Nhiều chính sách, quy định mới về kinh tế - xã hội có hiệu lực từ tháng 5/2017...
Phạt cả người phát tờ rơi và người quảng cáo, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, điều kiện trái phiếu chính phủ được mua lại trước ngày đáo hạn…là những chính sách, quy định mới có hiệu lực từ tháng 5/2017.
Phát tờ rơi phạt đến 500.000 đồng
Nghị định 28/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/5 quy định: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.
Chính phủ cũng quyết định phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.
Xả thải sai quy định phạt đến 120 triệu đồng
Theo Nghị định 33/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/5/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, mức tăng mức phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng lên mức phạt từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
- Xả nước thải vào nguồn nước không đúng vị trí, tọa độ quy định trong giấy phép.
- Xả nước thải vào nguồn nước không đúng chế độ, phương thức quy định trong giấy phép.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định tăng mức phạt với một số vi phạm trong bảo vệ nguồn nước như phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi quản lý, vận hành công trình gây thất thoát, lãng phí nước (mức phạt hiện hành là 6 -10 triệu đồng).
Ngoài ra, theo Nghị định 41/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng; phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, có hiệu lực từ 20/5 quy định: phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với chủ vật nuôi nếu không chấp hành việc tiêm phòng vaccine dại cho chó nuôi; Sử dụng thuốc thú y không có trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép để phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật...
Nộp phí sử dụng đường bộ không cần dừng xe
Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5 quy định: phương tiện giao thông đường bộ thuộc đối tượng chịu giá dịch vụ sử dụng đường bộ phải được gắn thẻ đầu cuối.
Việc gắn thẻ đầu cuối phải được thực hiện tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu giá ủy quyền. Chủ phương tiện không phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho lần lắp đặt đầu tiên; khi thẻ bị mất, hỏng, chủ phương tiện được gắn thẻ đầu cuối mới và phải trả chi phí cho nhà cung cấp dịch vụ.
Điều kiện trái phiếu chính phủ được mua lại trước ngày đáo hạn
Theo Thông tư 22/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc mua lại trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước, có hiệu lực từ ngày 1/5 quy định: mua lại trái phiếu Chính phủ là việc Kho bạc Nhà nước mua lại trái phiếu trước ngày trái phiếu đáo hạn. Trái phiếu được mua lại phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: Là loại trái phiếu do Kho bạc Nhà nước phát hành và chưa đến ngày đáo hạn; Không bị ràng buộc trong các quan hệ về giao dịch đảm bảo kể từ thời điểm đăng ký bán lại trái phiếu của chủ sở hữu trái phiếu.
Ngoài ra, Thông tư 22 còn quy định mức lãi suất mua lại trái phiếu Chính phủ, trong đó nêu rõ Bộ Tài chính quy định khung lãi suất tối thiểu mua lại trái phiếu cho từng thời kỳ hoặc cho từng đợt mua lại trái phiếu.
Căn cứ vào khung lãi suất tối thiểu tại quy định trên, Kho bạc Nhà nước lựa chọn và quyết định lãi suất mua lại đối với từng đợt mua lại trái phiếu.
Sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi phạt 100 triệu đồng
Đây là quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 41/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Theo đó, từ ngày 20/5/2017, Nghị định này quy định mức xử phạt đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thì sẽ bị phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng. Cụ thể phạt tiền từ 70 đến 100 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất, gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi; đồng thời đình chỉ hoạt động từ 6 đến 12 tháng (mức hiện tại từ 1 đến 3 tháng).
Đồng thời, phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh, thu gom, lưu giữ, giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Theo Bảo Quyên
VnEconomy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét