Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Làm sao để xóa bỏ nghịch lý giá lợn hơi giảm sâu, nhưng người tiêu dùng vẫn phải gánh giá cao?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định sẽ không để xảy ra tình trạng giá lợn hơi giảm sâu mà người tiêu dùng vẫn phải “gánh” giá cao nữa.

Phát biểu tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017 diễn ra chiều ngày 4/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đang xảy ra một nghịch lý là người sản xuất, chăn nuôi lợn chịu thiệt hại vì giá thịt lợn hơi giảm sâu còn trên thị trường, người tiêu dùng có nơi vẫn phải mua với giá 100 nghìn đồng/kg.

Cụ thể, tại siêu thị, chợ, giá bán thường là 80.000-90.000 đồng/kg, thậm chí có nơi bán 100.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá heo hơi xuống rất thấp, có lúc chỉ 50% mức giá hòa vốn (giá hòa vốn là 34.000-35.000 đồng/kg hơi).

"Đó là nghịch lý. Tinh thần của Thủ trướng là không để xảy ra tình trạng tương tự, yêu cầu các bộ ngành làm rõ vấn đề này", ông bày tỏ.

Trước thực tế nói trên, ông Dũng cho biết, tại cuộc họp vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải tìm hiểu nguyên nhân và tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, cụ thể là những người chăn nuôi lợn. Theo đó, cần phải đặt vấn đề đẩy mạnh tiêu thụ và kiểm soát chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho người nông dân.

Chính phủ cũng đã thảo luận về việc giải quyết khâu yếu là giá cả nông sản nói chung. Lâu dài cần có những giải pháp để hạ giá thành sản phẩm, tăng cường chế biến sâu và điều chỉnh quy mô sản xuất để phù hợp với dung lượng thị trường.

3 giải pháp của Bộ Nông Nghiệp

Trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn của ngành chăn nuôi, kể cả khuyến khích lực lượng vũ trang mua thịt heo của dân.

Hiện tại, còn khoảng 300.000-400.000 tấn heo đủ tiêu chuẩn xuất chuồng.

"Chúng tôi cố gắng giải quyết để đưa cân bằng cung cầu trong 2-3 tháng nữa", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho biết.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cũng đưa ra 3 giải pháp lâu dài là giải quyết tốt quan hệ cung cầu, không để dư; rà soát đảm bảo tổng đàn và quy mô đàn có cơ cấu hợp lý, trước mắt kiểm soát heo nái, nâng an toàn thực phẩm; tổ chức liên kết chuỗi.

Bộ cũng sẽ đề xuất Chính phủ thay đổi một số cơ chế, chính sách, nhưng quan điểm chung không hỗ trợ trực tiếp, mà qua liên kết chuỗi và theo tín hiệu thị trường.

Những thông tin về heo nhập khẩu: không ảnh hưởng hàng trong nước

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã cung cấp thêm thông tin về vấn đề liệu có việc nhập khẩu thịt, các mặt hàng liên quan đến thịt heo làm ảnh hưởng đến thị trường trong nước.

Thứ trưởng Hải cho biết năm 2016, Việt Nam nhập 39,4 nghìn tấn thịt heo và các sản phẩm liên quan đến thịt heo nhập từ Australia, EU, Mỹ, Canada. Giá trị nhập khẩu đạt 44 triệu USD, chỉ chiếm 0,1% sản lượng tiêu thụ trong nước.

Ông Đỗ Thắng Hải khẳng định số lượng nhập khẩu không ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Giá thịt nhập khẩu cũng đắt hơn nhiều so với thị trường trong nước. Giá bán ở Vinmart là 120.000-130.000 đồng/kg.

Năm 2016, Việt Nam chỉ nhập 20 triệu USD với thịt heo tạm nhập tái xuất. Ban chỉ đạo 389 rất quan tâm và giám sát ngăn việc thông qua tạm nhập tái xuất để đưa vào thị trường Việt Nam tiêu thụ.

Bộ Công Thương cũng sẵn sàng tạm dừng việc tạm nhập tái xuất với mặt hàng liên quan đến thịt heo trước mắt, nếu Chính phủ có chủ trương. Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng giải thích lý do về việc thịt heo Việt Nam không xuất đi được các nước trên thế giới, do chất lượng.

"Tại châu Á, chỉ Hong Kong và Malaysia đã ký hiệp định thú y với Việt Nam. Chỉ xuất heo sữa 20-30 kg/con, số lượng ít. Xuất khẩu chủ yếu là tiểu ngạch. Năm 2016 chúng ta đã xuất 200.000 tấn thịt heo. Đến năm 2017, họ kiểm soát chặt do chúng ta chưa công bố hết một số dịch như tai xanh, nên số lượng giảm nhiều", ông Hải cho biết.

Về các chính sách tín dụng hỗ trợ người chăn nuôi, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay dư nợ hiện tại cho toàn ngành chăn nuôi là gần 30.000 tỷ đồng, trong đó 57% là dài hạn. Số lượng nông dân và doanh nghiệp là hơn 506.000 khách hàng. Trong đó chủ yếu là cá nhân, gia đình chiếm 90% dư nợ. 10% còn lại là doanh nghiệp, hợp tác xã, mô hình liên kết.

Ông cũng nhận định dư nợ như vậy là rất lớn trong tỷ trọng các ngành. Giá bán giảm thấp, nhiều người nuôi heo không tiêu thụ được, chậm trả nợ khiến cho nợ xuất bắt đầu xuất hiện với con số khoảng 311 tỷ đồng, chiếm 1,12% tổng dư nợ.

Vũ Hán

Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét