Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

Vì sao hiệp hội này kiến nghị bỏ yêu cầu bằng đại học để chuyên gia dễ vào Việt Nam làm việc hơn?

Korcham kiến nghị nới lỏng điều kiện người lao động được coi là chuyên gia (ví dụ, chỉ yêu cầu 2 năm kinh nghiệm và bỏ yêu cầu phải có bằng đại học).

Trong nội dung Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 diễn ra tại Hà Nội ngày 5/12, ông Han Dong-Hee, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) đã nêu ra 4 vấn đề hiện đang được các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam rất quan tâm gồm:

1. Khó khăn khi nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng;

2. Nới lỏng quy định về thuế nhập khẩu đối với máy móc cho doanh nghiệp chế xuất sử dụng dưới hình thức cho thuê tài chính;

3. Nới lỏng thuế đối với hoạt động nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam theo các điều kiện DAT, DAP, DDP của Incoterms (Các điều khoản thương mại quốc tế);

4. Nới lỏng quy định hạn chế nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng có tuổi trên 10 năm.

Trong đó có một nội dung đáng chú ý là Hiệp hội này kiến nghị Chính phủ nới lỏng các điều kiện cấp giấy phép lao động đối với chuyên gia. Theo Korcham, hiện nghị định nghị định 11/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của bộ luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 2016 (“Nghị định 11”), điều kiện về cấp phép lao động người nước ngoài đã được thắt chặt.

Trước đây, chuyên gia chỉ yêu cầu tốt nghiệp từ cử nhân trở lên hoặc có trên 5 năm kinh nghiệm làm việc, nhưng hiện nay là yêu cầu tốt nghiệp cử nhân trở lên và có trên 3 năm kinh nghiệm. Cụ thể, Khoản 3 Điều 3 của Nghị định 11 quy định như sau:

Chuyên gia là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau:

- Có văn bản xác nhận là chuyên gia của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài;

- Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam; trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Phía Korcham đưa ra kiến nghị khi doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mở rộng hoạt động kinh doanh sẽ đồng thời tuyển thêm nhiều lao động, nhưng để đảm bảo việc trao đổi giao tiếp thông suốt và hiệu quả kinh doanh thì cũng cần phải dành một phần tuyển dụng cả những lao động mới là người Hàn Quốc. Korcham kiến nghị nới lỏng điều kiện người lao động được coi là chuyên gia (ví dụ, chỉ yêu cầu 2 năm kinh nghiệm và bỏ yêu cầu phải có bằng đại học).

Cách đây gần 1 năm, ngày 20/12/2015, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc (VKFTA) chính thức có hiệu lực. Theo đó Hàn Quốc sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 95% hàng hóa từ Việt Nam theo lộ trình, trong khi 90% hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc sẽ được gỡ bỏ thuế trong 15 năm, kể từ khi hiệp định này có hiệu lực.

Bộ Công Thương nhận định với VKFTA, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc sẽ có điều kiện khai thác các ưu đãi thương mại, đầu tư mà hai nước dành cho nhau, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư song phương.

Hiệp định thúc các doanh nghiệp Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam trong các lĩnh vực nên cũng không khó hiểu trước đề nghị nới lỏng chính sách dành cho chuyên gia của Korcham.

Thảo Nguyên

Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét