Chênh lệch chi phí sản xuất một chiếc ô tô tại Việt Nam có thể sẽ lên đến 20% so với xe lắp ráp tại Thái Lan, Indonesia sau năm 2018 khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN miễn thuế cho các loại xe nhập khẩu nguyên chiếc trong khu vực.
Đó là một trong những lo ngại thể hiện trong báo cáo của Nhóm công tác công nghiệp ô tô – xe máy Diễn đàn Thường niên VBF 2016 gửi tới Chính phủ Việt Nam.
VBF cho rằng, nhờ có nỗ lực từ phía Chính phủ cùng với sự gia tăng trong tăng trưởng kinh tế năm nay, quy mô thị trường ô tô trong năm 2016, bao gồm cả xe lắp ráp (CKD) và xe nhập khẩu (CBU), dự đoán sẽ vượt mốc 300,000 xe (tăng hơn 22%).
Tuy vậy, sự phát triển của toàn ngành công nghiệp ô tô với hơn 20 công ty và 40 thương hiệu ở Việt Nam vẫn chưa đạt mức mong đợi của các nhà đầu tư và Chính phủ khi tham chiếu đến tổng công suất lắp ráp hiện tại là gần 500.000 chiếc/ năm.
Đáng lưu ý, với tỉ lệ xe ô tô sản xuất nội địa khoảng 74% trong cơ cấu doanh số toàn ngành hiện nay, công suất sử dụng thực tế nói chung chỉ đạt khoảng 45% tổng công suất thiết kế.
VBF cho biết, việc không tận dụng được công suất ngành có thể làm các nhà đầu tư lo ngại và thậm chí đặt dấu hỏi đối với khả năng đầu tư mới trong tương lai.
Nhóm này cho rằng, các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi khi quy mô sản xuất và kinh tế nhỏ. Họ phải nhập khẩu hầu hết các linh kiện sản xuất lắp ráp nên rất “tốn” các chi phí liên quan đến vận chuyển, đóng gói và thuế nhập khẩu.
Chính vì vậy, theo VBF, chi phí sản xuất trong nước thường cao hơn chi phí sản xuất của xe lắp ráp tại Thái Lan hay Indonesia. Chênh lệch chi phí sản xuất có thể sẽ lên đến 20% sau năm 2018 khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN miễn thuế cho các loại xe nhập khẩu nguyên chiếc trong khu vực.
Trước những lo ngại trên, nhóm Công tác công nghiệp ô tô – xe máy VBF 2016 đã đề xuất Chính phủ Việt Nam loại bỏ tất cả thuế nhập khẩu cho những linh kiện và phụ tùng ô tô mà Việt Nam vẫn chưa sản xuất được để tăng sức cạnh tranh về giá cho các sản phẩm sản xuất trong nước.
Đồng thời áp dụng chính sách kiểm soát nghiêm ngặt và minh bạch trong việc nhập khẩu xe nhập nguyên chiếc, “xe đã qua sử dụng”...
Bên cạnh đó, VBF cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam làm rõ nội dung và yêu cầu của chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước Chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước đã được quy định tại điều 5-1 Quyết định của Thủ Tướng Chính Phủ số 229/QĐ-TTg ngày 4 tháng 2 năm 2016.
Nhóm này cho rằng đây là chính sách rất quan trọng đối với các nhà sản xuất trong nước. Tuy nhiên, chính sách hiện nay vẫn chưa rõ ràng, vì vậy rất khó khăn để các nhà sản xuất chuẩn bị dự án sản xuất để xin hưởng hỗ trợ của Chính phủ.
Theo N.Mạnh
Bizlive
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét