Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

Thủ tướng chấp thuận dự án khu công nghiệp 6.000 tỷ đồng ở Bình Dương

Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III. Dự án có quy mô 1.000 ha, tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, nằm tại Bình Dương.

Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III.

Dự án có quy mô diện tích quy hoạch là 1.000 ha tại xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm với tổng mức đầu tư thực hiện là 6.407 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự án theo ý kiến của các bộ, ngành; thực hiện việc ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

Đồng thời chỉ đạo đôn đốc các đơn vị liên quan phối hợp với chủ đầu tư xác định và lựa chọn phương án thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất; thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) theo quy định.

Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu chủ đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai thực hiện Dự án; đồng thời có các biện pháp giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư vào KCN, đặc biệt là các dự án có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường.

Bình An

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Phó tổng giám đốc SCIC: Người đại diện vốn Nhà nước chỉ có tiếng không có miếng, thoái vốn xong có khả năng “ra đường”!

Trong buổi hội thảo diễn ra sáng nay (29/11), dành hơn một nửa thời gian phát biểu, ông Lê Song Lai, Phó TGĐ Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) kêu “khổ” hộ 222 người đại diện vốn Nhà nước của SCIC tại các doanh nghiệp.

Tính đến hết 9/2016, số lượng người đại diện vốn Nhà nước của SCIC là 222 người; trong số đó, cán bộ của SCIC là 54 người, chuyên trách tại doanh nghiệp là 163 người, công chức tham gia kiêm nhiệm là 5 người.

Thông qua chế độ báo cáo của những người này, SCIC đã chỉ đạo, tham mưu và tư vấn kịp thời cho người đại diện trong vai trò là thành viên HĐQT, BKS và lãnh đạo doanh nghiệp trong quá trình quản lý, điều hành và ra các quyết định lớn. Có vai trò quan trọng, nhưng cơ chế cho những người này vẫn còn nhiều bất cập.

Lương thưởng kém, động viên nhau bằng... lời nói

Theo bật mí của ông Lê Song Lai, nguồn cung những người đại diện vốn Nhà nước trên thị trường rất hạn chế, thậm chí là hiếm vì ở Việt Nam chưa ai coi việc ngồi HĐQT là một nghề nghiệp, phần lớn chỉ xem đấy là công việc tay trái.

Dù hiếm, dù quan trọng, nhưng hiện chế độ đãi ngộ, thù lao hay lương thưởng cho những người đại diện đang không tương xứng với công sức họ bỏ ra. “Dù luật đã cho phép người đại diện được hưởng thù lao nhưng thực tế là tất cả 222 người này của SCIC không nhận được bất cứ một đồng nào từ người sử dụng”, ông Lai nói.

Không còn cách nào khác, những người như ông Lai chỉ còn biết cách động viên họ bằng “lời nói” hay dùng lá phiếu của mình để ủng hộ cho họ tham gia vào HĐQT để được hưởng thù lao của Hội đồng này.

“Số tiền này chúng tôi không truy thu lại, họ được hưởng”, ông cho biết.

Bởi lẽ, đối với những người là cán bộ của SCIC, tất cả thù lao họ được nhận tại doanh nghiệp phải nộp hết về cho SCIC.

“Có người bảo tôi, anh ngồi nhiều HĐQT thế anh được hưởng hết. Nhưng không có đâu, nộp về hết. Làm người đại diện vốn Nhà nước quyền lợi không như mọi người nghĩ, trách nhiệm thì có nhưng quyền lợi thì không tương xứng!”, ông Lai hài hước.

Trách nhiệm ở đây có thể đơn giản như là việc báo cáo, mà ông nhận định là “chặt chẽ đến ngột thở”. Cụ thể, đến năm thứ 12, các quy định về báo cáo của người đại diện càng chặt chẽ, càng nhiều, càng thường xuyên liên tục, càng chi tiết cụ thể. Và dù biết là điều này sẽ hạn chế tính sáng tạo, chủ động của người đại diện, nhưng ông cũng không biết làm cách nào bởi đấy là luật, là quy định.

Hay phức tạp nữa là cách mà các cổ đông khác nhìn vào những người đang đại diện cho Nhà nước mà theo đó, họ kỳ vọng cao hơn. Ông Lai kể nhiều khi có những kiện tụng sai phạm của doanh nghiệp, toà án cũng “vời” cổ đông Nhà nước đến, vì nghĩ họ có trách nhiệm.

“Vì chúng tôi là cổ đông Nhà nước nên có quyền và nghĩa vụ liên quan!”, ông nói.

Thoái vốn Nhà nước xong là thất nghiệp?

Cũng theo ông, làm người đại diện rất khổ, vì có thể bị thất nghiệp bất cứ lúc nào sau khi SCIC bán vốn xong. Nếu doanh nghiệp, có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì sẽ được ký hợp đồng, hưởng lương như người lao động bình thường. Nhưng, nếu các ông chủ mới không sử dụng nữa thì sẽ bị chấm dứt hợp đồng, “thành ra đường”.

“Nhiều người đã đến tìm, bảo: các ông phải bố trí công ăn việc làm cho tôi, tôi vẫn còn tuổi lao động nhưng cũng không biết phải làm như thế nào!”, ông Lai kể.

Do đó, ông cho rằng đây là một chính sách bất cập, cần phải thay đổi. Nó vừa không đúng với người đại diện, vừa nảy sinh vấn đề liên quan đến tốc độ thoái vốn của doanh nghiệp. Bởi lẽ, cứ thoái vốn xong là những người này có thể không được sử dụng nữa, thoái vốn đồng nghĩa với mất hợp đồng, mất công ăn việc làm...

“Nhiều người đại diện không ủng hộ việc thoái vốn, thoái vốn nghĩa là ra đường, nhất là khi họ không sở hữu một tỷ lệ nào trong doanh nghiệp”, ông Lai cho biết.

Mà nếu không vướng vào câu chuyện trên, thì người đại diện cũng gặp nhiều nhiêu khê khác. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật, người đại diện vốn Nhà nước được xem như là công chức nên toàn bộ quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm, bãi miễn thực hiện như một công chức.

Ông Lai kể, có những trường hợp có người đại diện có năng lực nhưng đến tuổi về hưu, doanh nghiệp đang thoái vốn gần xong cũng buộc phải chấm dứt, nếu không, khi thanh tra kiểm tra sẽ phê bình là “níu kéo, để người ta bám giữ ghế lâu dài”. Nhưng cũng có trường hợp mâu thuẫn, nếu thẳng tay làm, thì lại bị bảo là “cứng nhắc, người ta đang làm tốt...”.

Do đó, ông Lai cho rằng việc coi người đại diện như công chức là hạn chế lớn nhất, cần phải thay đổi trong tương lai, để cho người đại diện vốn Nhà nước có thể yên tâm công tác, cống hiến cho nhiệm vụ được giao.

Theo Đức Minh

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

"Tháng 6/2017 thay thế toàn bộ xăng A92 bằng xăng nhiên liệu sinh học là chưa chính xác"

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã khẳng định thông tin trên tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra cuối giờ chiều nay.

Trả lời câu hỏi về thời điểm chính xác đưa xăng nhiên liệu sinh học E5 và E10 vào hoạt động, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ đã có quyết định 53 về triển khai từng bước đưa xăng E5 và E10 vào hoạt động.

Tuy nhiên, giá xăng dầu thế giới biến động thất thường từ 150 USD/thùng giờ còn 50 USD. Nguyên nhân này đã ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ xăng E5, E10.

"Việc tiêu thụ là rất khó khăn, có 4 nhà máy sản xuất xăng nhiên liệu sinh học thì chỉ còn nhà máy Tùng Lâm còn hoạt động, công suất khoảng 150.000 tấn/năm. 3 nhà máy còn lại thì chưa sản xuất hoặc đắp chiếu. Vì thế, chưa có quyết định cuối cùng về thời điểm đưa 2 loại xăng này ra thị trường. Tháng 6/2017 là thời điểm thay thế hoàn toàn xăng A92 bằng xăng nhiên liệu sinh học E5, E10 là chưa chính xác", ông Vượng khẳng định.

Đại diện Bộ Công Thương cũng nói thêm, sản xuất xăng nhiên liệu sinh học ở Việt Nam có khó khăn rất lớn về nguyên liệu đầu vào (Việt Nam chưa có vùng nguyên liệu lớn), và khó sản xuất quy mô lớn. Với các quốc gia như Brazil, Mỹ thì đầu vào cho sản xuất xăng nhiên liệu sinh học rất rẻ với nguồn cung lớn.

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Hà Nội thu thuế nội địa đạt gần 90% dự toán

Theo số liệu mới nhất từ Cục Thuế Hà Nội, tính đến thời điểm 24-11, tổng thu ngân sách do Cục Thuế Hà Nội quản lý thu (không bao gồm thu từ cổ tức, lợi nhuận sau thuế của Trung ương) là 138.629 tỷ đồng.

Số thu này đã đạt 89,7% dự toán pháp lệnh năm 2016. Trong đó, thu nội địa không bao gồm dầu thô đạt 136.755 tỷ đồng, đạt 90% dự toán pháp lệnh.

Để có kết quả như vậy, thời gian qua Cục Thuế Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc, kịp thời sự chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội và sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế. Cục Thuế Hà Nội đã triển khai quyết liệt, đồng bộ hiệu quả các chức năng, quy trình quản lý, đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thu vào ngân sách Nhà nước, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2016 đã được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế giao.

Đồng hành cùng người nộp thuế, Cục Thuế Hà Nội cũng đã tích cực tổ chức, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Nhà nước, tạo điều kiện tốt nhất để người nộp thuế được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi về thuế. Đồng thời, cơ quan Thuế cũng luôn chủ động nghiên cứu, bám sát địa bàn, doanh nghiệp và người nộp thuế, tăng cường đối thoại tiếp xúc trực tiếp để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật thuế.

Theo Thùy Linh

Báo hải quan

Đọc tiếp »

Tinh giản bộ máy Bộ Công thương, có đụng đến thành phần con ông cháu cha?

Với kế hoạch sắp xếp lại, giảm số Cục, Vụ, Viện tại Bộ Công thương để bộ máy bớt cồng kềnh, tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều ngày 29/11, báo chí đã đặt ra câu hỏi, liệu thành phần con ông, cháu cha có bị đụng đến?

Trả lời cho câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, việc sắp xếp lại Bộ là theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo đó, trong năm 2016, tất cả các Bộ ban ngành phải xây dựng lại Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các bộ ngành.

“Đối với Bộ Công thương, trong thời gian vừa qua có rât nhiều dư luận, có thể nói là không được tích cực về bộ máy công kềnh cũng như chưa hiệu quả của Bộ.”, Thứ trưởng nói.

Do đó, Thứ trưởng cho biết đây là dịp để Bộ Công thương và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tập trung cải tổ xây dựng lại bộ máy tổ chức với mục tiêu làm gọn nhẹ, hiệu quả hơn.

“ Chính vì vậy đến nay Bộ đã dự thảo Nghị định mới về cơ cấu tổ chức cũng như là chức năng tổ chức về nhiệm vụ của bộ.”, Thứ trưởng cho hay.

Theo đó, chức năng nhiệm vụ của Bộ trong khoá này không khác nhiều so với khoá trước. Tuy nhiên, về cơ cấu tổ chứ, phương hướng dự thảo sẽ là giảm từ 35 đầu mối xuống còn 28 đầu mối. Hệ quả là Bộ cũng đồng thời sắp xếp lại con người.

“ Đây cũng là dịp để Bộ sàng lọc, đánh giá lại đội ngũ cán bộ làm sao có thể bố trí được những người có tâm huyết, trí tuệ, có năng lực vào những vị trí quan trọng, làm sao cho công tác quản lý bộ trong thời gian tới được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn, đáp ứng được kỳ vọng của xã hội!”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng kết luận.

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Các nhà đầu tư nước ngoài đang thích đầu tư nhất vào ngành này của Việt Nam

Số liệu mới công bố từ Tổng cục Thống kê cho thấy ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã thu hút trên 3/4 tổng giá trị FDI đầu tư vào Việt Nam, theo số liệu lũy kế 11 tháng

Theo Tổng cục thống kê, tính chung trong 11 tháng năm nay, tổng vốn đầu trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và tăng thêm tại Việt Nam là 18,103 tỷ USD, giảm 11,5% so với cùng kỳ. Có sự giảm này chính là do số dự án đầu tư năm nay đã giảm so với năm ngoái là 2015.

Tuy nhiên, số vốn FDI giải ngân được lại tăng 8,3% so với cùng kỳ, vào khoảng 14,3 tỷ USD. Số dự án cấp mới là 2.240, trong khi có 1.075 dự án đăng ký điều chỉnh vốn.

Trong 11 tháng, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 13,4 tỷ USD, chiếm 74,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Như thế, công nghiệp chế biến chế tạo đã tiếp tục dẫn đầu trong khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài.

Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn 741 triệu USD, chiếm 4,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ ba, với 685 triệu USD, chiếm 3,8% tổng vốn đầu tư.

68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,29 tỷ USD, chiếm 29,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,05 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Nhật Bản đứng vị trí thứ ba, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,95 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư.

Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh thành, trong đó Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 45 dự án cấp mới và 35 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,74 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư.

Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,93 tỷ USD, chiếm 10,7%. Tiếp theo trong top 5 là Đồng Nai, Hà Nội và Tp.HCM, lần lượt với các con số 1,87 tỷ USD, 1,84 tỷ USD và 1,32 tỷ USD.

Xem thêm: [Infographic] Toàn cảnh vốn FDI rót vào Việt Nam 10 tháng đầu năm

Chiến Thắng

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Sau khi tăng kỷ lục, tỷ giá đã bắt đầu giảm vì những lý do này

Các chính sách của Ngân hàng Nhà Nước sau tuyên bố "bình ổn tỷ giá" và diễn biến giảm của USD trên thị trường thế giới chính là lý do cho việc quay đầu của tỷ giá USD/VND

Sau một thời gian thị trường “chộn rộn” vì tỷ giá USD/VND tăng cao kỷ lục, hai ngày đầu tuần này, một số diễn biến hạ nhiệt của tỷ giá đã bắt đầu được ghi nhận.

Cụ thể, vào sáng hôm qua, giá USD tự do tại Hà Nội được giữ ở mức 22.800 đồng (mua vào) và 22.830 đồng (bán ra). Như vậy, tuy giá mua vào không đổi nhưng giá bán ra đã giảm 20 đồng so với sáng thứ Hai. Kể từ khi đạt đỉnh 22.950 đồng vào hôm thứ Sáu tuần trước, giá USD tự do bán ra hiện đã giảm liên tục đến 120 đồng.

Một cặp tỷ giá hay được dùng để tham chiếu nữa là ở ngân hàng Vietcombank thì vào sáng hôm nay (thứ Tư), Vietcombank đã báo giá USD giảm lần thứ 3 liên tiếp kể từ hôm thứ Sáu tuần trước và ở mức 22.640 đồng (mua vào) và 22.720 đồng (bán ra)

Để lý giải cho việc tỷ giá quay đầu này, phải kể đến đầu tiên là những chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước. Tuần trước, định chế này đã tuyên bố sẽ “bình ổn tỷ giá” và giờ đây có vẻ như những chính sách mới đã bắt đầu có hiệu lực. Ngoài ra, diễn biến của USD trên thị trường thế giới cũng là một nguyên nhân.

1. Lãi suất VNĐ tăng rất mạnh trên thị trường liên ngân hàng

Một trong những nguyên nhân quan trọng làm tỷ giá bắt đầu giảm là do trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VNĐ đã được điều chỉnh tăng và là tăng rất mạnh nếu so với vùng thấp đã thiết lập từ trong quý 3/2016.

Cụ thể, đầu tuần này, mức chào bình quân ở kỳ hạn qua đêm đã vượt 3%/năm, cao hơn rất nhiều so với mức quanh 1%/năm hồi đầu tháng 11 vừa qua, cũng như chỉ quanh 0,5%/năm cách đây hơn một tháng.

Chú ý rằng, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất chính là yếu tố có tác động nhanh đến tỷ giá, Lãi suất tiền đồng tăng lên có nghĩa là các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng sẽ hạn chế vay do chi phí vốn vay cao hơn. Do cần dữ trữ tiền mặt, ngân hàng sẽ hạn chế tín dụng và vì thế cung tiền đồng ra nền kinh tế giảm xuống, gián tiếp sẽ làm tỷ giá tăng lên.

Cuối cùng, kết quả có thể thấy rõ như trong ngày 28/11, giá USD trên liên ngân hàng giảm khá mạnh với 35 VND so với phiên cuối tuần trước, xuống còn 22.720 VND.

Tiếp trong ngày 29/11, mức giảm diễn ra mạnh hơn khi giá USD được giao dịch phổ biến trong vùng 22.650 - 22.655 VND, tức giảm mạnh khoảng 60 VND so với hôm qua; và đến cuối ngày giao dịch quanh 22.690 VND, chung cuộc giảm khoảng 30 VND.

2. Ngân hàng Nhà nước chủ động áp giá bán USD thấp

Bên cạnh diễn biến lãi suất VND nói trên, tín hiệu thứ hai cũng có ảnh hưởng mạnh và trực tiếp tới tỷ giá là niêm yết của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, sau khi các lãnh đạo chuyên trách đưa ra khẳng định sẵn sàng bán ngoại tệ để bình ổn thị trường, từ ngày 28/11, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã cụ thể hóa bằng việc áp giá bán ra USD ở mức thấp hơn trần biên độ cho phép.

Mức giá USD bán ra tham khảo tại sở này - đầu mối trực tiếp can thiệp khi thị trường có biến động mạnh - trong ngày 28/11 chỉ là 22.746 VND, thấp hơn mức trần tới 50 VND. Và trong ngày 29/11, mức giá bán ra tham khảo tương tự là 22.735 VND, tiếp tục thấp hơn trần 50 VND.

Bằng việc điều chỉnh này, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã phát ra tín hiệu rằng họ sẽ sẵn sàng bán USD ra để bình ổn nếu thị trường cần. Vì thế, căng thẳng phía cầu USD đã không xảy ra, góp phần làm tỷ giá quay đầu.

3. Đồng USD giảm trên thị trường thế giới

Cuối cùng, tác động dù nhỏ nhưng cũng làm tỷ giá hạ xuống là việc đồng USD trên thế giới đã bắt đầu hạ nhiệt. Sau khi lên đỉnh 14 năm, đầu tuần này, đồng USD đã xuống khi chỉ số USD-Index đã giảm trở lại 0,16% ngày 28/11.

Trong khi đó, các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới cũng đã lên giá đáng kể so với đồng USD. Vì thế, không phải ngoại lệ, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố cũng giảm liên tiếp trong hai ngày đầu tuần này.

Việc tỷ giá USD/VND tăng kỷ lục sẽ khiến những ai phải mở sâm panh ăn mừng?

Chiến Thắng

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Gas giảm 2.500 đồng từ ngày 1/12

Chiều 30/11, các đơn vị đầu mối kinh doanh, phân phối mặt hàng gas tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam đã công bố giá gas tháng 12/2016. Theo đó, sẽ giảm 2.500 đồng/bình 12 kg so với tháng 11/2016.

Cụ thể, từ ngày 1/12/2016, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng của thương hiệu Petrovietnam Gas, Vtgas, SP, Petrolimex... sẽ dao động ở mức 291.000 đồng- 300.500 đồng/bình 12 kg.

Ông Trần Văn Phúc, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro), cho biết: Giá gas tháng 12/2016 giảm so với tháng 11/2016 là do giá gas thế giới bình quân tháng 12/2016 vừa công bố ở mức 400 USD/tấn, giảm 15 USD/tấn so với tháng 11/2016.

Mặt khác, theo các chuyên gia, việc điều chỉnh tỷ giá tăng từ 22.350 đồng lên 22.720 đồng/USD đã tác động đến mặt hàng gas. Hiện nay, nguồn gas sản xuất trong nước chiếm hơn 40% thị trường, nhưng giá gas vẫn tính trên cơ sở giá gas thế giới, gas nội vẫn chịu thuế nhập khẩu nên giá gas chịu tác động của tỷ giá. Nhằm đảm bảo tuân thủ quy luật thị trường và quyền lợi của người tiêu dùng, các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá gas trong nước giảm theo.

Mức giá gas mới đã được thông báo đến các đại lý, cửa hàng kinh doanh cũng như người tiêu dùng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam.

Theo Mỹ Phương

TTXVN

Đọc tiếp »

Một tháng mất hơn nửa giá trị, tiền Venezuela “rơi tự do”

Bằng chứng mới nhất về cuộc khủng hoảng mà Venezuela đang phải đối mặt...

Chỉ riêng trong tháng 11, đồng Bolivar của Venezuela đã mất giá 55%.

Theo trang CNN Money, đây được xem là bằng chứng mới nhất về cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và nhân đạo nghiêm trọng mà Venezuela - quốc gia sở hữu tài nguyên dầu lửa dồi dào ở Nam Mỹ - đang phải đương đầu.

Giá thực phẩm cao chóng mặt và tình trạng khan hiếm toàn quốc các mặt hàng nhu yếu phẩm đã khiến người dân Venezuela khốn đốn trong những năm gần đây. Năm nay, tình trạng này thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát ở Venezuela sẽ lên mức 1.660% vào năm tới. Năm nay là năm thứ ba liên tiếp nền kinh tế Venezuela chìm trong suy thoái.

Vào hôm 1/11, trên thị trường “chợ đen”, cứ 1.567 Bolivar đổi được 1 USD. Đến ngày 28/11, phải 3.480 Bolivar mới đổi được 1 USD - theo số liệu từ trang Dolartoday.com.

“Đó là một đồng tiền đang hướng về phía toilet”, ông Russ Dallen, nhà tài chính thuộc công ty Caracas Capital Markets ở Miami, Mỹ, phát biểu. “Không ai muốn nắm giữ một thứ gì mất giá hơn 50% chỉ trong vòng một tháng”.

Có một vài nhân tố phía sau sự mất giá “kinh hoàng” của đồng Bolivar trong thời gian gần đây. Chính phủ Venezuela đã buộc phải bơm mạnh tiền vào hệ thống vì lượng tiền mặt trong lưu thông không đủ để người dân mua hàng hóa trong bối cảnh giá hàng hóa tăng từng giờ.

Trong mùa hè năm nay, Chính phủ Venezuela tháng nào cũng tăng số tờ tiền Bolivar trong lưu thông thêm 100% so với cùng kỳ năm trước. Sau đó, tốc độ tăng thậm chí còn được đẩy nhanh hơn. Vào giữa tháng 11 vừa qua, số tờ tiền nội tệ trong lưu thông ở Venezuela tăng 130% so với cùng kỳ 2015, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương nước này.

Tuy nhiên, với tỷ giá đồng Bolivar sụt giảm quá nhanh, người dân Venezuela ra sức đổi nội tệ sang USD, dẫn tới khan hiếm nghiêm trọng USD. Điều này càng khiến tỷ giá đồng USD so với đồng Bolivar tăng nhanh hơn.

Giá hàng hóa ở Venezuela đã “sổ lồng” vào mùa thu năm nay khi Chính phủ dừng kiểm soát giá một số mặt hàng do tình trạng khan hiếm đã quá nghiêm trọng. Trước đó, nhiều người bán hàng đã dừng bán nhiều mặt hàng vì các biện pháp kiểm soát giá buộc họ phải bán với mức giá thua lỗ. Giờ đây, khi không còn bị kiểm soát, hàng hóa đã xuất hiện trở lại ở các quầy hàng, nhưng với mức giá “không tưởng”.

Việc Chính phủ Venezuela tăng lương tối thiểu thêm 40% mới đây cũng được xem là một nhân tố khiến đồng Bolivar rớt giá thê thảm. Chưa kể, Venezuela đã mở cửa trở lại toàn bộ biên giới với Columbia vào mùa hè vừa qua, cho phép người dân sang nước láng giềng để mua thực phẩm và thuốc men. Điều này khiến nhu cầu USD càng tăng và gây sức ép mất giá lớn hơn đối với đồng Bolivar.

Ngoài ra, việc Chính phủ Venezuela cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng ở nước này cũng là một nhân tố khiến đồng nội tệ giảm giá “kinh hoàng” hơn.

Chính phủ Venezuela đang ở trong tình trạng thiếu tiền nghiêm trọng vì giá dầu vẫn ở mức thấp mà nước này tới hạn phải trả nhiều khoản nợ. Venezuela hiện đã trễ hạn trả một khoản nợ nhỏ và có thể chính thức vỡ nợ vào giữa tháng 12. Dầu thô là nguồn ngân sách chủ đạo của Chính phủ nước này.

Trong bối cảnh như vậy, cuộc khủng hoảng ở Venezuela chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm kết thúc. “Đồng tiền của Venezuela gần như chẳng còn giá trị. Đồng tiền này đang rơi tự do”, ông Siobham Morden, trưởng bộ phận trái phiếu Mỹ Latin của Nomura Holdings phát biểu.

Theo Diệp Vũ

VnEconomy

Đọc tiếp »

OPEC nhất trí cắt giảm sản lượng lần đầu tiên kể từ 2008

Bloomberg dẫn nguồn tin từ một đại biểu giấu tên tham dự cuộc họp OPEC đang diễn ra ở Vienna cho biết OPEC sẽ cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu, xuống mức sản lượng 32,5 triệu thùng mỗi ngày.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ ( OPEC ) vừa đạt được thỏa thuận cắt giảm nguồn cung lần đầu tiên kể từ năm 2008. Động thái này sẽ giúp chấm dứt tình trạng dư thừa nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu và chứng minh được uy tín của OPEC.

Như vậy sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng, 3 nước sản xuất dầu lớn nhất của OPEC là Saudi Arabia, Iraq và Iran gạt những điểm khác biệt sang một bên để đi đến đồng thuận cùng nhau chia sẻ gánh nặng cắt giảm sản lượng lần đầu tiên kể từ 2008.

Đặc biệt hơn, có vẻ như Arab Saudi đã chấp thuận coi Iran – nước chỉ vừa mới trở lại thị trường sau nhiều năm bị cấm vận - là một trường hợp đặc biệt và có thể nâng mức sản lượng lên khoảng 3,9 triệu thùng/ngày.

Các nước bên ngoài OPEC cũng sẽ cắt giảm 600.000 thùng mỗi ngày.

Ngay sau khi thông tin được đưa ra, giá dầu giao dịch ở London tăng vọt 7,6%, lên 49,90 USD/thùng.

Theo Thu Hương

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Giá dầu tăng vọt hơn 7% sau khi OPEC quyết định cắt giảm sản lượng

Giá dầu WTI trên sàn Nymex lúc này đã tăng 3,19 USD tương đương 7,05% lên 48,42 USD/thùng. Trước đó có lúc giá vượt mức 49 USD/thùng. Đây là ngày tăng mạnh nhất của "vàng đen" trong vòng hơn 9 tháng qua.

Hôm nay 30/11, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng lần đầu tiên sau 8 năm. Theo đó, mức sản lượng cắt giảm là 1,2 triệu thùng/ngày xuống còn 32,5 triệu thùng/ngày.

Sau thông tin từ OPEC, giá dầu và các hàng hóa khác đồng loạt tăng vọt. Giá cổ phiếu của các công ty dầu mỏ và tiền tệ của các nước sản xuất dầu cũng bứt tốc mạnh.

Trước phiên này, giá dầu biến động lên xuống đan xen vì những hoài nghi về khả năng cắt giảm sản lượng của OPEC. Hôm qua 29/11, giá dầu giảm 3,9% khi có tín hiệu cho thấy một vài thành viên vẫn chưa sẵn sàng cho việc giảm khai thác.

Theo đà tăng của giá dầu, giá các kim loại cơ bản trên sàn LME cũng tăng mạnh trong đó kẽm tăng 1,5% và đồng tăng 1,2%. Chỉ số giá các hàng hóa trên LME đến lúc này đã tăng 3,4% - ngày tăng mạnh nhất trong hơn 1 năm trở lại đây.

Theo Phương Thảo

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Cục Hàng không được hưởng cơ chế tài chính đặc thù

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định về một số cơ chế tài chính đặc thù đối với Cục Hàng không Việt Nam.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam (không bao gồm các Cảng vụ Hàng không và các đơn vị sự nghiệp công lập) được thực hiện một số cơ chế đặc thù.

Cụ thể, về nội dung chi đặc thù tính vào kinh phí thực hiện chế độ tự chủ, cán bộ, công chức trong chỉ tiêu biên chế và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được áp dụng hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm 0,8 lần so với mức lương cơ sở do Chính phủ quy định. Mức lương tăng thêm được áp dụng hệ số điều chỉnh gồm mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các loại phụ cấp hiện hưởng, không bao gồm tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ. Mức lương tăng thêm không dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn.

Đối tượng quy định nêu trên không áp dụng trong các thời gian: Đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương; đi học tập trung trong nước từ 3 tháng liên tục trở lên; nghỉ việc riêng không hưởng lương; nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; bị đình chỉ công tác, bị tạm giam.

Cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác quản lý, giám sát, đảm bảo an toàn hàng không được áp dụng chế độ thưởng an toàn mức 15% của mức lương hiện hưởng theo ngạch, bậc cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo (không bao gồm các khoản phụ cấp khác).

Bộ GTVT ban hành quy chế thưởng an toàn hàng không gắn với tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm về an toàn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và giám sát việc thực hiện.

Theo H.Vũ

Báo giao thông

Đọc tiếp »

Euro Auto phản hồi công văn khẩn của Bộ Tài chính: "Chưa thể khẳng định có những sai phạm!"

Ngay sau công văn khẩn của Bộ Tài chính yêu cầu Tổng Cục Hải quan ngừng thông quan xe BMW của CTCP Ô tô Âu Châu (Euro Auto) vì nhiều sai phạm, công ty này đã có văn bản chính thức phản hồi.

Euro Auto cho biết các nghi vấn của Bộ Tài chính đã được công ty giải trình theo yêu cầu, đến nay, công ty đang trong quá trình cung cấp và giải trình các tài liệu. Do đó, phía công ty cho rằng chưa thể khẳng định có những sai phạm như trong công văn được Bộ Tài chính phát đi trong ngày 30/11.

“Chúng tôi khẳng định rằng Euro Auto kinh doanh trên tinh thần tuân thủ theo pháp luật của nhà nước Việt Nam và hướng đến quyền lợi của khách hàng, người tiêu dùng”, công ty cam kết.

Ngoài ra, Euro Auto cũng nhấn mạnh việc công ty hoàn toàn minh bạch trong báo cáo tài chính và tuân thủ rất nghiêm ngặt các yêu cầu về thuế và pháp luật hiện hành.

Phía công ty cũng cho biết trong trường hợp những giải trình mà họ đưa ra không được chấp nhận, họ sẽ bảo lưu quyền được yêu cầu sự hỗ trợ và can thiệp của các cơ quan có thẩm quyền khác nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

Trước đó, trong ngày 30/11, Bộ Tài chính đã gửi công văn hoả tốc đến Tổng cục Hải quan yêu cầu dừng thông quan lô hàng nhập khẩu của Euro Auto và đề nghị xem xét khởi tố công ty này vì nhiều sai phạm, gian lận thương mại đối với hoạt động nhập khẩu ô tô BMW nguyên chiếc.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, công ty này đã tự ý tiêu thụ là ô tô nhập khẩu BMW khi chưa được cơ quan hải quan cho thông quan trong thời gian được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo quy định.

Công ty này cũng đã cố ý không cung cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và các hồ sơ, chứng từ, tài liệu của ô tô BMW do Công ty nhập khẩu, có dấu hiệu gian lận lừa dối khách hàng.

Trong công văn của mình, Bộ Tài chính chỉ rõ công ty này đã sử dụng tài liệu giả như Hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại... để nhập khẩu ô tô BMW.

Theo tìm hiểu, đây không phải lần đầu Euro Auto gặp rắc rối với các cơ quan chức năng. Lật lại hồ sơ, năm 2013, công ty này đã bị Hải quan TP HCM cáo buộc sai phạm thuế và truy thu số tiền hơn 80 tỷ đồng.

Tuy nhiên, công ty đã khiếu kiện lên Tòa án hành chính - Tòa án nhân dân TP.HCM. Trong lần đấy, Euro Auto đã thắng kiện, được bác bỏ quyết định truy thu thuế.

Theo Nam Dương

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Không sợ Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, một DN Hàn vẫn tự tin mang gạo sang bán giá đắt gấp 3

“Nhiều người ở Hàn Quốc bảo chúng tôi là chiến lược này sẽ không hiệu quả, vì Việt Nam không thiếu gạo, gạo Hàn lại đắt gấp 3 lần gạo Việt. Nhưng hoàn toàn ngược lại”.

Đây là chia sẻ của ông Ko Sang Goo, Chủ tịch công ty Thương mại Toàn cầu K&K (chuyên nhập khẩu và phân phối thực phẩm Hàn Quốc) tại hội thảo Hệ thống bán lẻ Việt Nam diễn ra mới đây.

Chủ doanh nghiệp này cho biết, mỗi tháng, công ty nhập khẩu 2 container gạo Hàn Quốc sang Việt Nam bán. Theo ông, việc mang gạo Hàn Quốc sang bán tại thị trường Việt Nam tưởng chừng không phù hợp vì Việt Nam vốn không thiếu gạo lại là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, nhưng thực tế lại nhiều người Việt lại yêu thích gạo của Hàn Quốc.

Đối tượng hướng tới của K&K không chỉ tập trung vào 170.000 người Hàn Quốc mà còn mở rộng thị trường cho các khách hàng Việt bởi 80% doanh thu của K&K đến từ khách hàng Việt Nam. Đối tác chủ yếu của K&K là Aeon, Samsung, Huyndai,.. các đơn vị cung cấp thức ăn cho các nhà máy.

Hiện tại, K&K đang tiếp cận thị trường gạo ở phân khúc cao cấp thông qua hệ thống siêu thị K-mart. Dự tính, đơn vị này sẽ bán gạo Hàn vào các hệ thống bán lẻ của Việt Nam như Lottemart, Aeon…

Cùng với gạo Hàn, hiện rất nhiều sản phẩm của công ty đã và đang đổ bộ thị trường Việt. Mục tiêu của Công ty đến năm 2020 là sẽ mở 100 cửa hàng K-mart và 100 cửa hàng Kfood tại Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, K&K đã có 49 siêu thị Hà Nội, 9 siêu thị tại TP HCM.

Được biết, doanh thu hiện tại của K&K tăng trưởng 61% năm. Đơn vị này đặt ra mục tiêu đạt 100 triệu USD vào 2017.

Đại diện thương hiệu này cho biết, môi trường mua hàng hiện nay đã chuyển từ offline sang online, trọng tâm là môi trường trên mobile. Có thể, trong vòng 5 năm tới, thị trường truyền thống sẽ chuyển lên môi trường mobile. Chính vì vậy, K&K đã mở thêm một số dịch vụ khác như hệ thống happy box, hệ thống giặt là, hệ thống vận chuyển hàng quốc tế, chuỗi cửa hàng Kfood đặt cạnh các cửa hàng bán lẻ.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc chính thức có hiệu lực từ năm 2015 đã thúc đẩy mạnh mẽ làn sóng đầu tư 2 chiều giữa hai quốc gia.

Theo thống kê, hiện nay có 170.000 người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Việt Nam và 5.500 doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Bán lẻ là một trong những lĩnh vực thu hút mạnh mẽ đầu tư từ Hàn Quốc với các thương hiệu như Lotte mart, Kmart...

Với lợi thế cắt giảm thuế quan, giá của nhiều sản phẩm Hàn Quốc trong thời gian tới chắc chắn sẽ giảm. Đây sẽ là lợi thế cho hàng Hàn Quốc thâm nhập thị trường Việt.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính tới tháng 11/2016, giá trị hàng hoá nhập từ Hàn Quốc đạt 28,9 tỷ USD, tăng 13,2%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Hàn Quốc chỉ đạt 10,4 tỷ USD, tăng 27,6%.

Trước đó, số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan, cho biết tính tới tháng 9/2016, Việt Nam nhập khẩu hàng hoá từ Hàn Quốc đạt hơn 23 tỷ USD, trong đó những mặt hàng nhập khẩu nhiều như thuỷ sản, sữa, rau quả…

M.Lan

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Thu ngân sách được giữ lại ít hơn, nhưng TP HCM vẫn tự tin nâng chỉ tiêu tăng trưởng năm 2017

Tp.Hồ Chí Minh muốn nâng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 từ mức 8,1-8,5% trong dự thảo lên mức 8,4-8,7% trong bối cảnh tỷ lệ ngân sách điều tiết bị cắt giảm.

Mới đây Tp.Hồ Chí Minh cho biết muốn nâng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 từ mức 8,1-8,5% trong dự thảo lên mức 8,4-8,7%. Trả lời báo chí về nguyên nhân tăng chỉ tiêu trong khi tỷ lệ ngân sách điều tiết cho thành phố bị cắt giảm, Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết Sở kế hoạch và đầu tư Thành phố khẳng định tiềm năng huy động đáp ứng cho sự phát triển các ngành vẫn còn. Vấn đề là có cơ chế, giải pháp để đưa nguồn lực này vào phát triển.

Trước đó hồi cuối tháng 10, Chính phủ cho biết nhiều tỉnh thành sẽ cắt giảm tỉ lệ ngân sách địa phương được giữ lại giai đoạn 2017-2020. Theo đó tỉ lệ thu ngân sách được giữ lại của Tp.HCM sẽ giảm từ 23% xuống 18%, Hà Nội giảm từ 42% xuống 28%, Đà Nẵng từ mức 85% giảm xuống còn 68%, hay Bình Dương giảm từ 40% xuống 36%.

Với vai trò là địa phương đầu tàu, có số thu ngân sách lớn (TP HCM cùng với Hà Nội chiếm 50% cả nước), TP HCM cho rằng tỷ lệ điều tiết này không phù hợp và sẽ gây khó khăn trong chi tiêu.

Bên lề kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong bối cảnh ngân sách khó khăn, các TP lớn cần có sự chia sẻ với trung ương, đồng cam cộng khổ với các địa phương khác để vượt qua.

Hồi cuối tháng 10, khi trao đổi với báo chí, ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Bộ Tài chính khẳng định việc xác định lại tỷ lệ điều tiết này đã được tính toán kỹ lưỡng và đảm bảo đáp ứng nhu cầu chi của thành phố. Theo ông Hưng, thực chất, ngân sách trung ương vẫn luôn ưu tiên dành nguồn chi lớn cho TP HCM. "Không phải Bộ Tài chính không ý thức được trường hợp của TP HCM. Chúng tôi đã tính toán kỹ làm sao để tỷ lệ điều tiết giảm không quá lớn, nếu giảm vẫn phải có nguồn lực khác bù vào để đảm bảo thành phố không bị tác động quá lớn", ông Hưng lý giải.

Sáng nay, chủ tịch Tp.HCM cũng lạc quan cho rằng "9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố hiện nay địa dư phát triển vẫn còn nếu có chính sách phù hợp. Đơn cử ngành du lịch vẫn chưa khai thác hết tiềm năng". Đồng thời ông cũng cho biết trong các ngành công nghiệp chủ yếu hiện nay thì xu thế công nghiệp chế biến chế tạo có chuyển dịch rất hiệu quả trong năm 2016. Đề án công nghiệp hỗ trợ vừa rồi bước đầu rất khả quan, thu được những kết quả tốt.

"Khó khăn thật, nhưng phải đồng tâm hiệp lực để vượt qua khó khăn, hợp tác với nhau, không có lựa chọn nào khác ngoài lựa chọn đó. Việc cắt giảm đó ít nhiều tác động đến tăng trưởng của thành phố, nhưng không phải vì thế mà chúng ta không có những nỗ lực vượt qua khó khăn đó", ông Phong nhấn mạnh.

Thảo Nguyên

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Bịa đặt tung tin sắp đổi tiền gây hoang mang

Tối 1/12, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông tin khẳng định việc NHNN sắp đổi tiền là toàn toàn bịa đặt.

Mấy ngày gần đây xuất hiện tin đồn trên mạng xã hội rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sắp đổi tiền và xúi giục người dân rút tiền để mua vàng và ngoại tệ khiến tâm lý một số người dân hoang mang. Về việc này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định đó là thông tin bịa đặt và có dụng ý xấu.

NHNN khuyến cáo người dân cần cảnh giác và đấu tranh trước những thông tin sai lệch, bịa đặt trên để tránh thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống và an ninh tiền tệ quốc gia.

“Việc thay đổi mệnh giá tiền của một số nước trên thế giới vừa qua không ảnh hưởng và không liên quan đến sự ổn định của đồng tiền Việt Nam”, NHNN cho biết.

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ chiều 29/11, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng khẳng định thông tin NHNN đổi tiền mới là thông tin thất thiệt.

“Các cơ quan báo chí cần tuyên truyền, lưu ý người dân hết sức cảnh giác, kể cả trong điều kiện kinh tế của chúng ta đang ổn định và phát triển, tất cả những thông tin như vậy đều là bất lợi. Tôi khẳng định lại đây là thông tin bịa đặt”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu rõ.

Theo D.Thùy

Infonet

Đọc tiếp »

Giá dầu tiếp tục tăng mạnh, vượt xa 50 USD/thùng

Các chuyên gia dự đoán chính sách của OPEC sẽ tác động lên thị trường năng lượng nhiều hơn nữa và giá dầu có thể lên 60 USD/thùng trong ngắn hạn.

Giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng mạnh trong phiên hôm qua 1/12, sau phiên tăng mạnh trước đó nhờ tác động từ chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC.

Chốt phiên, giá dầu Brent giao tháng 2 đóng cửa tại 53,94 USD/thùng, tăng 2,1 USD so với phiên liền trước và là mức cao nhất trong hơn 1 năm trở lại đây. Phiên 30/11 giá loại dầu này đã tăng 8,8%.

Giá dầu WTI trên sàn Nymex trong khi đó tăng 1,62 USD tương đương 3,3% lên 51,06 USD/thùng – cao nhất kể từ ngày 19/10. Khối lượng giao dịch cao hơn 93% so với mức bình quân 100 ngày.

Trước đó trong phiên họp ngày 30/11, OPEC đã đi đến thỏa thuận giảm 1,2 triệu thùng/ngày trong hạn ngạch của 14 thành viên xuống còn 32,5 triệu thùng/ngày. Các chuyên gia dự đoán chính sách của OPEC sẽ tác động lên thị trường năng lượng nhiều hơn nữa và giá dầu có thể lên 60 USD/thùng trong ngắn hạn.

Theo Phương Thảo

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Khó khăn của thủy sản Việt Nam nếu Mỹ rút khỏi TPP

Nếu Mỹ rút khỏi TPP, khó khăn nhất là ngành thủy sản khi sẽ phải trở về vạch xuất phát ban đầu.

Tuyên bố của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP đã tạo ra cơn địa chấn lớn đối với hoạt động xuất, nhập khẩu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ngoài các ngành công nghiệp lớn như dệt may, dày da, lĩnh vực xuất khẩu thủy sản được dự báo sẽ bị ảnh hưởng từ quyết định nói trên. Vậy những tác động mà ngành thủy sản phải đối mặt nếu Mỹ rút khỏi TPP là gì? Và các doanh nghiệp sẽ ứng phó ra sao?

Khó khăn nhất là ngành thủy sản sẽ trở về vạch xuất phát ban đầu tức tiếp tục phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ rất khó cạnh trạnh bởi phải tuân thủ theo những quy định nghiêm ngặt từ một thị trường thay vì là của các nước thành viên trong TPP.

Mỹ rút khỏi TPP nhưng hiện quốc gia này vẫn là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam với khoảng 20% thị phần. Do đó, chủ động đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm để tiếp tục xuất khẩu vào thị trường này là việc các doanh nghiệp cần làm.

Đây cũng là cơ sở quan trọng để mặt hàng thủy sản nước ta đủ sức cạnh tranh ở tất cả các thị trường trong và ngoài TPP.

Thủy sản khó thế nào nếu Mỹ rút khỏi TPP ?

Theo Huỳnh Tâm

VTV

Đọc tiếp »

"Nền kinh tế Việt Nam có 4 động cơ thì 3 đang trục trặc!"

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế 2017: Cơ hội cho các nhà đầu tư trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI cho rằng nếu nhìn nhận lại sức khoẻ của doanh nghiệp tư nhân thì có nhiều điều đáng ngại, chỉ có khối FDI còn mạnh.

Dẫn ra báo cáo của đại học Fullbright trước đó, ông Đậu Anh Tuấn cho biết nền kinh tế Việt Nam đang có 4 động cơ, tuy nhiên, 3 động cơ đang trục trặc, chỉ có mỗi FDI là mạnh. Dù vậy, thời gian tới FDI có duy trì được hay không thì rất khó đoán định. Bởi lẽ, theo nhiều nghiên cứu, khảo sát, vốn FDI đổ vào Việt Nam là bởi các nhà đầu tư có chi phí rẻ.

“Trong tương lai, những điều này sẽ không còn nữa. Đất đai hết rồi, nhân công cũng không còn rẻ nữa, lại thêm câu chuyện TPP, liệu nguồn vốn FDI có còn đổ nhiều vào Việt Nam, trở thành 1 trong những động lực của Việt Nam nữa hay không”, ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông, bức tranh kinh tế doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn đáng ngại bởi quy mô của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang ngày càng nhỏ đi, hoạt động không hiệu quả.

Cụ thể, nếu như lao động bình quân 1 doanh nghiệp năm 2009 là hơn 40 người thì đến năm 2015 chỉ còn 26 người; Cũng theo khảo sát, 58% doanh nghiệp tư nhân không có thu nhập để nộp thuế. Các chỉ số khác cũng đang rất đáng ngại, như là việc xuất khẩu dù tăng trưởng nhanh, nhưng xuất đi được 10 đồng thì 8 đồng thuộc khu vực có vốn nước ngoài, chỉ có 2 đồng thuộc doanh nghiệp nội, trong khi 4 năm trước tỷ lệ này là 50/50.

Báo cáo của Ngân hàng thế giới cũng cho thấy năng suất của khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng giảm. Doanh nghiệp bé, không thể áp dụng được các ưu thế, do đó cứ loay hoay với bài toán phát triển…

“Chúng ta đang chú ý nhiều đến số lượng doanh nghiệp thành lập, 1 triệu doanh nghiệp là mục tiêu, nhưng phải là những doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, có chất lượng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Do đó, để doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả, cơ quan quản lý cần đảm bảo quyền kinh doanh công bằng. Bởi hiện tại chính sách ban hành ra đang chỉ dành cho các ông lớn mà các doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận.

“Nếu không có các doanh nghiệp nhỏ thì sao có các doanh nghiệp lớn. Chưa kể các doanh nghiệp lớn vì không có ai cạnh tranh nên cũng không chịu đổi mới, phát triển”, ông Tuấn cho biết.

Dù vậy, không có nghĩa là doanh nghiệp lớn không gặp khó khăn. Trên thực tế, các doanh nghiệp này đang gặp nhiều bất lợi về thủ tục hành chính. Bởi lẽ, doanh nghiệp càng lớn, thủ tục hành chính càng nhiều, càng hay bị kiểm tra, thanh tra.

Nói về điều này, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cho rằng nhiều doanh nghiệp không muốn lớn để khỏi phải phiền phức, một số khác thì tìm cách lách để không bị nhũng nhiễu mà làm ăn.

Theo Nam Dương

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Dự án 10 tỷ USD Cà Ná vào quy hoạch ngành thép đến 2025

Dự án thép Cà Ná nằm trong dự thảo quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035...

Bộ Công Thương vừa ban hành dự thảo quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến 2025, định hướng đến 2035.

Theo đó, Bộ chủ trương khuyến khích đầu tư các khu liên hợp thép ở ven biển, nơi có nhiều cảng nước sâu, quỹ đất còn nhiều và không ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Đáng chú ý, trong danh mục dự kiến các dự án trong quy hoạch trên, có dự án thép Cà Ná của tập đoàn Hoa Sen ở Ninh Thuận. Dự án có công suất 16 triệu tấn một năm, với vốn đầu tư dự kiến khoảng hơn 10 tỷ USD, tương đương hơn 230.000 tỷ đồng.

“Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná ở Ninh Thuận giai đoạn 1 do tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 của dự án vẫn chưa xác định thời điểm triển khai. Nhưng tổng thể, dự án này dự kiến được đầu tư thành 5 giai đoạn. Giai đoạn 2 thực hiện đến năm 2022. Giai đoạn 3 là năm 2025. Giai đoạn 4 năm 2028 và giai đoạn 5 là 2031”, dự thảo quy hoạch cho biết.

Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 6/9, cổ đông Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG - HOSE) đã thông qua chủ trương đầu tư dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã khẳng định không đánh đổi môi trường lấy dự án công nghiệp và cũng không có lợi ích nhóm trong việc phê duyệt dự án. Bộ Công Thương muốn hướng tới sự phát triển hài hòa và bền vững các ngành công nghiệp quan trọng, khai thác hợp lý và bền vững các lợi thế tài nguyên quốc gia.

Trong một báo cáo về triển vọng ngành thép mới công bố, Bộ Công Thương dự báo, đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô, nhập siêu ngành thép dự kiến lên tới hàng tỷ USD.

Theo Bạch Dương

VnEconomy

Đọc tiếp »

Lộ bức ảnh cho thấy người Mỹ sẵn sàng chào đón bà Clinton trên cương vị tổng thống

Khi người dân Mỹ tới các điểm bỏ phiếu ngày 7/11, tờ Newsweek đã chuẩn bị sẵn một ấn phẩm chào đón nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Bà Hillary Clinton cũng đích thân ký vào ấn phẩm này.

Tuy nhiên, những gì diễn ra trên thực tế khiến những dự định này không bao giờ trở thành sự thực. Kết quả kiểm phiếu cho thấy ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng áp đảo trước bà Clinton . Không quá lời khi nói rằng chiến thắng của ông Trump khiến một phần nước Mỹ ngã ngửa.

Nhiều người bất ngờ trước chiến thắng của vị tỷ phú đảng Cộng hòa vì các cuộc thăm dò cho thấy bà Clinton bỏ xa đối thủ. Trong khi đó, phần lớn các tờ báo của Mỹ lên tiếng ủng hộ bà Clinton, người phụ nữ từng gây tiếng vang trên chính trường Mỹ trên cương vị Ngoại trưởng. Tờ The Blaze cho biết Newsweek đã in 125.000 ấn bản có hình bà Clinton trên trang bìa trước khi có kết quả. Một vài quyển rò rỉ và xuất hiện bên ngoài thị trường.

Việc chuẩn bị trước cho chiến thắng của bà Clinton không chỉ khiến Newsweek hao tiền tốn của mà còn khiến tờ báo này bị chỉ trích vì lòng sùng bái thái quá. Matt Cooper, biên tập viên chính trị của tờ Newsweek, cũng thừa nhận đây là việc làm “đáng xấu hổ”. Tuy nhiên, Cooper khẳng định rằng bản in này là do một nhà thầu phụ tiến hành mà không được sự chấp thuận của bất cứ ai trong tờ Newsweek.

Bản thân bà Clinton đã chấp nhận thất bại và kêu gọi người Mỹ ủng hộ vị tỷ phú New York nhưng bộ máy tranh cử của bà Clinton vẫn tuyên bố tham gia lại quá trình tái kiểm phiếu ở các bang chiến trường theo đề nghị của Ứng viên đảng Xanh Jill Stein. Theo phía bà Clinton, việc tham gia nỗ lực tái kiểm phiếu giúp mọi việc trở nên minh bạch hơn với tất cả các bên.

Theo kết quả kiểm phiếu mới nhất, bà Clinton dẫn trước ông Trump 2.526.184 phiếu phổ thông, tương đương nhiều hơn 1,9% tổng số phiếu phổ thông. Tỷ lệ này tương tự như kết quả cuộc thăm dò được tiến hành vài ngày trước tổng tuyển cử. Đây cũng là mức chênh lệch đầu phiếu phổ thông cao nhất trong 10 đời tổng thống Mỹ gần đây. Tuy nhiên, số phiếu đại cử tri của bà Clinton chỉ là 232 trong khi ông Trump giành tới 306 phiếu. Mỗi ứng viên cần tối thiểu 270 phiếu để trở thành tổng thống Mỹ.

Theo Linh Anh

Trí thức trẻ/Business Insider

Đọc tiếp »

Chỉ 30% tiếp cận được vốn: Vì sao doanh nghiệp, ngân hàng khó gặp nhau?

Một vấn đề đặt ra, đó là muốn phát triển kinh doanh, doanh nghiệp rất cần ngân hàng. Nhưng tại sao nhiều khi doanh nghiệp và ngân hàng lại khó gặp nhau. Nhiều nguyên nhân đã được đưa ra nhằm lý giải vấn đề này.

30% doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận vốn

Tại Diễn đàn Kinh tế 2017 do VCCI phối hợp với CIEM tổ chức ngày 2/12, một nội dung được đề cập tới khá nhiều đó là vấn đề tiếp cận vốn đối với các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban pháp chế VCCI cho rằng sức khỏe doanh nghiệp tư nhân có nhiều điều đáng ngại và trục trặc.

Lý giải thêm về nhận định này, ông Tuấn cho biết, bức tranh kinh tế doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn đáng ngại bởi quy mô đang ngày càng nhỏ đi, hoạt động kém hiệu quả hơn.

"Hiện 58% doanh nghiệp tư nhân không có thu nhập để nộp thuế, tức là chỉ khoảng 42% doanh nghiệp làm ăn có lãi để nộp thuế. Nếu duy trì như này thì rất ngại", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, theo điều tra của VCCI, cứ 10 đồng xuất khẩu tại Việt Nam thì khối doanh nghiệp hiện nay giảm xuống chưa đến 3 đồng. Nói về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, ông Tuấn cho hay: Do doanh nghiệp tư nhân nhỏ nên không có lợi thuế về quy mô, công nghệ.

Hơn nữa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn trong nguồn lực, nhất là trong lĩnh vực đất đai thì gần như là bất lợi vì họ không có vốn nên khó tiếp cận.

"Điều tra của chúng tôi còn chỉ rõ, tỷ lệ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp tư nhân chỉ đạt 30-40%. Nhà nước đang dành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp lớn. Cần tháo gỡ các cản trở cho các doanh nghiệp nhỏ để họ có cơ hội kinh doanh và có lãi”, ông Tuấn cho biết.

Khó gặp nhau không phải bởi lãi suất?

Một vấn đề đặt ra, đó là muốn phát triển kinh doanh, doanh nghiệp rất cần ngân hàng. Nhưng tại sao nhiều khi doanh nghiệp và ngân hàng lại khó gặp nhau. Đề cập đến vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, đúng là vấn đề tiếp cận vốn đang rất bức xúc của nhiều doanh nghiệp.

“Chúng tôi được Ban kinh tế trung ương giao cho thực hiện Sáng kiến Việt Nam và chuẩn bị báo cáo, chúng tôi thấy rằng tiếp cận tài chính đang là 1 trong những điểm nghẽn trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp”, ông Lực nói.

Theo ông Lực, câu chuyện bây giờ không phải là vấn đề lãi suất. Lãi suất thực đang cao lên trong thời gian vừa qua nhưng điều này không đáng ngại bằng các chi phí không chính thức và ở đâu đó nó chiếm tới 12% trong chi phí của doanh nghiệp như khâu giao dịch ngân hàng, khâu đất đai…

Một cản trở nữa theo ông Lực đó là cản trở về thủ tục thế chấp và tính chưa minh bạch ở nhiều doanh nghiệp. Thủ tục về tiếp cận cho vay dù có cải tiến nhưng còn nhiều phức tạp đối với doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo ông Lực, còn lý do nữa xuất phát từ chính bản thân doanh nghiệp. Trong giai đoạn vừa qua do phải tái cơ cấu nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn yếu kém trong tái cơ cấu về kinh doanh, về quản trị và nhân lực đã hạn chế rất nhiều trong việc tiếp cận vốn.

"Xét đến cùng thì thị trường tài chính của chúng ta còn chưa phát triển nên còn loay hoay từ nguồn vốn ngân hàng. Hiện tại đa phần là từ nguồn vốn ngân hàng, 14% cổ phiếu, 9% là trái phiếu và bảo hiểm còn hạn chế rất nhiều. Và đây là điều mà chúng ta cần phải cân bằng hơn trong thời gian sắp tới”, ông Lực nhận định.

Ông Lực cho biết: “Nhiều người hỏi tôi vì sao lãi suất Việt Nam cao hơn so với trong khu vực? Đó là do lạm phát chúng ta rất cao, rủi ro của Việt Nam rất cao thì chi phí lãi suất cũng phải cao. Bên cạnh đó, thị trường chúng ta chưa phát triển nên chi phí giao dịch chưa phát triển nên cao hơn. Ngoài ra những thủ tục rườm ra cũng đẩy chi phí cao hơn”.

Từ thực tế trên, ông Lực rất mong các doanh nghiệp cần chủ động về vốn về lâu về dài. Chúng ta sẵn sàng chơi với thị trường thì phát hành cổ phiếu. Hiện nay, tín dụng thương mại cho phép mua bán chịu cả trong và ngoài nước, doanh nghiệp có thể tìm hiểu để tạo thêm nguồn vốn cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Theo N.Mạnh

BizLive

Đọc tiếp »

Chính phủ quyết đưa tiền ảo vào khuôn khổ

Giá trị vốn hóa thị trường toàn cầu của riêng Bitcoin là hơn 10 tỷ USD, kéo theo đó là những tranh chấp...

Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan đang gấp rút thực hiện đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”, nguồn tin của VnEconomy cho biết.

Rủi ro rửa tiền, trốn thuế, chảy máu ngoại tệ

Bản dự thảo đề án cho biết, gần đây, việc kinh doanh, đầu tư tiền ảo, tiền điện tử ngày càng phổ biến ở nhiều nước và trở thành xu hướng mới trên thị trường tài chính thế giới, với 670 loại trên toàn cầu, ví dụ như Bitcoin.

Việc sử dụng tiền ảo mang lại nhiều tiện ích như tiết kiệm chi phí, giao dịch thuận tiện, nhanh chóng, khó bị làm giả… nên thu hút nhiều người tham gia đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, việc giao dịch bằng tiền ảo có thể làm nảy sinh nhiều loại tội phạm như rửa tiền, trốn thuế, buôn lậu.

Theo đề án, tại Việt Nam, hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo đang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, quy mô, phạm vi mở rộng từ các thành phố lớn lan rộng tới các tỉnh biên giới phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên…

Đặc biệt, việc kinh doanh tiền ảo đa cấp đang hút đông đảo người tham gia đầu tư. Tuy nhiên, việc hiểu biết không đầy đủ về tiền ảo khiến những người tham gia chịu rủi ro lớn khi lao vào cuộc chơi này.

Về pháp luật, Việt Nam đang rất thiếu các quy định pháp luật để điều chỉnh về tiền ảo, tiền điện tử, dẫn đến việc quản lý khó khăn do các giao dịch này chủ yếu thực hiện qua Internet gây thất thu ngân sách, trở thành công cụ cho trốn thuế, rửa tiền, hối lộ hay mua bán vũ khí.

Đặc biệt, đề án của Chính phủ còn đặt ra nguy cơ chảy máu ngoại tệ, gây bất ổn thị trường tài chính tiền tệ.

Trên thế giới, các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Canada… đều đã xây dựng khung pháp lý, chính sách để quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng tiền ảo. Trong đó, tập trung vào 4 vấn đề là xây dựng khung pháp lý quản lý, ban hành chính sách thuế đối với đầu tư, kinh doanh tiền ảo, có chính sách bảo vệ quyền lợi cho người sở hữu tiền ảo, cấm các giao dịch tiền ảo do tư nhân phát hành.

Nhiều lỗ hổng trong quản lý

Trước thực tế đó, Chính phủ cho rằng cần phải có những biện pháp quản lý giao dịch tiền ảo để tránh hệ lụy phát sinh.

Về tài sản ảo, với các quy định luật hiện tại của Việt Nam, tài sản ảo có thể tồn tại bao gồm cả hữu hình và vô hình. Tài sản ảo hữu hình mới phát sinh cùng sự phát triển công nghệ như tài khoản game online, các đồ vật trong game...

Theo nghĩa rộng, tài sản ảo được hiểu là tài nguyên trên mạng máy tính được xác định giá trị bằng tiền và có thể chuyển giao trong các giao dịch dân sự. Hiện nay giá trị của tài sản ảo có thể lên tới hàng trăm tỷ USD trong bối cảnh công nghệ bùng nổ như hiện nay.

Hiện khung pháp lý cho các loại tài sản ảo như Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012, Thông tư 24 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Nghị định số 72… vẫn chưa được rõ ràng. Trong khi trên thế giới đã có quy định quản lý về các loại tài sản ảo như e-mail, website, chatroom, URL...

Về tiền điện tử, hiện Việt Nam có 103,5 triệu thẻ ngân hàng và 2,2 triệu ví điện tử. Thanh toán điện tử ngày càng đóng vai trò quan trọng trong kinh tế.

Tuy nhiên, một số loại hình tương tự như tiền điện tử dưới dạng lưu trữ giá trị đang được sử dụng như thẻ điện thoại trả trước (ngoài tính năng gọi điện còn được sử dụng để mua hàng hóa, dịch vụ qua mạng, thẻ game online...) không do ngân hàng hay tổ chức dịch vụ thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép phát hành nhưng vẫn chưa có khung pháp lý quản lý.

“Pháp luật Việt Nam đã có quy định về tiền điện tử nhưng chua đầy đủ, hiện còn chưa thống nhất dẫn đến việc nhầm lẫn giữa tiền điện tử và tiền ảo. Vì vậy cần nghiên cứu rõ để thống nhất cách hiểu và có chính sách quản lý cho từng đối tượng”, văn bản nêu.

Mặt khác các quy định về tiền điện tử chủ yếu được quy định trong các thông tư của Ngân hàng Nhà nước nay cần nâng cấp lên thành nghị định của Chính phủ.

Về tiền ảo, đề án cho biết Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010, Luật Tổ chức tín dụng năm 2010, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2013 không có quy định cấm đối với các giao dịch sử dụng tiền ảo.

Theo quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Nghị định 52 của Chính phủ, thì tiền ảo không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm theo hình thức thương mại điện tử.

Tuy vậy, Chính phủ cho rằng cần phải làm rõ quy chế pháp lý đối với tiền ảo, xác định mô hình quản lý, tiền ảo là phương tiện thanh toán hay hàng hóa, tài sản? Từ đó giảm thiểu rủi ro của hệ thống tiền ảo với thị trường tiền tệ.

Đưa tiền ảo vào khuôn khổ

Theo Bộ Tư pháp, dù Bitcoin hay các loại tiền ảo khác không được Việt Nam và nhiều quốc gia công nhận, nhưng giá trị vốn hóa thị trường toàn cầu của riêng Bitcoin là hơn 10 tỷ USD, kéo theo đó là những tranh chấp dân sự, thương mại, tội phạm... nên không thể nằm ngoài vùng quản lý, giám sát.

Theo Chính phủ, mục tiêu của xây dựng đề án là để đánh giá đầy đủ, toàn diện về khung pháp lý với tài sản ảo, tiền điện tử và tiền ảo ở Việt Nam. Xác định rõ vị trí, trách nhiệm, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, chủ trì xây dựng, hoàn thiện pháp lý để giảm thiểu rủi ro hệ thống tài chính từ tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử.

Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và các bộ ngành khác rà soát thực trạng pháp luật, thực tiễn về tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử trước tháng 12/2017.

Nghiên cứu lập 3 nghị định về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo trình Chính phủ trong năm 2018. Đồng thời, đề xuất các biện pháp thu thuế, xử phạt hình sự với các vi phạm liên quan đến các giao dịch này.

Đáng chú ý, đề án còn nhấn mạnh việc học tập kinh nghiệm quản lý ở Mỹ, EU, Nhật Bản. Ngoài việc đưa tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử vào khung pháp lý nghị định, Chính phủ nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung luật quản lý với các phát sinh trong bối cảnh mới.

“Đến nay vẫn chưa có một cách ứng xử thống nhất, rõ ràng đối với việc quản lý đồng tiền ảo trên phạm vi toàn thế giới, tùy thuộc vào mục tiêu quản lý của từng quốc gia để đưa ra các chính sách, biện pháp quản lý. Song, các quốc gia đang tỏ ra rất thận trọng với tiền ảo”, báo cáo nêu.

Theo đó, hiện có 5 phương thức quản lý tiền ảo là cảnh báo, quy định đối với các cơ quan tiền ảo để bảo vệ người tiêu dùng, thuyết minh thêm trên các cơ sở luật hiện hành, quy định mang tính tổng thể, ngăn cấm.

Theo thiết kế hiện nay, tiền ảo ẩn chứa một rủi ro khác biệt so với các phương tiện thanh toán và cất giữ khác, đó là tỷ giá quy đổi giữa tiền ảo và các tiền mặt khác biến đổi liên tục. Ngoài ra giao dịch nhỏ khiến thanh khoản của tiền này khá hạn chế, một giao dịch lớn có thể thay đổi giá trị của đồng tiền này.

Theo Bạch Dương

VnEconomy

Đọc tiếp »

Nga có thể hưởng lợi gần 20 tỷ USD từ việc OPEC cắt giảm sản lượng

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ mà Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đạt được hôm 30/11 sẽ đẩy giá dầu lên cao, giúp ngân sách Nga thu thêm gần 20 tỷ USD.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ mà Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đạt được hôm 30/11 sẽ đẩy giá dầu lên cao, giúp ngân sách Nga thu thêm gần 20 tỷ USD.

Theo thỏa thuận này, từ năm 2017, OPEC sẽ giảm sản lượng dầu mỏ 1,2 triệu thùng/ngày.

Các nước không phải là thành viên OPEC cũng sẽ giảm khai thác 600.000 thùng mỗi ngày, 50% trong đó thuộc trách nhiệm của Nga.

Các thỏa thuận cụ thể giữa Nga, các nước không phải thành viên OPEC và OPEC dự kiến sẽ đạt được vào ngày 9/12 tới tại Moskva.

Các chuyên gia đánh giá với giá dầu ở mức 42,5 USD/thùng (giá định hướng cho thỏa thuận hạn chế khai thác), thu nhập từ dầu mỏ của Nga trong năm 2017 sẽ là 69 tỷ USD, song thỏa thuận của OPEC cho phép nhắm đến mức giá 52,5 USD/thùng.

Với mức giá này, kể cả trong trường hợp phải giảm khai thác 300.000 thùng/ngày, Nga cũng sẽ thu về 88 tỷ USD. Trong khi đó, nếu Nga không giảm sản lượng thu nhập sẽ ở mức 91 tỷ USD.

Hồi giữa tháng 11 vừa qua, hãng Bloomberg dẫn thông tin từ các quan chức Chính phủ Nga cho biết chỉ riêng đàm phán hạn chế sản lượng (được tiến hành từ đầu năm nay) đã giúp thu về cho ngân sách Nga hơn 400 tỷ ruble (khoảng 6 tỷ USD).

Lý do là cứ mỗi khi có tuyên bố về ấn định hoặc đóng băng sản lượng là giá dầu sẽ tăng lên. Và nếu hồi đầu năm một thùng dầu Brent chỉ có 28 USD, từ tháng Ba đến nay đã không xuống dưới 40 USD, thậm chí nhiều lần đã vượt qua mốc 50 USD/thùng.

Trong khi đó, sản lượng khai thác dầu thô của Nga vẫn tăng không ngừng.

Trong tháng Một năm nay, Nga chỉ sản xuất khoảng 10,1 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhưng vào tháng 11 vừa qua, sản lượng đã tăng đến mức cao nhất kể từ thời Liên Xô với 11,2 triệu thùng/ngày./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Đọc tiếp »

Tổng thống Nga Putin và Hoàng từ Ả rập đã giúp OPEC đạt được thỏa thuận như thế nào?

CNBC dẫn nguồn tin từ OPEC và ngoài OPEC cho biết thỏa thuận lịch sử của OPEC vừa qua đạt được là nhờ công rất lớn của ông Putin, Phó vương Ả rập Mohammed bin Salman, Lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei và Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giúp đỡ 2 nước kình địch trong OPEC là Iran và Saudi Arabia gạt bỏ những khác biệt để tiến đến ký kết thỏa thuận đầu tiên với một nước nằm ngoài OPEC trong 15 năm trở lại đây.

Vai trò hòa giải của Tổng thống Putin giữa Riyadh và Tehran là rất quan trọng, minh chứng cho sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga ở Trung Đông kể từ khi Nga can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến ở Syria chỉ hơn một năm trước đây.

Sự việc bắt đầu khi ông Putin gặp Hoàng tử Ả Rập Mohammed bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Trung Quốc hồi tháng 9 vừa qua. Hai bên đã đồng ý hợp tác để cứu thị trường dầu mỏ thế giới khỏi sự dư thừa mà đã khiến giá dầu giảm đi một nửa kể từ năm 2014, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của chính Phủ Nga và Ả Rập. Những tổn hại tài chính đã đẩy các bên đến thỏa thuận bất chấp sự khác biệt chính trị to lớn giữa Nga và Ả Rập trong cuộc nội chiến ở Syria.

"Putin muốn thỏa thuận này. Chấm hết. Các công ty dầu mỏ Nga sẽ phải cắt giảm sản lượng", một nguồn tin từ Nga nói.

Trở lại hồi tháng 9, tại cuộc họp ở Algiers, OPEC về cơ bản đã nhất trí về một thỏa thuận cắt giảm sản lượng đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, chặng đường đi từ Algiers tới cú chốt tại cuộc họp Vienna vừa qua vẫn cần rất nhiều động thái ngoại giao khéo léo.

Sở dĩ OPEC liên tiếp thất bại trong mấy năm gần đây chủ yếu là do tranh cãi giữa lãnh đạo Ả Rập Saudi và nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba thế giới - Iran. Tehran từ lâu đã cho rằng OPEC không nên ngăn cản họ phục hồi sản lượng dầu bị mất đi trong những năm thực thi lệnh trừng phạt của phương Tây.

Cuộc chiến tại Syria và Yemen càng khiến quan hệ giữa một bên là vương quốc thuộc dòng Hồi giáo Sunni (Saudi) và một bên là nước cộng hòa Hồi giáo Shiite (Iran) trở nên căng thẳng hơn sau nhiều thập kỷ đối đầu.

Trước thềm cuộc họp đã có nhiều dấu hiệu không tốt. Hoàng tử Ả Rập Mohammed đã liên tục yêu cầu Iran tham gia vào việc cắt giảm sản lượng. Những người đàm phán của Ả Rập và Iran tranh cãi qua lại trong suốt thời gian diễn ra cuộc họp. Thậm chí, chỉ vài ngày trước thỏa thuận lịch sử, Saudi đã quay ngược lại đe dọa sẽ đẩy mạnh sản xuất nếu Iran không đồng ý cắt giảm.

Tuy nhiên, khi mà Saudi không có dấu hiệu nhân nhượng nào cho Iran, Tổng thống Nga đã quả quyết rằng nước này nên gánh vác phần nhiều nhất trong việc cắt giảm sản lượng,

Cuộc điện thoại giữa Ông Putin và Tổng thống Iran Rouhani đã dọn đường cho thỏa thuận. Sau cuộc điện thoại, ông Rouhani và Bộ trưởng dầu mỏ Bijan Zanganeh đã xin phê duyệt từ các lãnh đạo tối cao, theo một nguồn tin thân cận.

“Trong suốt cuộc họp, nhà lãnh đạo Khamenei nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vững vàng các mục tiêu đã đề ra của Iran, rằng sẽ không đầu hàng trước áp lực chính trị và không chấp nhận bất kỳ sự cắt giảm sản lượng nào ở Vienna", nguồn tin cho biết.

Tuy nhiên ông Zanganeh đã triệt để giải thích chiến lược của mình ... và đã nhận được sự chấp thuận từ nhà lãnh đạo. Ngoài ra, việc vận động hành lang chính trị góp phần không nhỏ, đặc biệt là với ông Putin, và một lần nữa lãnh đạo chấp thuận", nguồn tin cho biết.

Nhưng OPEC sẽ không là OPEC nếu không có cuộc tranh cãi ở những phút cuối đe dọa đến sự thành công của thọa thuận. Iraq lại trở thành một vấn đề.

Khi cuộc đàm phán giữa các Bộ trưởng diễn ra, Iraq - nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai của OPEC khăng khăng rằng họ không đủ khả năng để cắt giảm sản lượng vì phải chi quá nhiều tiền trong cuộc chiến tranh chống lại Nhà nước Hồi giáo.

Tuy nhiên, đối mặt với áp lực từ các thành viên OPEC còn lại ủng hộ việc cắt giảm, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Jabar Ali al-Luaibi nhấc điện thoại lên trước mặt các đại biểu để gọi cho Thủ tướng Haider al-Abadi.

Và ông Abadi đã nói: “Hãy ký vào thỏa thuận”.

Sau 8 năm dài đằng đẵng với bao tổn thương, cuối cùng thì các nước OPEC đã đồng thuận. Dù muộn màng thì có còn hơn không!

Theo Hiền Phạm

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Ngân hàng Nhà nước sẽ có động thái nào để ổn định tỷ giá?

MBS cho rằng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong những tuần cuối năm do nhu cầu tăng trưởng tín dụng trong hệ thống tăng và NHNN sẽ bán ra USD và hút VNĐ về nhằm đảm bảo sự ổn định của tỷ giá.

Lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng so với cuối tháng 11 do nhu cầu thanh khoản của hệ thống ngân hàng tăng từ yếu tố mùa vụ và NHNN rút bớt tiền ra khỏi hệ thống.

Theo báo cáo của CTCK MB (MBS), lãi suất liên ngân hàng có nhìn chung xu hướng tăng với hai tuần trước (tăng 1,1 điểm phần trăm đối với qua đêm, 1,2 điểm phần trăm đối với 1 tuần, 1,3 phần trăm đối với 2 tuần, 1,4 phần trăm đối với 1 tháng) và không còn ở mức thấp, cho thấy nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tín dụng đang gia tăng. Trong hai tuần qua, NHNN hút ròng tiền ra khỏi hệ thống thông qua kênh tín phiếu cũng gây áp lực lên mặt bằng lãi suất liên ngân hàng.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã có dấu hiệu chạm đáy và khó có thể giảm thêm. Trong tuần có một vài ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất ở các kỳ hạn trên 12 tháng và một số ngân hàng giảm nhẹ lãi suất ở các kỳ hạn ngắn. Hiện, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm. Lãi suất huy động USD: Hiện lãi suất huy động USD của TCTD ở mức 0 %/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,89%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

"Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm, mặt bằng lãi suất huy động sẽ có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt là ở các kỳ hạn ngắn do nhu cầu tăng trưởng tín dụng tăng vào những tháng cuối năm", báo cáo của MBS nhận định.

Trong khi đó, tỷ giá tăng khá mạnh trong hai tuần qua, tỷ giá trung tâm VND/USD tăng lên mức 22.124 (tăng 4 đồng so với hai tuần trước). Tỷ giá tại giao dịch các NHTM ở mức 22.720 tăng 120 VNĐ so với hai tuần trước. MBS cho rằng đây là hiệu ứng ngắn hạn do nhiều khả năng FED sẽ tăng lãi suất trong tháng 12 và USD tăng giá trên thị trường thế giới. Tổ chức này đánh giá NHNN hiện đủ dư địa để điều hành tỷ giá ổn định và mức mất giá của VND so với USD sẽ không quá cao.

Cũng trong một báo cáo mới đây, NHNN đã nhận định những diễn biến về tỷ giá trên thị trường trong nước trong tháng 11 vừa qua là dễ hiểu vì từ đầu năm 2016 NHNN đã chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt hơn, tức là cho phép tỷ giá biến động hàng ngày phù hợp với những diễn biến trên thị trường trong nước và quốc tế. Trên thế giới, đồng đô la Mỹ cũng như các đồng tiền khác biến động. Tuy nhiên, về cơ bản cung cầu ngoại tệ trong nước không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được các TCTD đáp ứng kịp thời và đẩy đủ.

Theo Mai Ngọc

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Trung Quốc đối đầu Trump và đây là giải pháp để đôi bên cùng có lợi

Đe doạ khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể sẽ là một giải pháp đôi bên cùng có lợi cho cả hai quốc gia.

Ở thời điểm hiện tại, tuyên bố trừng phạt Trung Quốc vì các hoạt động thương mại không công bằng của tổng thống đắc cử Donald Trump không được các nhà lãnh đạo nước này coi trọng. Một nguyên nhân là bởi nếu Trung Quốc thả nổi tự do đồng tiền của mình theo lời thúc giục của Mỹ, đồng tệ sẽ giảm giá, dẫn đến giảm giá trị xuất khẩu của Mỹ.

Và nếu ông Trump thực sự áp dụng mức thuế quan 45% với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc như cam kết trước đó, Trung Quốc có rất nhiều cách để trả đũa. Có lẽ trong cuộc chiến tranh thương mại này, Mỹ sẽ là bên chịu nhiều tổn thất hơn so với Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa rằng chính quyền ông Trump chỉ có thể chấp nhận hiện trạng.

Trung Quốc hiện vẫn là một trong những nền kinh tế khép kín lớn nhất trên thế giới. Theo Ngân Hàng Thế Giới, Mỹ duy trì áp dụng mức thuế quan 3,4% với hàng hoá từ các quốc gia được nhận tối huệ quốc (nôm na là chế độ ưu đãi thuế). Còn mức thuế quan trung bình của Trung Quốc đối các các quốc gia được nhận tối huệ quốc là 9,9%, cao hơn Nga, Nam Phi, Myanmar và Colombia.

Ngoài thuế quan, Trung Quốc còn áp dụng nhiều rào cản thương mại trong các lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, thậm chí là cả trong một loạt các ngành công nghiệp tưởng chừng như không quan trọng như bông, thuốc lá hay luyện kim.

Bên cạnh đó, theo những phàn nàn từ phía Mỹ và phòng Thương mại Châu Âu, các công ty nước ngoài còn phải đối mặt với ngày càng nhiều rắc rối liên quan tới thực thi hợp đồng và tiếp cận tài chính tại các ngân hàng Trung Quốc.

Tình trạng này đã gây nên một làn sóng phản đối các công ty Trung Quốc tiến hành các hoạt động mua lại và sát nhập với các công ty nước ngoài theo thúc giục từ phía chính phủ.

Trong vòng một năm trở lại đây, các khoản đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào các nước khác đã tăng từ 53%, lên 134 tỷ USD. Nhiều nhà phê bình ở Mỹ, Úc, Anh và Đức đã đặt ra câu hỏi tại sao các công ty Trung Quốc lại được phép đầu tư vào đất nông nghiệp, các nhà máy năng lượng hạt nhân và các công ty công nghệ tại những quốc gia này; trong khi đó, các công ty từ những nước này lại vấp phải nhiều trở ngại khi đầu tư tương tự tại Trung Quốc.

Trong tình huống này, Tổng thống Trump có lẽ không nhất thiết phải áp dụng bất kỳ mức thuế quan cao có khả năng phản tác dụng nào. Thay vào đó, ông chỉ cần đảm bảo chính phủ Mỹ xem xét kỹ lưỡng cũng như kéo dài thời gian xem xét các thoả thuận liên quan đến người mua Trung Quốc; và do đó, Trung Quốc sẽ tìm một mục tiêu sáp nhập mới.

Các công ty Trung Quốc đang cố gắng thoát khỏi tình trạng sản xuất hàng nhái với giá trị gia tăng thấp; vì thế, họ cần phải tìm kiếm công nghệ cũng như tài năng thông qua hoạt động sáp nhập toàn cầu. Nếu thiếu những yếu tố này, các công ty này sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức hơn trong quá trình đạt tới một vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị.

Có lẽ, sẽ tốt hơn nếu Trung Quốc tránh tham dự vào những mối quan ngại quốc tế ở thời điểm hiện tại trước khi Mỹ, Anh và các quốc gia châu Âu đóng cửa thị trường trong nước. Nếu giảm bớt rào cản đầu tư có thể dẫn tới tình huống mất kiểm soát, Trung Quốc cũng nên mở rộng mục tiêu của mình.

Các lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, nhận ra rằng các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ mang tới nguồn vốn vô cùng cần thiết, mà còn đem tới áp lực quản lý và cạnh tranh có thể tạo ra hiệu quả cao hơn.

Trung Quốc, cụ thể là khu vực nhà nước cứng nhắc, rất cần một yếu tố kích thích nhằm tăng năng suất; và buộc các doanh nghiệp cồng kềnh phải tham gia cạnh tranh cùng bên ngoài có lẽ là biện pháp đảm bảo nhất để cải thiện cách làm kinh doanh của những doanh nghiệp này.

Điều này nghe có vẻ không khả thi. Tuy nhiên, trong lịch sử đã từng xảy ra trường hợp tương tự. Dưới nhiệm kỳ của tổng thống Reagan, Nhật Bản đã từng phải đối mặt với một làn sóng phản đối giống như Trung Quốc hiện nay.

Thay vì tìm kiếm nhiều hỗ trợ chính trị nhằm trả đũa các chính sách thương mại và đầu tư thiếu công bằng của Nhật Bản (theo cách nói của nhiều người Mỹ, bao gồm cả ông Donald Trump); Tổng thống Reagan buộc Nhật Bản phải chấp nhận nhiều biện pháp hạn chế xuất khẩu “tự nguyện” (VER) - là một biện pháp hạn chế xuất khẩu mà theo đó quốc gia nhập khẩu đòi hỏi quốc gia xuất khẩu phải hạn chế chế bớt lượng hàng xuất khẩu sang nước mình một cách tự nguyện, nếu không thì sẽ áp dụng biện pháp trả đũa kiên quyết.

Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tìm cách lách luật nhằm thành lập các công ty con tại Mỹ, và nhờ đó, tạo ra nhiều việc làm cho người Mỹ. Ông Reagan đảm bảo người Nhật hiểu rằng ông lúc nào cũng có thể áp dụng nhiều biện pháp bảo hộ mạnh hơn nếu cần thiết; vì vậy, thoả thuận với Mỹ chính là đem lại lợi ích cho Nhật Bản và cho cả Mỹ nữa.

Tất nhiên trường hợp của Nhật Bản trước đây và Trung Quốc hiện nay không giống nhau hoàn toàn. Nhật Bản vốn là một đồng minh vững chắc của Mỹ trong lĩnh vực an ninh; do đó, các nhà lãnh đạo Nhật Bản có nhiều lý do thoả hiệp với Mỹ hơn Trung Quốc.

Đồng thời, những nhà cải cách Trung Quốc nhận thức rõ ràng rằng nền kinh tế của nước họ thu lợi nhuận từ việc mở cửa thị trường. Người tiêu dùng luôn yêu thích những sản phẩm ngoại giá rẻ như sữa bột trẻ em, những mặt hàng sẽ được bày bán công khai khi mở cửa thị trường. Đồng thời, các khu vực cần nâng cấp như chế biến thực phẩm và y tế sẽ có được chuyên môn và công nghệ tiên tiến. Mở cửa chào đón các hãng bán lẻ và các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế do tiêu dùng và dịch vụ chi phối, thay vì do sản xuất và đầu tư chi phối như hiện nay.

Xét về mặt chính trị, những thay đổi này là khá khó thực hiện tại Trung Quốc. Vì thế, thông qua đe doạ châm ngòi chiến tranh thương mại, Donald Trump có thể sẽ giúp thúc đẩy tiến hành những thay đổi này tại Trung Quốc.

Như những gì Chủ tịch Tập Cận Bình thường nói, nếu cả hai bên đủ khôn ngoan, luôn có một giải pháp đem lại lợi ích cho đôi bên.

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Giá xăng có thể tăng mạnh vào ngày mai

Giá xăng dầu thế giới tăng nhiệt nên một số doanh nghiệp đầu mối phía Nam dự báo giá xăng có thể tăng mạnh vào phiên điều chỉnh ngày 5/12 của liên bộ Tài chính - Công Thương.

Giá xăng dầu thế giới tăng mạnh hơn 12% sau khi OPEC đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Số liệu cập nhật xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore được Bộ Công Thương công bố trong 2 ngày cuối tuần ghi nhận mức tăng từ 56,4 USD/thùng lên gần 60 USD một thùng cho mặt hàng xăng RON 92.

Tính toán của một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho thấy nếu không thay đổi mức sử dụng quỹ bình ổn và giữ nguyên thuế, phí... giá bán lẻ với xăng sẽ tăng. Ở các kỳ điều chỉnh trước, vì giá xăng không tăng nên doanh nghiệp đầu mối đang phải chịu thua lỗ. Do vậy, lần này, nhà điều hành có thể thực hiện giải pháp song song là vừa dùng quỹ bình ổn vừa cho xăng tăng giá.

Giám đốc doanh nghiệp này cho biết: “Hiện tại giá bán lẻ của mặt hàng xăng đang lỗ khoảng 650 đồng/lít, trong khi đó với mặt hàng dầu là 350 đồng/lít. Vì vậy trong phiên điều chỉnh ngày mai giá chắc chắn sẽ tăng, mức tăng bao nhiêu còn tùy thuộc vào mức độ xả quỹ.”

Ở phiên điều chỉnh trước liên bộ cũng cho phép giảm mức chi sử dụng quỹ bình ổn đối với với xăng khoáng và xăng sinh học E5 ở mức 600 đồng/lít, với dầu diesel và dầu hỏa lần lượt 219 đồng/lít và 114 đồng/lít.

Hiện tại mức giá bán lẻ áp dụng đối với mặt hàng xăng RON 92 là 16.371 đồng/lít; xăng sinh học E5 16.221 đồng/lít; dầu diesel 13.023 đồng/lít, dầu hỏa là 11.543 đồng/lít và dầu mazut là 10.060 đồng/kg.

Nếu dự đoán của các doanh nghiệp này chính xác thì tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng 12 lần với tổng cộng gần 5.000 đồng/lít. Cũng từ đầu năm đến nay, giá xăng đã 9 lần giảm với tổng cộng cũng gần 5.000 đồng/lít và 2 lần giữ nguyên giá.

Theo Bình Nguyên

Zing

Đọc tiếp »

Chủ nghĩa dân túy - "Cơn sóng thần" sẽ tạo ra trật tự thế giới mới?

Trump không phải là một hiện tượng duy nhất. Ở khắp nơi trên thế giới đang nổi lên những chính trị gia giống như Donald Trump, và sự trỗi dậy của họ rất có thể sẽ tạo ra một trật tự thế giới mới.

Donald Trump vừa đắc cử và trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Nhiều người cho rằng ông chính là hiện thân của chủ nghĩa dân túy , cho niềm tin vào quyền lời, lẽ phải của "dân thường" thay vì "tầng lớp tinh hoa".

Video dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thế nào là chủ nghĩa dân túy và làn sóng này đang trỗi dậy như thế nào.