, nhưng cũng vấp phải nhiều sự phản đối. Andrew Jackson, một vị Tổng thống đi theo chủ nghĩa dân túy, phản đối tái tục giấy phép cho nó vào năm 1836.

Đến năm 1907, cuối cùng thì Mỹ cũng chấp nhận mở ra 1 NHTW sau khi trải qua khủng hoảng tài chính năm 1907. John Pierpont Morgan – nhân vật lỗi lạc trong lịch sử ngành tài chính ngân hàng thế giới – đã giải quyết cuộc khủng hoảng. Và người Mỹ cũng nhận ra rằng sẽ là hợp lý nếu tạo ra “người cho vay cuối cùng” không phụ thuộc vào 1 người cụ thể nào cả. 1 NHTW được Quốc hội thông qua sẽ đảm bảo xóa đi nỗi lo ngại xưa nay về chuyện “quyền lực nảy sinh từ tiền bạc”. Fed có cấu trúc đặc biệt, khiến nó khó lòng bị thao túng: gồm các ngân hàng khu vực thuộc sở hữu của tư nhân và 1 ngân hàng trung ương có các lãnh đạo được bổ nhiệm bằng hệ thống chính trị.

Năm 1913, Fed chính thức ra đời. Nhưng trớ trêu thay đó cũng là thời điểm cấu trúc thị trường tài chính toàn cầu bị chao đảo bởi chiến tranh thế giới thứ nhất. Trước năm 1914, các NHTW hợp tác với nhau để giữ cho tỷ giá ổn định. Nhưng chiến tranh khiến NHTW phải đặt lợi ích của đất nước lên trước bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào. Không quốc gia nào sẵn lòng nhìn cảnh những thỏi vàng trong ngân khố quốc gia bị chuyển đến két sắt của kẻ thù. BoE ngừng đổi tiền ra vàng. Ở hầu hết các nước, chiến tranh được tài trợ bằng tiền đi vay mượn, khiến các NHTW phải trở lại vai trò mà nó đã đảm nhiệm từ những ngày đầu: tài trợ cho các chính phủ. Theo sau đó là mở rộng cung tiền và tất nhiên là lạm phát tăng cao.

Chiến tranh thế giới thứ nhất chính là đòn đánh đầu tiên mà chế độ bản vị vàng phải hứng chịu, báo hiệu cho sự sụp đổ của 1 hệ thống mà người ta từng tôn thờ.

(Còn tiếp)

Theo Thu Hương

Trí thức trẻ/The Economist

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét