Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

Tổng thống Nga Putin và Hoàng từ Ả rập đã giúp OPEC đạt được thỏa thuận như thế nào?

CNBC dẫn nguồn tin từ OPEC và ngoài OPEC cho biết thỏa thuận lịch sử của OPEC vừa qua đạt được là nhờ công rất lớn của ông Putin, Phó vương Ả rập Mohammed bin Salman, Lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei và Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giúp đỡ 2 nước kình địch trong OPEC là Iran và Saudi Arabia gạt bỏ những khác biệt để tiến đến ký kết thỏa thuận đầu tiên với một nước nằm ngoài OPEC trong 15 năm trở lại đây.

Vai trò hòa giải của Tổng thống Putin giữa Riyadh và Tehran là rất quan trọng, minh chứng cho sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga ở Trung Đông kể từ khi Nga can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến ở Syria chỉ hơn một năm trước đây.

Sự việc bắt đầu khi ông Putin gặp Hoàng tử Ả Rập Mohammed bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Trung Quốc hồi tháng 9 vừa qua. Hai bên đã đồng ý hợp tác để cứu thị trường dầu mỏ thế giới khỏi sự dư thừa mà đã khiến giá dầu giảm đi một nửa kể từ năm 2014, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của chính Phủ Nga và Ả Rập. Những tổn hại tài chính đã đẩy các bên đến thỏa thuận bất chấp sự khác biệt chính trị to lớn giữa Nga và Ả Rập trong cuộc nội chiến ở Syria.

"Putin muốn thỏa thuận này. Chấm hết. Các công ty dầu mỏ Nga sẽ phải cắt giảm sản lượng", một nguồn tin từ Nga nói.

Trở lại hồi tháng 9, tại cuộc họp ở Algiers, OPEC về cơ bản đã nhất trí về một thỏa thuận cắt giảm sản lượng đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, chặng đường đi từ Algiers tới cú chốt tại cuộc họp Vienna vừa qua vẫn cần rất nhiều động thái ngoại giao khéo léo.

Sở dĩ OPEC liên tiếp thất bại trong mấy năm gần đây chủ yếu là do tranh cãi giữa lãnh đạo Ả Rập Saudi và nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba thế giới - Iran. Tehran từ lâu đã cho rằng OPEC không nên ngăn cản họ phục hồi sản lượng dầu bị mất đi trong những năm thực thi lệnh trừng phạt của phương Tây.

Cuộc chiến tại Syria và Yemen càng khiến quan hệ giữa một bên là vương quốc thuộc dòng Hồi giáo Sunni (Saudi) và một bên là nước cộng hòa Hồi giáo Shiite (Iran) trở nên căng thẳng hơn sau nhiều thập kỷ đối đầu.

Trước thềm cuộc họp đã có nhiều dấu hiệu không tốt. Hoàng tử Ả Rập Mohammed đã liên tục yêu cầu Iran tham gia vào việc cắt giảm sản lượng. Những người đàm phán của Ả Rập và Iran tranh cãi qua lại trong suốt thời gian diễn ra cuộc họp. Thậm chí, chỉ vài ngày trước thỏa thuận lịch sử, Saudi đã quay ngược lại đe dọa sẽ đẩy mạnh sản xuất nếu Iran không đồng ý cắt giảm.

Tuy nhiên, khi mà Saudi không có dấu hiệu nhân nhượng nào cho Iran, Tổng thống Nga đã quả quyết rằng nước này nên gánh vác phần nhiều nhất trong việc cắt giảm sản lượng,

Cuộc điện thoại giữa Ông Putin và Tổng thống Iran Rouhani đã dọn đường cho thỏa thuận. Sau cuộc điện thoại, ông Rouhani và Bộ trưởng dầu mỏ Bijan Zanganeh đã xin phê duyệt từ các lãnh đạo tối cao, theo một nguồn tin thân cận.

“Trong suốt cuộc họp, nhà lãnh đạo Khamenei nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vững vàng các mục tiêu đã đề ra của Iran, rằng sẽ không đầu hàng trước áp lực chính trị và không chấp nhận bất kỳ sự cắt giảm sản lượng nào ở Vienna", nguồn tin cho biết.

Tuy nhiên ông Zanganeh đã triệt để giải thích chiến lược của mình ... và đã nhận được sự chấp thuận từ nhà lãnh đạo. Ngoài ra, việc vận động hành lang chính trị góp phần không nhỏ, đặc biệt là với ông Putin, và một lần nữa lãnh đạo chấp thuận", nguồn tin cho biết.

Nhưng OPEC sẽ không là OPEC nếu không có cuộc tranh cãi ở những phút cuối đe dọa đến sự thành công của thọa thuận. Iraq lại trở thành một vấn đề.

Khi cuộc đàm phán giữa các Bộ trưởng diễn ra, Iraq - nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai của OPEC khăng khăng rằng họ không đủ khả năng để cắt giảm sản lượng vì phải chi quá nhiều tiền trong cuộc chiến tranh chống lại Nhà nước Hồi giáo.

Tuy nhiên, đối mặt với áp lực từ các thành viên OPEC còn lại ủng hộ việc cắt giảm, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Jabar Ali al-Luaibi nhấc điện thoại lên trước mặt các đại biểu để gọi cho Thủ tướng Haider al-Abadi.

Và ông Abadi đã nói: “Hãy ký vào thỏa thuận”.

Sau 8 năm dài đằng đẵng với bao tổn thương, cuối cùng thì các nước OPEC đã đồng thuận. Dù muộn màng thì có còn hơn không!

Theo Hiền Phạm

Trí thức trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét