Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

'Xin đừng để kinh tế Việt Nam chỉ biết phụ thuộc vào Samsung'

Đây chính là thông điệp mà Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh khi nhắc về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và những tháng đầu năm 2017.

Câu chuyện về tăng trưởng kinh tế đang nóng lên, nhất là khi ngay khi kết thúc ngày khai mạc vừa qua của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV, Thủ tướng đã họp lại các vị tư lệnh ngành và ra quyết tâm phải thực hiện bằng được mục tiêu 6,7%, bất chấp mọi khó khăn phía trước.

Sở dĩ dư luận và các chuyên gia quan tâm đến câu chuyện về tăng trưởng kinh tế nhiều như hiện tại, nếu như quý I năm nay, mức tăng trưởng không đạt mức 5,1%, con số thấp nhất trong 3 năm, dấy lên nhiều nghi ngại về sức bật của nền kinh tế.

Phiên thảo luận tại tổ ở đoàn Thành phố Hồ Chí Minh (TpHCM) diễn ra trong ngày thứ 4 của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV nhắc đến mức tăng trưởng thấp nêu trên như một biểu hiện của vấn đề cố hữu mà kinh tế Việt Nam đang gặp phải.

"Đừng để kinh tế Việt Nam chỉ phụ thuộc vào Samsung" - Đây chính là thông điệp mà Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh khi nhắc về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và những tháng đầu năm 2017.

Vị này giải thích lý do việc GDP của quý I/2017 chỉ đạt con số 5,1% là mức thấp nhất trong 3 năm thì bên cạnh những lý do chủ quan như tăng trưởng công nghiệp thấp, nông nghiệp kém hiệu quả thì còn một phần lớn lý do khách quan là nhập siêu. Việc này bắt nguồn từ một vụ việc chúng ta không kiểm soát được là tập đoàn Samsung thu hồi sản phẩm Galaxy Note 7 bị lỗi.

Tuy là lý do khách quan, tuy nhiên nó minh chứng cho việc kinh tế Việt Nam vẫn chưa thể tự đứng vững mà không phụ thuộc. “Đây là một cảnh báo về việc nền kinh tế của Việt Nam dựa vào các tập đoàn lớn của nước ngoài. Khi họ có rủi ro là lập tức có tác động đến GDP, đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam” - Đại biểu Ngân phân tích.

Để khắc phục vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh quan điểm cần nâng cao độc lập tự chủ trong kinh tế, trong đó có vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân.

Theo ĐB Ngân, bối cảnh hiện tại đang có nhiều thuận lợi cho kinh tế tư nhân, như Nghị quyết T.Ư 5 đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế, Chính phủ có Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp...

Hiệu quả có thể chưa nhìn thấy trên diện rộng nhưng riêng tại TpHCM thì theo đại biểu Ngân chia sẻ, kinh tế thành phố đã tăng trưởng tới 7,46% trong quý I/2017, cao hơn mức cùng kỳ năm 2016. Đáng chú ý, mức tăng trưởng khả quan trong đó có đóng góp chủ lực của chính thành phần kinh tế tư nhân.

“Điều đó cho thấy nếu kinh tế tư nhân nếu được đầu tư đúng mức, được hỗ trợ sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng” - Đại biểu Ngân khẳng định.

Phan Lệ

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Tiếng nói chung của các đại biểu Quốc hội: Không dùng ngân sách xử lý nợ xấu

Các đại biểu cho rằng việc xử lý nợ xấu phải nhìn tận gốc vấn đề là xử lý vướng mắc của cả nền kinh tế chứ không riêng gì ngân hàng, song không được dùng ngân sách để xử lý nợ xấu.

Tại buổi thảo luận tại tổ chiều nay (26/5), đa số các đại biểu Quốc hội đều ủng hộ việc ban hành một Nghị quyết xử lý nợ xấu ở thời điểm hiện nay là rất cần thiết, thậm chí có ý kiến còn đánh giá là quá chậm so với nhu cầu thực tiễn. Và đáng chú ý, hầu hết các đại biểu cùng nêu quan điểm không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu.

Cụ thể, đại biểu Ngô Minh Châu, đoàn TP. Hồ Chí Minh đề xuất việc xử lý nợ xấu chỉ áp dụng trong một thời gian nhất định, đó là với khoản nợ từ năm 2016 trở về trước trong khoảng 5 năm và Nghị định cũng sẽ có hiệu lực trong khoảng 5 năm. Đối tượng áp dụng đề nghị quy định phù hợp với phạm vi áp dụng, tức là không mở rộng với toàn bộ các TCTD.

Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, đề nghị bổ sung nguyên tắc không xử lý nợ xấu bằng ngân sách và bổ sung nguyên tắc xử lý nghiêm trách nhiệm người/tổ chức gây ra nợ xấu.

Nhất trí việc ban hành Nghị quyết để xử lý nợ xấu nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh ý kiến không dùng ngân sách xử lý nợ xấu và cho rằng đây là nguyên tắc trụ cột để xử lý nợ xấu. Đại biểu cũng đồng ý với Ủy ban kinh tế Quốc hội rằng không miễn phí và lệ phí trong việc chuyển nhượng các tài sản, vì phí và lệ phí chính là ngân sách của Quốc gia.

Đồng tình với các quan điểm trên, Đại biểu Mai Hồng Hải, đoàn Hải Phòng đề nghị không dùng ngân sách xử lý nợ xấu và phải quy trách nhiệm cá nhân/tổ chức gây ra nợ xấu. Hai nguyên tắc này, theo đại biểu, trong dự thảo chưa được thể hiện rõ.

Đại biểu cũng băn khoăn về điều 15 liên quan đến thuế và phí, đại biểu thống nhất với Ủy ban kinh tế rằng không miễn phí, thuế liên quan nợ xấu, vì như thế vô hình chúng ta đưa nguyên tắc không sử dụng tiền ngân sách xử lý nợ xấu mà lại miễn phí thuế thì mâu thuẫn nhau vì phí và thuế đều là ngân sách.

Còn theo ý kiến của đại biểu Đinh Văn Nhã đoàn đại biểu Phú Yên, thông lệ của một số quốc gia có bội thu ngân sách, họ dùng ngân sách để giải quyết nợ xấu nhằm ổn định hệ thống kinh tế và ổn định hệ thống ngân hàng.

Ở Việt Nam nếu như dùng cơ chế để xử lý nợ xấu sẽ dẫn đến phải trả giá vì trái với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên chúng ta khi không thể dùng ngân sách thì nên dùng đến cơ chế. Trong dự thảo nghị định có nhiều quy định trái với quy định hiện hành, nhưng chúng ta phải chấp nhận trong một giai đoạn là 5 năm để xử lý cho xong. Đây là bài toán thực tế phải xử lý để đạt được mục tiêu cuối cùng.

Theo Mai Ngọc

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Chủ tịch Vietinbank: Nợ xấu khó bán vì ít người mua, chủ yếu vẫn là đi thu nợ

Thực trạng bất cập về việc xử lý nợ xấu được vị Chủ tịch Vietinbank nhắc đến trong ngày thứ 5 của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.

Một vấn đề được coi là 'điểm nghẽn' với nền kinh tế Việt Nam mấy năm gần đây chính là khối nợ xấu trị giá tới hàng trăm nghìn tỷ vẫn chưa được xử lý.

Nói là 'điểm nghẽn' là bởi, hàng trăm nghìn tỷ nợ xấu này đang chặn giữa dòng vốn chảy trong nền kinh tế. Trong ngày làm việc thứ 5 của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV, vấn đề này cũng đã được mang ra bàn thảo.

Trong đó, đáng chú ý có ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch của Vietinbank là ông Nguyễn Văn Thắng. Qua lời vị này, thực trạng có phần bất cập của việc xử lý nợ xấu trong nền kinh tế được thể hiện, ngay cả khi Chính phủ đã cho công ty quản lý tài sản VAMC đi vào hoạt động được gần 4 năm.

"Hiện nay thực trạng nợ xấu theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì tính phần nợ xấu và phần nợ bán cho VAMC thì là 5,8%, cộng với nợ tiềm ẩn nữa thì đâu đó là trên 10% tổng dư nợ cho vay.

Trong thống kê này, chúng ta chưa tính đến một số rất lớn các khoản nợ xấu mà các Ngân hàng đã dùng tài chính, dùng lợi nhuận tạo ra để xử lý và đưa ra ngoại bảng. Con số này cũng rất lớn" - ông Thắng nói.

Như vậy, tuy rằng cả hệ thống ngân hàng đã rất tích cực xử lý nợ suốt từ thởi điểm 2011 đến giờ nhưng tỷ lệ nợ xấu hãy còn khá cao. Năm 2013, Chính phủ đã cho thành lập Công ty quản lý tài sản VAMC để xử lý nợ xấu nhưng có vẻ như hiệu quả vẫn chưa được như kỳ vọng.

Nguyên nhân sâu xa được ông Thắng chỉ ra là do chúng ta đã quên mất một nguyên tắc cơ bản là nếu coi nợ xấu là một loại hàng hóa thì nó cần một thị trường và trong thị trường thì phải có người mua, người bán và hàng hóa.

Vấn đề về 'thiếu hàng hóa' trên thị trường mua bán nợ nêu trên được vị Chủ tịch Vietinbank chỉ rõ:

"Hiện nay, chúng ta có thị trường nhưng thứ nhất là hàng hóa thì rất nghèo nàn. Những hàng hóa mà người mua quan tâm, ví dụ những khoản nợ gắn với bất động sản, nợ gắn với quyền sử dụng đất thì chưa giao dịch được, bởi vì người mua nếu mua lại nợ cũng không được thừa hưởng quyền nhận những tài sản gắn với nợ xấu, cũng như không có quyền xử lý những tài sản đó. Suốt thời gian vừa qua, chúng ta chỉ bán được những khoản nợ gắn với động sản mà thôi".

Một vấn đề nữa được ông Thắng chỉ ra là thị trường đang rất thiếu người mua. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì chỉ những tổ chức, cá nhân được cấp chức năng kinh doanh, mua bán nợ thì mới được tham gia mua bán nợ.

Vì thế, trên thị trường hiện chỉ có 2 đơn vị tham gia mua bán các khoản nợ xấu là Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam DATC - đơn vị tích cực nhất trên thị trường trong thời gian qua và VAMC. Đặc biệt, VAMC vẫn chưa đủ nguồn lực và cơ chế để mua nợ theo thị trường, hiện chủ yếu mới chỉ mua theo chỉ định, tạm thời nhận nợ xấu của các Ngân hàng thương mại.

Số người mua nợ trên thị trường còn một vài các tổ chức nhỏ lẻ. Tuy nhiên, nói chung, nguồn lực tổng cộng vẫn còn rất nhỏ lẻ để ôm trọn khối nợ xấu trong nền kinh tế.

"Do vậy, tình trạng trên thị trường là rất khó bán, không tìm được người mua, ít người mua. Thứ hai là thương lượng cũng rất khó vì nhiều khi bên Ngân hàng không thể đàm phán được giá vì DATC tự thiết lập giá theo kiểu 'anh bán thì bán mà không bán thì thôi'" - ông Thắng bộc bạch.

Vì thế, suốt thời gian qua, thực tế việc xử lý nợ xấu chủ yếu vẫn là do các Ngân hàng thương mại tự xử lý. Con số trên 50.000 tỷ hiện xử lý được vẫn được thực hiện bằng một chu trình rất cũ là đôn đốc, động viên khách hàng trả nợ, xử lý các tài sản đảm bảo theo cách cũ là khởi kiện ra tòa.Nói cách khác, suốt 4 năm ra đời của VAMC, về cơ bản việc xử lý nợ xấu vẫn là 'bình cũ rượu mới'.

"Số 50.000 tỷ nợ xấu xử lý được là rất nhỏ, chúng ta đã hầu như không bán được mấy nợ xấu, chủ yếu là đi thu nợ. Thực tế cũng chỉ có các tổ chức tín dụng làm việc này chứ VAMC không hề tham gia" - Đại biểu Nguyễn Văn Thắng nói.

Điều đáng lo ngại hơn, theo chia sẻ của ông Thắng là kể từ thời điểm năm 2011, khi mà hệ thống tài chính quyết định xử lý khối nợ xấu giữa lúc chất lượng hoạt động của các ngân hàng lên mức báo động đến nay, số nợ xấu vẫn được tiếp tục phát sinh.

Vì tất cả những lý do trên, một Nghị quyết mới được thông qua về việc xử lý nợ xấu sẽ là cần thiết, giúp cho tình trạng xử lý khối nợ trong nền kinh tế được triệt để một cách thực sự.

Vũ Minh

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

“Trước mục tiêu 35 tỷ USD, cần có bộ chuyên về du lịch”

Ngành du lịch cần làm gì để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu mà Bộ Chính trị đã nêu?...

Phát biểu tại cuộc tọa đàm: “Tạo đột phá để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 25/5, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nguyễn Quang Lân nêu quan điểm, việc dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) gắn trách nhiệm quản lý Nhà nước về du lịch vào Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch là có nhiều bất cập.

“Lào, Campuchia còn có mấy văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài, trong khi Việt Nam còn chưa có”, ông Lân nói và khẳng định mọi sự phát triển đều phải bắt nguồn từ cơ chế, phải tạo nguồn lực, “cởi trói” thì du lịch mới phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu mà Bộ Chính trị đã nêu.

“Cần có một bộ máy quản lý theo ngành dọc đủ mạnh để phát triển ngành du lịch. Do đó, tôi nghĩ cần củng cố quyền hạn, nhiệm vụ, đặc biệt đẩy mạnh vai trò của ban chỉ đạo quốc gia về du lịch, hiệp hội du lịch hay bất động sản”, bà Hương Trần Kiểu Dung, Phó chủ tịch FLC - tập đoàn đang đầu tư lớn vào bất động sản du lịch - nêu ý kiến.

Ông Ngô Tiến Đức, đại điện của CEO Group nhận xét, du lịch Việt Nam đang phát triển mạnh và được định hướng thành một ngành kinh tế mũi nhọn với mục tiêu đạt doanh thu 35 tỷ USD vào năm 2020, song còn nhiều vấn đề cần được giải quyết như môi trường đầu tư, ứng xử của người dân về khai thác dịch vụ du lịch, đào tạo kỹ năng làm du lịch... Mặt khác, việc quảng cáo hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài vẫn chưa được đầu tư xứng tầm.

Theo ông, chính những vấn đề đó, đã đặt ra nhu cầu cần phải có tư duy phát triển du lịch như một ngành kinh tế, phải có sự quản lý mang tính quốc gia, tức là cần có một bộ chuyên về du lịch.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng cần xác định quyền và trách nhiệm của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch. Theo ông, Bộ hiện đã quá tải với nhiều lĩnh vực quản lý. Việc đặt một ngành kinh tế dưới sự điều hành của cơ quan văn hoá “khiến nhiều anh em thấy khó khăn và mong muốn được rõ ràng”.

Hơn nữa, việc phân cấp quản lý rất rắc rối, theo ông Doanh, một số tỉnh có sở du lịch, một số thì không.

“Không cần thiết về quản lý Nhà nước du lịch phải là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch. Du lịch là ngành kinh tế, làm kinh tế độc lập, phải có tư duy kinh tế mới làm được du lịch đột phá như mục tiêu”, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist nói.

Việc tách du lịch thành một bộ riêng có thể sẽ làm tăng biên chế. Song ông Kế cho rằng, đất nước muốn tăng doanh thu du lịch lên gấp đôi thì phải chịu đầu tư, có chi mới có thu.

Theo Bạch Dương

Vneconomy

Đọc tiếp »

Trung Quốc đồng ý mở cửa thị trường cho lợn Việt Nam

Theo chia sẻ của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, về chủ trương, nước này đồng ý mở cửa thị trường cho lợn Việt Nam. Tuy nhiên...

Vừa qua, tại TP Hàng Châu (Trung Quốc), đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu đã có buổi tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc bàn về việc xuất khẩu chính ngạch lợn Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, về chủ trương, nước này đồng ý mở cửa thị trường cho lợn Việt Nam. Tuy nhiên, do năm 2012 tại Việt Nam xảy ra dịch lở mồm long móng nên phía Trung Quốc đã tạm thời cấm nhập khẩu lợn sống từ Việt Nam từ đó đến giờ.

Nay, phía Trung Quốc yêu cầu các cơ quan chuyên môn ở Việt Nam (Cục Thú y - Bộ NN-PTNT) sớm rà soát và xử lí các vấn đề kỹ thuật liên quan tới quản lí, kiểm soát dịch bệnh để phía Trung Quốc có căn cứ tiến hành dỡ bỏ lệnh cấm. Sau đó, hai bên sẽ từng bước có những buổi tiếp xúc, đàm phán cụ thể hơn để tiến tới ký kết xuất nhập khẩu chính ngạch thịt lợn Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong năm 2017 này.

Theo Đăng Quân

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Chủ tịch Vietinbank nói về cử người sang Oceanbank: Anh em rất tâm tư, bản thân thiệt thòi, lương, cơ chế bị cắt hết!

"Khi được phân công sang, anh em rất tâm tư. Ví dụ Vietinbank đưa sang Ocean bank gần 100 người, bên GP bank cũng khoảng 60-70 người và phải đưa những cán bộ rất tốt sang", Chủ tịch Vietinbank Nguyễn Văn Thắng chia sẻ về một trong những khó khăn khi được giao tham gia tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng.

Anh em rất tâm tư!

Đây là nội dung được chủ tịch ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) góp ý nhiều nhất trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật của Luật các tổ chức tín dụng được thảo luận ở tổ chiều ngày 26/5 vừa qua.

Tâm tư của các cán bộ được cử sang tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém là một vấn đề liên quan đến vận hành các ngân hàng yếu kém được ông Thắng nêu ra.

"Thực tế tôi đồng ý với đề nghị của Chính phủ là miễn trách nhiệm nhưng không phải là tất cả. Bởi các tổ chức tín dụng này rất khó khăn nên việc đưa các tổ chức này thoát ra khó khăn không chỉ là trách nhiệm của những người này. Và thực sự là quá khó. Khi được phân công sang, anh em rất tâm tư. Ví dụ Vietinbank đưa sang Ocean bank gần 100 người, bên GP bank cũng khoảng 60-70 người và phải đưa những cán bộ rất tốt sang.

Tuy nhiên khi sang các ngân hàng này vì là ngân hàng 0 đồng thuộc ngân hàng nhà nước và các quy định trả lương thuộc ngân hàng nhà nước. Và những ngân hàng này lại thuộc diện kiểm soát đặc biệt nên tất cả lương, cơ chế bị cắt hết. Các anh em bản thân đã thiệt thòi nhưng còn tâm tư đây là trách nhiệm của nhà nước, đến khi sang vận hành có thoát được ra hay không lại là cả vấn đề", chủ tịch Vietinbank giãi bày.

Trong dự thảo luật, điều mà ông Thắng đề cập đến được nêu trong điều 147: Miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt Cán bộ, công chức, thành viên Ban kiểm soát đặc biệt, người của tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không phải chịu trách nhiệm khi phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không đạt kết quả không phải do nguyên nhân chủ quan, trừ trường hợp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên ông Thắng cho rằng cần làm rõ hơn miễn trừ trong trường hợp nào, trường hợp nào phải chịu trách nhiệm. "Chúng ta không loại trừ chuyện khi sang với chức trách nhiệm vụ mà anh vận hành sai, cố tình làm sai, vi phạm pháp luật thì đây lại thuộc vấn đề trách nhiệm. Ở đây chỉ có miễn trừ trách nhiệm đối với việc có vực dậy, có đưa được ngân hàng này ra khỏi tình trạng khó khăn hay không", đại biểu quốc hội này góp ý.

Thực tế vấn đề trong nguồn nhân lực tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém đã được Chính phủ chỉ ra trong hồ sơ dự án luật được Chính phủ gửi tới Quốc hội. Theo Chính phủ, việc khuôn khổ pháp lý xử lý tổ chức tín dụng yếu kém chưa hoàn thiện đã gây khó khăn và rủi ro pháp lý cho Ngân hàng Nhà nước nói chung cũng như các cán bộ xử lý trực tiếp nói riêng (bao gồm cán bộ tham mưu của Ngân hàng Nhà nước, các nhân sự của tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia quản trị, điều hành các ngân hàng mua bắt buộc) khi nghiên cứu, tìm các biện pháp xử lý tồn tại, vướng mắc của các ngân hàng này.

Và trên thực tế có không ít cán bộ xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, bao gồm cả việc tham gia Ban kiểm soát đặc biệt, do pháp luật không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ này trước các rủi ro pháp lý. Qua đó, tác động lớn đến nguồn nhân lực xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.

Còn nhiều vấn đề mới

Theo ông Thắng, thời gian qua Vietinbank được Chính phủ giao nhiệm vụ tham gia tái cơ cấu hai tổ chức tín dụng được ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng là Ocean bank và GP bank. Thực tế chỉ khi thực hiện mua lại 2 ngân hàng 0 đồng này mới nảy sinh ra các vấn đề mà Luật các tổ chức tín dụng và Luật ngân hàng nhà nước và các luật khác không có. Hiện nay trong các nội dung sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng hoàn toàn mới.

"Ngay cả khi mua 0 đồng thôi dư luận hiện nay vẫn có ý kiến là việc mua như vậy đã phù hợp với quy định của pháp luật chưa. Nhưng ở tình thế nếu chúng ta không thực hiện việc mua 0 đồng ở thời điểm đó thì rất nguy hiểm bởi thực tế 2 ngân hàng này đã mất khả năng thanh toán. Và nếu chúng ta không xử lý, ngân hàng nhà nước không tham gia thì mất khả năng thanh toán cho người gửi tiền.

Theo thống kê của chúng tôi tại thời điểm này riêng Ocean bank trên 5000 người dân gửi tiền và đa phần là cán bộ hưu trí, nghỉ hưu. Rõ ràng đây là vấn đề rất lớn. Hay như GP bank còn lớn hơn", đại biểu quốc hội này phân tích về sự cấp thiết.

Điều ông Thắng đề cập đến chính là hình thức xử lý với các tổ chức tín dụng yếu kém bao gồm sáp nhập, hợp nhất, buộc phải bán, buộc phải chuyển nhượng cổ phẩn,…Thẩm quyền của các bên liên quan từ Chính phủ đến Ngân hàng nhà nước cho đến quyết định các hình thức xử lý. Điều này từ trước đến nay chưa có.

"Hiện nay chúng ta làm là đang đi trước. Thị trường không nói trước điều gì. Tôi cho rằng sẽ vẫn tiếp tục có những ngân hàng gặp khó khăn và chúng ta phải có hình thức xử lý. Vậy việc ban hành hình thức xử lý, thẩm quyền của các cơ quan cũng rất quan trọng", ông Thắng nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa là mối quan hệ giữa các ngân hàng được chỉ định hỗ trợ và các ngân hàng yếu kém. Lấy ví dụ ngay chính từ Vietinbank, vừa qua quá trình tham gia thực hiện tái cơ cấu của ngân hàng có vấn đề đặt ra là khi ngân hàng nhà nước giao cho Vietinbank tham gia chỉ có mỗi một văn bản đề nghị. Nhưng văn bản này nói về giá trị pháp lý rất thấp. Và đây là 2 pháp nhân hoàn toàn bình thường và khi Vietinbank tham gia hỗ trợ về công nghệ thông tin, cơ sở vật chất,… đều phải làm hợp động cho mượn, cho sử dụng, không ghi nhận vì đây vẫn là hai pháp nhân độc lập.

"Đây là những vấn đề hoàn toàn mới, chúng ta còn 1 kỳ họp nữa để thảo luận nhưng tôi cho rằng ban soạn thảo sẽ làm việc kỹ càng bởi phạm vi điều chỉnh chỉ ở trong 1 số điều khoản. Các vấn đề này gắn rất chặt với nghị quyết xử lý nợ xấu mà chúng ta đang thảo luận", ông Thắng kết luận.

Kim Thủy

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cần cảnh giác với “bong bóng” bất động sản

Phó Thủ tướng chỉ đạo, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, phải tập trung hơn nữa không để xảy ra khủng hoảng trên thị trường bất động sản.

Chủ trì Hội nghị sơ kết việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã cảnh báo một vấn đề đáng chú ý của thị trường bất động sản.

Phó Thủ tướng nêu rõ, thị trường bất động sản hiện đang phát triển thuận lợi, đóng góp tích cực vào phát triển chung sau một thời gian đóng băng.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, cần hết sức cảnh giác với “bong bong” bất động sản.

"Bộ Xây dựng, cơ quan được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về thị trường bất động sản, cùng với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương phải tập trung hơn nữa, không để xảy ra khủng hoảng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển bền vững", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Liên quan đến lĩnh vực nhà ở cho người có công, theo số liệu của Bộ Xây dựng, cơ bản cả nước đã hoàn thành giai đoạn 1 với 80.000 hộ gia đình người có công đã được hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở. Theo Bộ Tài chính, tổng kinh phí Nhà nước cấp để thực hiện hỗ trợ giai đoạn 1 là 2.758 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu: Cần xác định việc hỗ trợ, xây dựng nhà ở cho người có công là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Vì thế, phải sớm xây dựng, hoàn chỉnh đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công của mỗi địa phương, trong đó nêu rõ kế hoạch thực hiện, chỉ rõ nguồn lực, kế hoạch huy động nguồn lực xã hội. Các địa phương cần rà soát lại để lồng ghép một cách hài hoà các chương trình nhà ở, tránh dàn trải, lãng phí. Bảo đảm tính công khai, minh bạch, chống thất thoát; rà soát thật kỹ để bảo đảm chính sách hỗ trợ đúng đối tượng, đúng yêu cầu.

Đối với các hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ đã tự ứng trước kinh phí để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục cấp kinh phí từ ngân sách để hoàn trả cho các hộ gia đình này.

"Nếu có thể, sẽ cấp ngay trong năm 2017 sau khi có nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương", Phó Thủ tướng nói.

Đối với trường hợp thuộc diện được hỗ trợ theo Đề án được phê duyệt nhưng đã chết mà vợ (hoặc chồng) còn sống, có hộ khẩu thường trú và đang ở tại nhà ở đó thì được hỗ trợ theo mức quy định tại Quyết định 22 để xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở. Nếu người có công với cách mạng mà cả vợ và chồng đều đã chết, giao các địa phương rà soát lại, xem xét cụ thể từng trường hợp.

Trường hợp thuộc diện được hỗ trợ theo Đề án đã được phê duyệt nhưng chuyển đổi hình thức hỗ trợ từ xây mới sang sửa chữa hoặc ngược lại mà không làm phát sinh thêm kinh phí từ ngân sách Trung ương thì cho phép tiếp tục thực hiện; các trường hợp khác thì địa phương cân đối kinh phí từ nguồn ngân sách hằng năm của địa phương hoặc huy động từ nguồn đóng góp của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân khác để thực hiện hỗ trợ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc ứng trước kinh phí từ ngân sách để cấp cho các địa phương triển khai thực hiện hỗ trợ giai đoạn 2.

Theo Minh Thư

Infonet

Đọc tiếp »